VIỆN HÓA HỌC

 
Trụ sở: Nhà A18, số 18 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội
Viện trưởng: GS.TS.NCVCC. Ngô Quốc Anh
Phó Viện trưởng: PGS. TS. NCVC. Hoàng Mai Hà
                              TS. NCVC. Trần Quang Vinh   
Viện Hoá học được thành lập theo Quyết định số 230/CP ngày 16/9/1978 của Hội đồng Chính phủ
Người ký: Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị
images/stories/truso.jpg
 
ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ
18 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại:0243 7564312
Fax: 0084 24 38361283
Email: vanthu@ich.vast.vn
Website: vienhoahoc.ac.vn
BAN LÃNH ĐẠO
Viện trưởng: GS.TS.NCVCC. Ngô Quốc Anh
Phó Viện trưởng: PGS. TS. NCVC. Hoàng Mai Hà
  TS. NCVC. Trần Quang Vinh 
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC (gồm 17 thành viên)
Chủ tịch:
Phó Chủ tịch: GS.TS. Ngô Quốc Anh
Thư ký: PGS.TS. Thành Thị Thu Thủy
Ủy viên: 12 ủy viên
CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ
Chức năng: Nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực hóa học và các lĩnh vực khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ

  • Nghiên cứu những vấn đề cơ bản về hóa học làm cơ sở cho việc phát triển các hướng công nghệ mới;
  • Nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong các lĩnh vực hoá vô cơ, hoá hữu cơ, hoá phân tích, hoá lý, hoá cao phân tử, hoá sinh hữu cơ, hóa môi trường và những lĩnh vực khác có liên quan;
  • Nghiên cứu chuyển giao công nghệ, xét duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật và các công trình trong lĩnh vực hoá học và công nghệ hoá học;
  • Nghiên cứu phát hiện các chất có hoạt tính sinh học và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam;
  • Nghiên cứu các vật liệu tiên tiến ứng dụng trong các lĩnh vực xử lý môi trường, năng lượng, y sinh, nông nghiệp và các lĩnh vực khác có liên quan;
  • Dịch vụ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực hóa học và các lĩnh vực khác có liên quan;
  • Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực hóa học và các lĩnh vực khác có liên quan;
  • Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hóa học và các lĩnh vực khác có liên quan;
  • Quản lý về tổ chức, bộ máy; quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị theo quy định của Nhà nước và của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;
  • Quản lý về tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của Nhà nước;
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Viện giao.
CƠ CẤU TỔ CHỨC   LỰC LƯỢNG CÁN BỘ

Các phòng chuyên môn: Gồm 22 phòng nghiên cứu và 01 Trung tâm tương đương cấp phòng, cụ thể:

(1) Phòng Tổng hợp Hữu cơ
(2) Phòng Nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên
(3) Phòng Hoạt chất sinh học
(4) Phòng Công nghệ các chất có hoạt tính sinh học
(5) Phòng Sinh dược
(6) Phòng Hoá dược
(7) Phòng Hoá học xanh
(8) Phòng Hóa sinh ứng dụng
(9) Phòng Hóa sinh môi trường
(10) Phòng Vật liệu tiên tiến
(11) Phòng Nghiên cứu phát triển dược phẩm
(12) Phòng Hoá vô cơ
(13) Phòng Điện hoá ứng dụng
(14) Phòng Hóa học bề mặt
(15) Phòng Hoá Môi trường
(16) Phòng Ứng dụng tin học trong nghiên cứu hoá học
(17) Phòng Hoá phân tích
(18) Phòng Phân tích ứng dụng
(19) Phòng Polyme chức năng và vật liệu nanô
(20) Phòng Polyme thiên nhiên
(21) Phòng Vật liệu polyme
(22) Phòng Công nghệ vật liệu và môi trường
(23) Trung tâm Các phương pháp phổ ứng dụng

Đơn vị quản lý nghiệp vụ  
- Phòng Quản lý tổng hợp  
 
Tổng số CBVC: 167 cán bộ

- Số biên chế: 111
- Số hợp đồng: 56
- Giáo sư: 02
- Phó Giáo sư: 13
- Tiến sỹ: 68
- Thạc sỹ: 60
- Cử nhân: 36
- Khác: 03

CÁC HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN CỦA ĐƠN VỊ
  • Nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng triển khai, đào tạo sau đại học, hợp tác Quốc tế.

 
NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT TRONG 5 NĂM GẦN ĐÂY (2015 - 2020)

Thành tựu về nghiên cứu khoa học và ứng dụng triển khai:

a/Công tác nghiên cứu cơ bản:

Trong 5 năm gần đây, Viện Hóa học đã được giao thực hiện trên 500 đề tài, dự án nghiên cứu các cấp, công bố trên 250 công trình trên các tạp chí Quốc tế SCI và SCI-E,  trên 600 công trình trên các tạp chí Quốc gia, được cấp 2 bằng độc quyền sáng chế và 11 giải pháp hữu ích, xuất bản 4 giáo trình và sách tham khảo.
* Về các hướng nghiên cứu mũi nhọn của Viện Hóa học: Hiện nay Viện Hóa học đang triển khai 03 hướng nghiên cứu chính thuộc 7 hướng ưu tiên của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam và đã đạt được nhiều thành tích, cụ thể:
Hướng nghiên cứu về Hóa sinh Hữu cơ và Khoa học sự sống
- Điều tra, nghiên cứu nguồn tài nguyên sinh học trên mặt đất và dưới biển của Việt Nam. Phát hiện các chất có khả năng dùng làm thuốc chữa bệnh cho người, gia súc và cây trồng, các chất sử dụng trong ngành hương liệu, mỹ phẩm, nông nghiệp và đời sống.
- Nghiên cứu phương pháp tổng hợp các hợp chất có hoạt tính sinh học, nguyên liệu hóa dược. Hoàn thiện, nâng cấp các phương pháp tổng hợp từ qui mô nghiên cứu lên qui trình công nghệ như: metformin, glibenclamit, stavudin, celecoxib, taxol, taxotere, elotinil…
- Tổng hợp toàn phần, bán tổng hợp dẫn xuất mới của các hợp chất thiên nhiên nhóm triterpenoit, artemisinin, naphthoquinon, anthraquinon, isoquinolin, indenoisoquinolin, parthenin, ancaloit indol, hemiasterlin, diketopiperazin, combretastatin, diphenypyrazol, podophyllotoxin, benzothiazol,…
- Nghiên cứu chiết tách phân lập các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên. Hoàn thiện, nâng cấp các qui trình chiết tách, tinh chế từ qui mô nghiên cứu lên qui trình công nghệ: chiết xuất artemisinin, curcumin, rutin, isoflavonoit, thuốc điều hòa miễn dịch từ lá Chay, thuốc cai nghiện ma túy HEANTOS, thuốc phong tê thấp Bà Giằng, chất mầu chlorophyl, phytosterols.
- Nghiên cứu cấu trúc các hợp chất hữu cơ bằng các phương pháp phổ hiện đại: H-NMR, 13C-NMR, COSY, HSQC, HMBC, NOESY, HRMS, MS/MS, HPLC, UPLC, IR, UV, ChemSpider database.
- Nghiên cứu tương quan giữa cấu trúc và hoạt tính (QSAR) cũng như động học và cơ chế của các hệ hóa học và sinh học.
- Thử hoạt tính sinh học: gây độc tế bào, kháng vi sinh vật kiểm định, chống oxy hóa (DPPH), phép thử tiểu đường (ức chế α-glucoridase), hạ cholesteron máu (HMG – CoA reductase), chống Alzeheimer (ức chế Acetylcholinesterase), ức chế enzim protease của virut viêm gan C (HCV),…
- Nghiên cứu xác định các chất độc phát sinh trong quá trình chế biến thực phẩm truyền thống của Việt Nam
- Nghiên cứu phương pháp kiểm nghiệm một số phụ gia thực phẩm
- Phát triển phương pháp nhận dạng nhanh một số độc tố bằng phổ Raman trong nông sản xuất khẩu của Việt Nam
- Xây dựng quy trình đánh giá chất lượng, tính xác thực và nguồn gốc của các sản phẩm gạo Việt Nam
Hướng nghiên cứu về Vật liệu tiên tiến
- Nghiên cứu các vật liệu mới có tính năng đặc biệt ứng dụng trong y-dược, môi trường, nông nghiệp và các ngành kinh tế kỹ thuật.
- Nghiên cứu về hoá học, biến đổi hoá học các hợp chất cao phân tử, vật liệu nanocompozit, vật liệu mới có tính năng đặc biệt, các vật liệu tiên tiến trên cơ sở polyme, polyme thiên nhiên để sử dụng trong trong y-dược, môi trường, nông nghiệp, công nghiệp, quang điện tử,...
- Tổng hợp và nghiên cứu tính chất bề mặt, tính chất xúc tác – hấp phụ của các vật liệu alumilosilicat, aluminophosphat, vật liệu khung cơ kim, các hệ oxit có cấu trúc vô định hình, bán tinh thể, tinh thể chứa những hệ thống mao quản kích thước nanomet được sử dụng làm chất hấp phụ và xúc tác cho công nghiệp lọc hóa dầu và xử lý môi trường.
- Chế tạo vật liệu nano sắt từ sử dụng để xử lý asen trong nước sinh hoạt.
- Sử dụng các phương pháp phân tích hóa lý hiện đại và các phần mềm chuyên dụng để phân tích cấu trúc vật liệu; nghiên cứu tương quan giữa cấu trúc và tính năng cơ lý, độ bền vật liệu.
- Nghiên cứu và phát triển các hệ vật liệu tổ hợp tiên tiến phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ.
- Nghiên cứu vật liệu, công nghệ sản xuất bao bì polyme đa lớp kín khí ứng dụng trong bảo quản nông sản và dược liệu khô.
Hướng nghiên cứu về Phân Tích – Môi Trường – Năng lượng
- Nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề học thuật trong phân tích dạng một số nguyên tố kim loại trong các đối tượng mẫu sinh học, địa chất và môi trường.
- Nghiên cứu tổng hợp các vật liệu nano tiên tiến bằng các phương pháp điện hóa và hóa học ứng dụng trong lĩnh vực chế tạo sensor, xúc tác và chuyển hóa năng lượng.
- Ứng dụng của các phương pháp phân tích trong lĩnh vực y sinh học, thực phẩm, địa chất và môi trường.
- Nghiên cứu các chu trình sinh- địa- hoá, xây dựng mô hình sinh thái môi trường để đánh giá ảnh hưởng của các hiện tượng tự nhiên cũng như hoạt động của con người đến chất lượng môi trường.
- Nghiên cứu cải tiến và chế tạo các thiết bị phân tích phù hợp điều kiện Việt Nam.
- Tổng hợp và nghiên cứu tính chất hóa lý và điện hóa của các hệ vật liệu tích trữ và chuyển hóa năng lượng để sử dụng trong nguồn điện hóa học.
- Nghiên cứu chế tạo một số hệ xúc tác tiên tiến ứng dụng trong chế biến dầu mỏ.
- Nghiên cứu tổng hợp thế hệ vật liệu MOFs mới cấu trúc nano ứng dụng làm xúc tác hiệu quả cao để xử lý các chất hữu cơ độc hại trong môi trường nước.

b/ Công tác nghiên cứu ứng dụng triển khai và chuyển giao công nghệ

Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản thì nghiên cứu triển khai các công nghệ hữu ích trong Hóa học để đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội cũng được Viện xác định là một nhiệm vụ trọng tâm chiến lược. Với vai trò là một Viện nghiên cứu đa ngành trong lĩnh vực hóa học, Viện đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề thực tiễn và thu được nhiều kết quả nổi bật.
- Nghiên cứu thành công quy trình công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung từ bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây nguyên với quy mô công nghiệp trên 200 tấn bùn đỏ/mẻ, hiệu suất thu hồi sắt đạt 70%”. Sản phẩm thép thu được có thể chế tạo các loại thép cacbon hoặc thép hợp kim đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo vệ môi trường và phát triển ngành công nghiệp chế biến và khai thác bauxit tại Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững.
- Chế tạo thành công thiết bị phân tích hàm lượng siêu vết thủy ngân phục vụ quan trắc môi trường và giám sát an toàn thực phẩm, tổng hợp vật liệu xử lý nước nhiễm Asen và kim loại nặng.
-    Nghiên cứu tổng hợp thực phẩm chức năng chống loãng xương, thiếu máu (trên cơ sở nano canxi, magie và sắt).
- Nghiên cứu và thử nghiệm thành công phân Ure bọc Polyme: Đây là kết quả của dự án “Nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất phân ure bọc polymer” được tài trợ bởi Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí. Sản phẩm phân nhả chậm ure bọc polymer đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội lâm nghiệp – thực phẩm Mỹ (APPFCO), đặc biệt các mẫu phân ure bọc polymer có tỷ lệ bọc > 5% đều có kết quả nhả chậm sau 24h rất thấp (< 15%).
-  Nghiên cứu và thử nghiệm thành công chế phẩm Nano-bio bạc 400 SL, là chế phẩm phòng ngừa, phòng trừ các loại nấm bệnh, vi rút, vi khuẩn, vi nấm trên các loại cây trồng rất hữu hiệu, tăng khả năng miễn dịch, tăng kích kháng, phòng ngừa nấm bệnh, vi rút từ bộ rễ tới thân và tán lá cho cây trồng. Chế phẩm có công thức đặc biệt, tính sát khuẩn cao có tác dụng tiêu diệt các vi sinh vật gây hại. Với kích thước hạt nano bạc cực nhỏ chỉ từ 2-6 nm, chế phẩm dễ dàng thẩm thấu qua màng tế bào tiêu diệt các loại nấm bệnh, vi sinh vật mà không gây ngộ độc hữu cơ cho cây và đất.
- Nghiên cứu thành công nanocurmin cung cấp cho công ty Dược phẩm CVI.
- Đã hợp tác sản xuất thành công sản phẩm NACUMIN (Curcumin siêu hòa tan):  NACUMIN là sản phẩm của chương trình hợp tác nghiên cứu phát triển cây nghệ (Curcuma longa) tại Việt Nam giữa các nhà khoa học Vương quốc Anh và Việt Nam do Hội đồng Anh tài trợ. NACUMIN có chứa thành phần tinh chất nghệ Curcumin tự nhiên siêu hòa tan có kích thước nano được chiết suất từ củ nghệ vàng theo công nghệ hóa học xanh. Sản phẩm Nacumin được Bộ Y tế cấp giấy phép sản xuất lưu hành và được Hội Khoa học Lương thực và Thực phẩm Việt Nam trao tặng giải thưởng "Sản phẩm uy tín chất lượng, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng".
-    Hoàn thiện công nghệ chế tạo và ứng dụng vật liệu cao su nanocompozit  trong sản xuất gioăng đệm cho các công trình thủy lợi, thủy điện và băng tải chịu nhiệt, bền kiềm dùng trong sản xuất xi măng
-    Hoàn thiện quy trình công nghệ và xây dựng mô hình bảo quản vải thiều Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) phục vụ xuất khẩu
-    Hoàn thiện công nghệ chế tạo màng phủ bền thời tiết và xây dựng mô hình nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
-    Nghiên cứu ứng dụng một số vật liệu tiên tiến, thân thiện môi trường trong canh tác nông, lâm nghiệp vùng Tây Bắc.
-    Nghiên cứu chế tạo vật liệu chống kết khối, thân thiện môi trường, sử dụng cho phân bón NPK
Trong 5 năm qua, Viện cũng đã thực hiện hàng trăm hợp đồng dịch vụ khoa học với tổng kinh phí trên 85 tỷ đồng, nộp vào Ngân sách Nhà Nước 6,9 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng, 355 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và 1,5 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân. Các dịch vụ phân tích mẫu trên các thiết bị hiện đại là thế mạnh của Viện như đo mẫu cộng hưởng từ hạt nhân NMR, khổi phổ phân giải cao, hấp phụ nguyên tử,.....
Ngoài ra, Viện Hóa học đã có những đóng góp quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh như:
- Tham gia phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung từ sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của Công ty Formosa Hà Tĩnh.
- Tham gia nghiên cứu về sự cố cá chết Hồ Tây tại Hà Nội
 - Tham gia công tác giám định làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố ý khoa đặc biệt nghiêm trọng ngày 29/5/2017 tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
- Tham gia nghiên cứu về nguyên nhân ngộ độc kim loại nặng do thuốc cam tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi Trung ương.
- Tham gia nghiên cứu đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp khắc phục sau vụ cháy của Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Thành tựu về đào tạo sau đại học:

Viện Hóa học là một cơ sở đào tạo sau đại học có bề dày và uy tín, Viện đã góp phần đào tạo hàng nghìn nghiên cứu sinh, học viên cao học cho các trường đại học, các Viện nghiên cứu trên cả nước, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và giảng dạy chất lượng cao cho đất nước.
Trong 5 năm gần đây, Viện đã phối hợp với Học Viện Khoa học và Công nghệ đào tạo trên 100 nghiên cứu sinh và gần 50 học viên cao học thuộc các chuyên ngành Hóa học khác nhau, trong đó gần 60 nghiên cứu sinh và 30 học viên cao học đã bảo vệ và được cấp bằng.

Thành tựu về Hợp tác quốc tế:

Trong những năm qua, Viện đã thường xuyên xây dựng, duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều nước như: Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Canada, Tây Ban Nha, Hoa kỳ.., các tổ chức quốc tế: UNESCO, UNDP, UNOPS, WHO, NGOs, Hội đồng Anh và các công ty trên thế giới: Hãng TIBOTEC (Vương quốc Bỉ), hãng Bayer (CHLB Đức)… trong công tác nghiên cứu và đào tạo cũng như công bố quốc tế.
Trong 5 năm 2015-2019, Viện đã chủ trì thực hiện 01 dự án ODA viện trợ không hoàn lại với Đan Mạch, 06 dự án NGO với các nước Bỉ, Pháp, Đức, Nhật Bản, 07 nhiệm vụ Nghị định thư  với các nước LB Nga, Hàn Quốc, Italia, CHLB Đức, Pháp và 18 nhiệm vụ HTQT cấp Viện Hàn lâm KH&CNVN với các nước Nga, Nhật Bản, Belarus, Hungary với tổng kinh phí các Dự án nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn này là trên 30 tỷ đồng.

Thành tích thi đua khen thưởng trong 5 năm gần đây

Năm 2014: Là Tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tặng cờ thi đua.
Năm 2015: Là tập thể lao động xuất sắc, được tặng bằng khen: Tập thể điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015
Năm 2016: Là Tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tặng cờ thi đua.
Năm 2017: Là Tập thể lao động xuất sắc, được Bộ Công an tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ tổ quốc.
Năm 2018: Là Tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.