Xu hướng công nghệ và vật liệu tiên tiến ứng dụng xử lý môi trường và tiết kiệm năng lượng

25/11/2024
Ngày 18/11/2024, Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã phối hợp với Tập đoàn Novatech tổ chức Hội thảo “Công nghệ và vật liệu tiên tiến ứng dụng xử lý môi trường và tiết kiệm năng lượng”. Hội thảo đã quy tụ các nhà khoa học uy tín ở lĩnh vực vật lý, khoa học vật liệu, hóa học, năng lượng và môi trường, thảo luận về 06 chủ đề khoa học công nghệ rất mới.

GS.TS. Vũ Đình Lãm – Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo

06 chủ đề khoa học công nghệ mang tính liên ngành

Các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về 06 chủ đề khoa học công nghệ rất mới, gồm: Phát triển vật liệu nanocomposite chức năng: Công nghệ chế tạo quy mô pilot và ứng dụng thử nghiệm trong hệ thống thiết bị cảm biến thông minh và sản xuất công nghiệp; Mối nguy hại của vi nhựa và các giải pháp quản lý ô nhiễm vi nhựa; Vật liệu từ mềm và ứng dụng cảm biến; Nghiên cứu và ứng dụng nam châm đất hiếm tại Viện Khoa học vật liệu; Nguy cơ đe dọa an ninh mạng và thách thức đối với hệ thống Internet vạn vật; Ứng dụng robot vận chuyển hàng hóa trong kho logistic.

GS.TS. Lê Anh Tuấn – Trường Đại học Phenikaa trình bày báo cáo tại Hội thảo

Tại Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Tuấn - Trường Đại học Phennikaa chia sẻ: “Trong lĩnh vực vật liệu, chúng ta thường nghiên cứu chế tạo, khảo sát đặc tính và triển khai ứng dụng. Nhưng chúng tôi đã đặt tiếp cận ngược lại bằng câu hỏi: Thị trường vật liệu hiện nay đang phát triển như thế nào? Sử dụng báo cáo của một đơn vị đã khảo sát hơn 2500 công ty startup, thấy rõ, hiện nay với sự phát triển của ngành năng lượng, logistic, các ngành công nghiệp công nghệ cao, nhu cầu vật liệu rất lớn”.

Dung tích thị trường toàn cầu của lĩnh vực vật liệu nano khoảng 13 tỷ USD trong năm 2022, dự kiến tăng 14%, đạt khoảng 28 tỷ USD vào năm 2028. Theo phân tích từ báo cáo, có 10 xu hướng phát triển của ngành công nghiệp vật liệu và đổi mới sáng tạo, bao gồm các lĩnh vực khác nhau, trong đó nhóm vật liệu liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững chiếm khoảng 15%, công nghệ nano khoảng 12%, vật liệu siêu nhẹ chiếm khoảng 10%, vật liệu thông minh, vật liệu compozite, vật liệu graphene, 2D đều chiếm khoảng 10%, tin học vật liệu chiếm khoảng 10%, quản lý vật liệu chiếm khoảng 4%.

Nhóm nghiên cứu của GS. Lê Anh Tuấn đã tập trung nghiên cứu phát triển vật liệu nano composite, thiết bị cảm biến thông minh dựa trên vật liệu nano và vật liệu nanocomposite tiên tiến cho đá thạch anh nhân tạo ngoài trời.

Nghiên cứu của PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang - Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và các cộng sự về vật liệu từ mềm và ứng dụng cảm biến đo từ trường, đi từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng, hiện đã làm chủ công nghệ lõi của la bàn điện tử với độ chính xác cao; thiết bị đo lường không phá hủy để phát hiện các sai hỏng về sắt thép trong các công trình và phát triển các thiết bị cảm biến sinh học.

PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường trình bày báo cáo tại Hội thảo

Ở lĩnh vực công nghệ môi trường, PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh - Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường đã đưa ra những con số đáng quan tâm về rác thải nhựa trên thế giới. Tính đến nay, Trái đất đang phải hứng chịu 8.300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó 9% tái sử dụng, 12% đốt, 79% trong bãi rác và trôi nổi trong môi trường. Dự báo, đến năm 2050, có khoảng 12.000 triệu tấn rác nhựa sẽ được chôn lấp hoặc đưa vào môi trường tự nhiên.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), các quốc gia có rác thải nhựa không được xử lý, đổ ra môi trường nước lớn nhất, lần lượt là: Trung Quốc chiếm 8,8 triệu tấn/năm; Indonesia chiếm 3,2 triệu tấn/ năm; Philippines chiếm 1,9 triệu tấn/ năm… Có hơn 1,8 triệu tấn tác thải nhựa được thải ra, chỉ 27% trong số đó được tái chế, Việt Nam đứng thứ 4 trong thống kê của UNEP. Thực trạng này đang đặt ra cho các nhà khoa học những vấn đề nghiên cứu về công nghệ xử lý chất thải nhựa, cũng như những nghiên cứu cơ bản về vi nhựa.

Về hướng phát triển các loại vật liệu cho công nghệ tiết kiệm năng lượng, GS.TS. Nguyễn Huy Dân - Viện Khoa học vật liệu đã trình bày về phương pháp chế tạo vật liệu từ cứng, chứa đất hiếm có lực kháng từ cao, đáp ứng yêu cầu ứng dụng trong mô tơ và máy phát điện. Tiềm năng ứng dụng của loại vật liệu này rất lớn trong ngành điện gió.

Bên cạnh những báo cáo về các hướng nghiên cứu khoa học vật liệu, môi trường và năng lượng, các nhà khoa học còn đề cập đến vấn đề an ninh mạng và ứng dụng robot vận chuyển hàng hóa trong kho logistic.

Theo đánh giá của GS.TS. Lê Anh Tuấn, nhìn từ góc độ phân tích khảo sát thị trường, lĩnh vực vật liệu công nghệ cao, ứng dụng cho ngành công nghiệp công nghệ cao 4.0 đang được các công ty khởi nghiệp trên thế giới nghiên cứu, phát triển rất mạnh mẽ trong năm 2024. Việt Nam nên đi theo hướng này vì chúng ta có đội ngũ nhân lực có đủ năng lực để nghiên cứu, phát triển, tất nhiên cần có thêm sự hỗ trợ, kiến tạo của Nhà nước và sự đồng hành của doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Tăng cường hợp tác nghiên cứu

GS.TS. Nguyễn Đại Hưng - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Khoa học và Công nghệ đánh giá: Hội thảo đã đưa ra những vấn đề khoa học công nghệ hiện đại và có tính ứng dụng rất rõ ràng, đặc biệt là khi có nhiều Viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm đang tham gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong thực tế. Riêng về vật liệu tiên tiến, ứng dụng trong lĩnh vực môi trường và năng lượng, có thể khẳng định là một thế mạnh của Viện Hàn lâm. Thông qua Hội thảo, các nhà khoa học có dịp tăng cường quảng bá những kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực của mình, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa các nhà khoa học và các nhà công nghiệp. Các cơ sở đào tạo như Học viện Khoa học và Công nghệ đang và sẽ được sự hỗ trợ tích cực từ định hướng nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ.

Về tiềm năng hợp tác giữa các Viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm với các trường đại học, GS.TS. Lê Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi có nhiều hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo trình độ cao với Viện Hàn lâm, chia sẻ nguồn lực, con người và cơ sở vật chất để cùng nhau tạo ra các giá trị mới có tính ứng dụng cao. Chúng ta cần chia sẻ để có thêm thông tin về công tác nghiên cứu khoa học và phát triển ứng dụng công nghệ, từ đó mới kết nối và hợp tác được. Do đó, rất cần những hội thảo khoa học mang tính khởi tạo để các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ gặp gỡ và hợp tác hiệu quả thực chất".

PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang - Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày báo cáo tại Hội thảo

Là một nhà khoa học có nhiều hợp tác nghiên cứu với Viện Hàn lâm, PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang đánh giá cao ý  nghĩa và giá trị của Hội thảo. “Thông qua Hội thảo, các nhà khoa học và các chuyên gia đã chia sẻ thông tin, trao đổi tư vấn và thúc đẩy hợp tác để phát triển những sản phẩm nghiên cứu mang tính liên ngành. Viện Hàn lâm là nơi quy tụ các nhà khoa học đầu ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo nguồn lực để giải quyết các bài toán khó và triển khai các lĩnh vực cứu khác nhau. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi khi hợp tác với Viện hàn lâm nói chung và với nhóm nghiên cứu của GS.TS. Vũ Đình Lãm nói riêng, đã phát triển các nghiên cứu cả cơ bản lẫn ứng dụng, được tham gia, học hỏi và được khai thác hiệu quả các nguồn lực nghiên cứu”, PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang cho biết.

GS.TS. Vũ Đình Lãm nhấn mạnh, Hội thảo được chuẩn bị công phu về nội dung, có 06 báo cáo xuất sắc từ lĩnh vực vật lý, hóa học, công nghệ thông tin, cơ học, công nghệ môi trường được trình bày và thảo luận. Các báo cáo nghiên cứu cơ bản và có định hướng ứng dụng rất cao. Nhân dịp Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11), thay mặt Học viện Khoa học và Công nghệ, GS.TS. Vũ Đình Lãm đã chúc mừng các Giáo sư, Phó Giáo sư đã luôn dành rất nhiều trí tuệ và tâm huyết, sát cánh cùng sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Cung cấp tin: Kiều Anh - Trung tâm Thông tin – Tư liệu
Ảnh: Học viện Khoa học và Công nghệ
Xử lý tin: Thanh Hà



Tags:
Tin liên quan