Việt Nam quan tâm hợp tác phát triển vệ tinh quan sát Trái đất

25/04/2024
Chủ tịch VAST Châu Văn Minh đã chia sẻ với Thales Alenia Space Italy về thông tin về Dự án vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 và đề nghị hai bên cùng phối hợp nhằm đưa ra các cơ hội hợp tác tiềm năng trong việc xây dựng Dự án vệ tinh quan sát Trái đất mới tại Việt Nam.

Sáng ngày 23/04/2024, Đoàn đại biểu Thales Alenia Space Italy (thuộc Tập đoàn Thales) do ông Massino Comprinni – Tổng Giám đốc Điều hành Thales Alenia Space Italy làm trưởng đoàn đã có buổi đến thăm và làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST). Tiếp đoàn có GS.VS. Châu Văn Minh - Chủ tịch VAST, TS. Lê Quỳnh Liên – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, TS. Bùi Trọng Tuyên – Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ.  


GS.VS. Châu Văn Minh và ông Massino Comprinni

Tại buổi làm việc, GS.VS. Châu Văn Minh cho biết, hiện nay lĩnh vực KHCN vũ trụ là lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và được ưu tiên phát triển. Điều đó đã được cụ thể hóa bằng việc năm 2006 Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” và tiếp theo vào năm 2021 Chính phủ tiếp tục phê duyệt “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030”.  

GS.VS. Châu Văn Minh chia sẻ VAST đã thành công trong dự án vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1. Vệ tinh được phóng vào năm 2013 đến nay đã gần 11 năm hoạt động trên quỹ đạo (theo thiết kế ban đầu là có tuổi thọ 5 năm). Là đơn vị được giao phụ trách quản lý vận hành vệ tinh VNREDSat-1 từ năm 2013 đến nay, VAST đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu của vệ tinh VNREDSat-1, đóng góp hiệu quả vào các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN; góp phần phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an ninh quốc phòng đất nước.

Theo đó, Chủ tịch VAST đề nghị đề nghị hai bên cùng phối hợp đề xuất các cơ hội hợp tác tiềm năng trong việc xây dựng Dự án vệ tinh quan sát Trái đất mới tại Việt Nam để vừa đảm bảo tính liên tục của nguồn dữ liệu của hiện có, đồng thời kế thừa đội ngũ nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng của vệ tinh VNREDSat-1 trước đó.

Ông Massino Comprinni cũng giới thiệu với VAST về năng lực hiện có của Thales Alenia Space Italy và tiềm năng trong việc hỗ trợ Việt Nam cũng như VAST trong việc xây dựng và phát triển dự án vệ tinh trong tương lai.

Tổng Giám Đốc điều hành Thales Alenia Space Italy nhấn mạnh, Thales rất mong muốn được tìm hiểu cơ hội hợp tác với Chính phủ Việt Nam và VAST trong “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030”. Đặc biệt là tìm hiểu cơ hội hợp tác cho chương trình dự án Vệ tinh quan sát Trái đất tiếp theo của Việt Nam. Trong buổi làm việc này ông Massino Comprinni bày tỏ mong muốn được tìm hiểu về các yêu cầu của phía Việt Nam cho dự án vệ tinh quan sát Trái đất mới (cụ thể là VNREDSat-2) về vấn đề tài chính, giải pháp kĩ thuật… và đây cũng sẽ là cơ sở để Thales Alenia Space Italy thiết lập kế hoạch hợp tác phát triển vệ tinh cho hai bên.


Toàn cảnh buổi làm việc

Buổi làm việc gồm có ông Massimo Comparini Tổng Giám Đốc điều hành Thales Alenia Space Italy; ông Giampiero Di Paolo - Phó Chủ tịch - Quan sát và Dẫn dường Tập đoàn Thales; ông Nicolas Bouverot - Phó Chủ tịch - Tập đoàn Thales khu vực châu Á; ông Nicolas Bernardin -Giám đốc quốc gia - Thales Việt Nam, Thái Lan, Myanmar; ông Ronald Massard - Giám đốc bán hàng, Tập đoàn Thales khu vực châu Á; bà Phạm Thùy Linh - KAM  Quốc phòng, An ninh  và Không gian, Thales Việt Nam. Về phía VAST có: GS.VS. Châu Văn Minh - Chủ tịch VAST; TS. Lê Quỳnh Liên – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế; TS. Bùi Trọng Tuyên – Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ; ông Đinh Thành Trung – Ban Hợp tác quốc tế.

Thales là Tập đoàn quốc tế có mặt tại 68 quốc gia, phục vụ ba thị trường chính: Hàng không & Vũ trụ, Quốc phòng & An ninh, Nhận dạng & Bảo mật kỹ thuật số. Doanh thu năm 2023 của tập đoàn Thales là 18,4 tỉ Euro. Hàng năm tập đoàn đầu tư 1.1 tỉ Euro cho hoạt động Nghiên cứu & Phát triển. Thales có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, cung cấp các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực dân sự và quân sự. Trong lĩnh vực vệ tinh vũ trụ, Thales có hơn 40 năm kinh nghiệm là nhà sản xuất vệ tinh toàn cầu cung cấp các giải pháp công nghệ cao cho viễn thông, quan sát Trái đất và dẫn đường, quản lý môi trường, thăm dò, khoa học và cơ sở hạ tầng quỹ đạo.

Trong năm 2023, Thales Alenia Space Italy (thuộc Tập đoàn Thales) đã giành được 2 hợp đồng lớn ở Châu Âu và trong khu vực, cung cấp Chùm vệ tinh Quan sát Trái đất kết hợp vệ tinh quang học và radar độ phân giải cao và tần suất chụp ảnh cao cho Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Đây là chùm vệ tinh mới đầy sáng tạo, dựa trên các thiết bị và công nghệ cảm biến khác nhau, từ tạo ảnh radar vi sóng đến cảm biến quang học ở nhiều độ phân giải khác nhau và ở các dải tần số khác nhau, do đó trở thành một chương trình không gian tiên phong trong chương trình Quan sát Trái đất. Ngoài ra, Thales Alenia Space Italy cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm trong hoạt động chuyển giao công nghệ với các chương trình đã và đang tiếp tục triển khai rất thành công tại Hàn Quốc, Brazil và các quốc gia khác.

Minh Tâm



Tags:
Tin liên quan