Viện Toán học tổ chức buổi gặp mặt thân mật GS. Ngô Bảo Châu

02/09/2010
Sáng ngày 1/9/2010, tại Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã diễn ra buổi gặp mặt thân mật chúc mừng thành công của GS. Ngô Bảo Châu với sự tham dự của lãnh đạo Viện KHCNVN, tập thể cán bộ Viện Toán học, một số nhà Toán học của Việt Nam và đại diện các Viện “anh em” với Viện Toán là Viện Vật lý, Viện Cơ học, Viện Công nghệ Thông tin. Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí ấm áp, thân mật và có cả những giây phút rất lắng đọng và xúc động.

Giản dị mà chân thành, mở đầu buổi lễ, thay mặt cộng đồng Toán học Việt Nam, GS. Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán gửi lời chúc mừng GS. Ngô Bảo Châu với thành công mà anh đã đạt được. GS. Ngô Việt Trung trân trọng kính mời GS. Hoàng Tuỵ, cây đại thụ của nền Toán học Việt Nam lên phát biểu trong không khí thân mật của buổi gặp gỡ.

GS. Hoàng Tuỵ khẳng định việc GS. Ngô Bảo Châu giành giải thưởng Fields là một niềm vui lớn chưa từng có trong đời sống khoa học nước nhà từ trước đến nay. Niềm vui này làm GS. Tuỵ nhớ tới thời điểm năm ông 20 tuổi, khi ấy, Việt Nam lần đầu tiên có một Tiến sĩ toán học khi GS. Lê Văn Thiêm bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đức. Rất xúc động, GS. Tuỵ chia sẻ thành công hôm nay của GS. Châu làm GS. Tuỵ nghĩ tới những người đi trước. Khi hay tin GS. Châu được giải thưởng Fields, GS. Tuỵ đã tới thắp hương cho GS. Lê Văn Thiêm và GS. Tạ Quang Bửu. Không khí của buổi gặp mặt lắng đọng, xúc động với sự tri ân dành cho thế hệ đi trước, những người đã đặt nền móng cho ngành Toán học và ngành Khoa học Việt Nam.


GS. Hoàng Tuỵ phát biểu tại buổi Gặp gỡ thân mật với GS. Ngô Bảo Châu do Viện Toán học tổ chức

Đối với thành công của GS. Ngô Bảo Châu, GS. Hoàng Tuỵ coi đó như một “Điện Biên Phủ trên mặt trận trí tuệ”, khoc học Việt Nam, trí tuệ Việt Nam được ghi danh trên bản đồ trí tuệ nhân loại như chiến công Điện Biên Phủ vang dội năm nào. Nhưng sau niềm vui mừng chiến thắng là những trăn trở. GS. Tuỵ nhắc tới sự kiện GS. Salam đạt giải Nobel Vật lý năm 1979 đã tạo nên một hiệu ứng rộng lớn trong dư luận Pakistan lúc bấy giờ, tạo nên một niềm phấn khích, hào hứng, kỳ vọng rất nhiều vào sự phát triển của nền Vật lý Pakistan, tạo nên động lực phát triển đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ thời điểm đó trở đi nền Vật lý Pakistan vẫn dậm chân tại chỗ và Pakistan vẫn là một nước nghèo, kém phát triển. Vậy làm sao để sau sự kiện Ngô Bảo Châu, Việt Nam không đi vào sai lầm của Pakistan những năm 80 của thế kỷ trước. Để có được điều đó, chúng ta đặt niềm tin vào các nhà khoa học đã, đang và sẽ miệt mài nghiên cứu để tiếp tục đưa nền khoa học Việt Nam “mở mày mở mặt” với thế giới.

Sau GS. Hoàng Tuỵ, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam cũng là nhà Vật lý nổi tiếng của Việt Nam cũng có đôi lời chia sẻ trong buổi gặp gỡ thân mật với GS. Ngô Bảo Châu. GS. Hiệu khẳng định việc GS. Ngô Bảo Châu giành giải thưởng Fields đã đem lại vinh quang cho dân tộc Việt Nam, cho thế giới biết rằng người Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực vươn lên đỉnh cao nhất của khoa học. Nhưng sau niềm vui lớn ấy là những điều cần phải suy nghĩ với các nhà khoa học Việt Nam với sứ mệnh đưa con thuyền khoa học Việt Nam đi ra biển lớn. GS. Hiệu cũng bày tỏ hy vọng GS. Châu sẽ đóng góp cho sự phát triển của Viện Toán cấp cao trong tương lai.


GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, GS. Ngô Bảo Châu bày tỏ lòng cảm ơn đối với tình cảm và lời chúc mừng của các bậc tiền bối đi trước, anh em bạn bè đồng nghiệp trong cộng đồng Toán học Việt Nam và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.


GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu chúc mừng GS. Ngô Bảo Châu


GS. Lê Tuấn Hoa thay mặt Hội Toán học Việt Nam chúc mừng GS. Ngô Bảo Châu


GS. Ngô Bảo Châu trao đổi với đồng nghiệp TS. Ngô Đắc Tuấn, cũng là một tài năng của nền Toán học Việt Nam


GS. Ngô Bảo Châu chụp ảnh lưu niệm với các nhà khoa học Viện Toán học và Viện KHCNVN

Tin và ảnh: Quỳnh Trang



Tags:
Tin liên quan