Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật kỷ niệm 25 năm ngày thành lập
Lễ kỷ niệm là dịp để các thế hệ cán bộ, viên chức Viện ST&TNSV cùng nhìn lại những mốc lịch sử quan trọng trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Viện. Mở đầu buổi Lễ kỷ niệm, PGS.TS. Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện ST&TNSV, đã trình bày báo cáo tóm tắt 25 năm xây dựng và phát triển Viện ST&TNSV.
PGS.TS.Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện ST&TNSV, trình bày báo cáo tổng kết 25 năm xây dựng và phát triển Viện
Trong 25 năm qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, Viện KHCNVN… cùng với sự hợp tác, giúp đỡ của các đơn vị trực thuộc Viện KHCNVN, các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước, toàn thể cán bộ, viên chức Viện ST&TNSV đã nỗ lực cố gắng phấn đấu học tập, công tác, nghiên cứu, xây dựng Viện ST&TNSV thành một Viện nghiên cứu về lĩnh vực sinh thái và tài nguyên sinh vật hàng đầu của cả nước với nhiều thành tích nổi bật trên mọi mặt công tác, cụ thể:
Đối với việc thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản, các dự án cấp Nhà nước
Viện ST&TNSV đã thực hiện được một số lượng lớn các đề tài, đề án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Viện đã chủ trì và hoàn thành 250 đề tài các cấp trong các lĩnh vực nghiên cứu như hệ động vật và thực vật Việt Nam, đa dạng sinh học và bảo tồn, sinh thái học cá thể, quần thể và hệ sinh thái, tài nguyên động – thực vật, môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường. Đến nay, Viện đã xuất bản được 36 tập Động vật chí và Thực vật chí, trong đó có 25 tập Động vật chí (gồm 8426 trang), 11 tập Thực vật chí (gồm 4037 trang). Viện sẽ hoàn thành 20 tập tiếp theo trong năm 2010.
Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện đã chủ trì việc soạn thảo Sách Đỏ Việt Nam và đã được xuất bản, trong đó phần động vật là 365 loài (1992) và phần thực vật là 356 loài (1996). Từ 2002, Viện tiếp tục soạn thảo có tu chỉnh Sách Đỏ Việt Nam theo tiêu chuẩn mới của IUCN, tới năm 2007 Viện đã xuất bản hai tập Sách Đỏ Việt Nam, trong đó phần động vật có 407 loài, thực vật 448 loài và một tập Danh lục Đỏ Việt Nam gồm 880 loài động thực vật. Bên cạnh đó, Viện đã biên soạn nhiều sách chuyên khảo, tham khảo, giáo trình; đã công bố hàng nghìn công trình khoa học trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài nước.
Các kết quả khoa học ứng dụng vào thực tiễn phục vụ cuộc sống
Trong lĩnh vực y tế: một trong những đóng góp có ý nghĩa thực tiễn nhất của Viện ST&TNSV là việc điều tra phát hiện cây Thanh hao hoa vàng (Artemenia annua), nghiên cứu khả năng gây trồng và phát triển chúng, tạo nguồn dược liệu cho việc tách chiết artermisinin để điều trị bệnh sốt rét ở Việt Nam. Với thành tích trên, Viện đã vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2003.
Ngoài ra, Viện cũng đạt được nhiều thành tích trong việc nghiên cứu phòng chống côn trùng và ký sinh trùng đặc biệt là sán lá phổi ở Việt Nam; nghiên cứu sự phân bố, đặc điểm sinh học tập đoàn các loài Bình vôi (Stephania L.) tạo nguồn dược liệu quan trọng cho việc tách chiết Rotudin, một dược phẩm chữa bệnh về thần kinh thay thế Seduxen; nghiên cứu sự phân bố của cây hồi và khả năng cung cấp lượng Shichimic một hợp chất để điều chế thuốc Taminflu để góp phần vào công cuộc phòng và chống đại dịch cúm gia cầm….
Trong lĩnh vực nông nghiệp: Viện đã nghiên cứu thành công một số sản phẩm sinh học như tuyến trùng EPN, ong ký sinh, thuốc thảo mộc…; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xuất các chế phẩm EPN (dùng để phòng trừ hàng chục loại sâu hại) cho một số địa phương và đã sản xuất được 6 loại chế phẩm sinh học EPN đặt tên là BIOSTAR.
Về lĩnh vực quốc phòng: Viện đã được tặng giải thưởng Nhà nước (2006) nhờ vào những thành tích nổi bật trong việc thực hiện đề tài TS.03 giai đoạn 1993 – 1997, trong việc điều tra đánh giá những vấn đề môi sinh ở quần đảo Trường Sa với đề tài “Đánh giá một số điều kiện tự nhiên, thử nghiệm một số biện pháp trồng cây xanh, rau xanh, rong biển, diệt chuột, diệt gián và giải quyết chất thải”.
Trong lĩnh vực môi trường: Viện đã thực hiện nhiều công trình trọng điểm cấp Nhà nước về nghiên cứu quy trình cải tạo, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái… nhằm bảo vệ môi trường và góp phần phát triển kinh tế xã hội ở nhiều địa phương.
Công tác bảo tồn và bảo tàng cũng rất được chú trọng, Viện đã tham gia nghiên cứu và xây dựng luận chứng cho việc thành lập khoảng 60 Vườn Quốc gia và khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam. Trong một thời gian dài, Viện đã xây dựng, bổ sung, bảo quản 2 bộ tiêu bản động vật với trên 100.000 mẫu, thực vật với khoảng 1 triệu tiêu bản.
Toàn cảnh buổi lễ
Đối với Công tác đào tạo, công tác đoàn thể và quan hệ hợp tác quốc tế
Bên cạnh những thành tựu về nghiên cứu, ứng dụng triển khai, Viện ST&TNSV đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực đào tạo. Viện chính là nơi đào tạo các TS, ThS chuyên ngành sinh học hàng đầu của cả nước. Cho đến nay, Viện ST&TNSV kết hợp với Viện Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên đã đào tạo được 370 thạc sỹ, và hiện có 75 học viên đang theo học. Các cán bộ của Viện đã tham gia việc đào tạo 63 tiến sĩ và hiện đang có 28 NCS đang làm luận án.
Ngoài các hoạt động chuyên môn, Viện ST&TNSV luôn chú trọng tới các hoạt động đoàn thể. Với thành tích đạt được Đảng bộ Viện luôn được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; Công đoàn của Viện nhiều năm là công đoàn xuất sắc của Viện KHCNVN và luôn nhận được bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trong hợp tác quốc tế, Viện đã tham gia và hoàn thành nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu với các Viện, trường Đại học và Bảo tàng của nhiều nước trên thế giới như Viện Động học, Viện thực vật học Komarov (Nga), Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hungary, Vườn Thực vật Misouri (Hoa Kỳ), Bảo tàng Hoàng gia Ontario (Canada)…; Viện là đầu mối liên kết về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh vật của Việt Nam với ASEAN, thành viên ban điều hành ASEANET và Hội đồng Chuyên gia ARCBC của Đông Nam Á; Viện cũng phối hợp chặt chẽ với chương trình Tài nguyên thực vật Đông Nam Á (Prosea) và một số tổ chức quốc tế như IUCN, WWF, FWC, FFI….
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Viện ST&TNSV luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đạt được, Viện ST&TNSV đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì (1995) và Huân chương lao động hạng nhất (2005); Cờ thi đua của Trung tâm KHTN&CNQG (2002); Giải thưởng Hồ Chí Minh (2003); Giải thưởng Nhà nước (2006).
GS.TS. Châu Văn Minh phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại buổi Lễ, GS. Châu Văn Minh đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà Viện ST&TNSV đã đạt được trong suốt 25 năm qua. Giáo sư thay mặt cho Ban lãnh đạo Viện KHCNVN chúc mừng Viện ST&TNSV. GS tin tưởng rằng cán bộ, viên chức Viện ST&TNSV sẽ tiếp tục phát huy được truyền thống tốt đẹp của mình và đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trên mọi lĩnh vực, góp phần xây dựng Viện ST&TNSV nói riêng và Viện KHCNVN nói chung ngày càng vững mạnh.
Kết thúc Lễ kỷ niệm PGS.TS. Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện ST&TNSV thay mặt toàn thể cán bộ, viên chức của Viện xin hứa quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của Viện trong giai đoạn tiếp theo.
Các học viên tốt nghiệp cao học khoá K11 lên nhận bằng
Cũng trong dịp kỷ niệm này, Viện ST&TNSV đã tổ chức Hội thảo Đào tạo sau đại học, trong đó có phát bằng cho các học viên tốt nghiệp cao học khoá K11 chuyên ngành Sinh học.
Tin & Ảnh: Minh Tâm