Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân, Dubna – Đối tác truyền thống của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam

04/10/2013
Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân, Dubna (Viện Dubna- JINR) được thành lập theo Công ước do 11 nước sáng lập ký ngày 26/3/1956, là một tổ chức nghiên cứu khoa học liên Chính phủ, nhằm thống nhất tiềm năng vật chất và khoa học của các nước thành viên để nghiên cứu các tính chất cơ bản của vật chất. Là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới, Viện có hàng loạt các thiết bị thí nghiệm vật lý đặc chủng, đặc biệt máy gia tốc siêu dẫn hạt nhân và ion nặng – nuclotron – máy gia tốc duy nhất ở Châu Á và Châu Âu, các máy gia tốc ion nặng U-400, U-400M, lò phát xung neutron IBR-2M... Viện có cơ sở tính toán hiệu năng cao rất mạnh được liên kết với mạng tính toán lưới của Mát-xcơ-va và toàn cầu. Hiện nay Viện đang phát triển hệ máy va chạm siêu dẫn mới NICA, tổ hợp ion nặng DRIBs-II hướng tới các nghiên cứu mới trong vật lý hạt nhân, vật lý neutron và vật lý chất rắn, đồng thời tích hợp với những nghiên cứu được hợp tác tiến hành với CERN.

Việt Nam là nước thành viên thứ 12 ký Công ước sáng lập Viện Dubna vào năm 1956. Năm 1982, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã được Chính phủ (khi đó là Hội đồng Bộ trưởng) giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối để điều phối các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học với Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna tại Liên Xô cũ (nay thuộc Liên Bang Nga) và cử GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu làm đại diện toàn quyền tại JINR từ năm 1981.

dubna1dubna2
GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu, Đại diện toàn quyền Việt Nam tại Viện Dubna từ năm 1981 đến 3/2013Viện sĩ N.N. Bogoliubov, GS. Nguyễn Văn Hiệu và GS. A.N. Tavkhelidze tại JINR

Kết quả lớn nhất của việc hợp tác với Viện Dubna là công tác đào tạo cán bộ. Sau gần 60 năm tham gia JINR, Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực vật lý. Nhiều nhà vật lý có tên tuổi của Việt Nam đã được đào tạo tại Viện Dubna như GS. Nguyễn Đình Tứ, GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu, GS. Phạm Duy Hiển, GS. Đào Vọng Đức, GS. Cao Chi, GS. Đoàn Nhượng, GS. Chu Hảo, GS. Nguyễn Văn Trọng, GS. Võ Hồng Anh, GS. Nguyễn Thị Hồng, và sau này là thế hệ các nhà khoa học trẻ như TS. Nguyễn Đình Đăng, TS. Trần Quang, TS. Phạm Lê Kiên… Phần lớn các cán bộ được đào tạo và làm việc tại Viện Dubna sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về Việt Nam đã tiếp tục công việc nghiên cứu và đạt được nhiều kết quả cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực về vật lý lý thuyết và vật lý hạt nhân. Một số trở thành các cán bộ chủ chốt về chuyên môn, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo các ngành khoa học của đất nước. Cho đến năm 1991 đã có tổng số 292 cán bộ khoa học Việt Nam được đào tạo dài hạn và ngắn hạn, trong đó có 6 cán bộ đã bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học và nhiều cán bộ đã bảo vệ luận án phó tiến sĩ tại Viện Dubna. Viện Dubna không chỉ giúp đào tạo nhân lực trình độ cao cho Việt Nam mà còn giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực vật lý hạt nhân. Viện Dubna đã trang bị cho Viện Vật lý máy phát nơtron 14 MeV NA-3C vào năm 1974; trang bị Viện Khoa học Việt Nam máy gia tốc Microtron MT-17 vào năm 1982. Đây là những máy gia tốc đầu tiên ở Đông Nam Á, đã góp phần thúc đẩy việc phát triển nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý hạt nhân ở Viện Khoa học Việt Nam trước đây nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngoài ra, những hệ máy được trang bị đã đóng góp rất nhiều cho ngành địa chất trong việc phân tích các mẫu khoáng sản, phục vụ cho công nghiệp khai khoáng của Việt Nam.

Để ghi nhận những thành tích đóng góp cho sự nghiệp khoa học, đào tạo và mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhiều nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga đã được nhận giải thưởng cao quý như: GS. Nguyễn Đình Tứ được tặng Huân chương Hữu nghị năm 1980 vì đã cùng các đồng nghiệp tại Viện Dubna phát hiện ra hạt Antisigma-minus hyperon vào năm 1960 và công trình được đăng ký phát minh Nhà nước Liên Xô năm 1968. GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu cùng các đồng nghiệp tại Viện Dubna được tặng giải thưởng Lê Nin vào năm 1986 về công trình “Định luật bất biến kích thước của quá trình sinh hạt”. Năm 1986, GS. Nguyễn Văn Hiệu được Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Hữu nghị. Năm 2006, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị của Chính phủ Việt Nam cho Viện Dubna. Năm 2006, TS. Nguyễn Mạnh Sắt, cộng tác viên khoa học cao cấp tại Viện Dubna, đã được Nhà nước Liên Bang Nga trao tặng Huân chương Hữu nghị,...

Giai đoạn 1991-1995 là thời kỳ gặp nhiều khó khăn, quan hệ hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Dubna gần như bị gián đoạn, nhưng hai bên vẫn cố gắng khắc phục để duy trì quan hệ hợp tác truyền thống. Từ 2006 - 2007, VAST và Viện Dubna đã trao đổi được 4 đoàn cán bộ sang hợp tác nghiên cứu. Hiện tại, 3 cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang làm công tác viên khoa học dài hạn trong các lĩnh vực vật lý lý thuyết và vật lý hạt nhân. Năm 2008, có 2 cán bộ của Bộ Quốc phòng, 3 cán bộ của Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia được cử đi làm cộng tác viên dài hạn.

dubna3dubna4
GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu cùng đoàn Viện HLKHCNVN thăm và làm việc với Viện Dubna, 2010GS. Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST dẫn đầu đoàn đại biểu Viện HLKHCNVN sang thăm và làm việc với Viện Dubna, 2012

Để bồi dưỡng thế hệ trẻ tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác với Viện Dubna, ngày 26/2/2013, GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu đã giới thiệu PGS. TS. Lê Hồng Khiêm, Giám đốc Trung tâm Vật lý Hạt nhân, Phó Viện trưởng Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thay GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu làm đại diện toàn quyền Việt Nam tại Viện Dubna (Lý lịch khoa học PGS. TS. Lê Hồng Khiêm trong file đính kèm download tại đây). Sau chuyến thăm và làm việc đầu tiên tại Dubna trên cương vị Đại diện toàn quyền Việt Nam tại Viện Dubna, PGS. TS. Lê Hồng Khiêm đề nghị Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục triển khai các hướng hợp tác với Viện Dubna như hai bên đã thực hiện, mặt khác đề xuất những ý tưởng mới nhằm tăng cường hơn nữa hơp tác với Viện Dubna như: thành lập Phòng Thí nghiệm Việt Nam tại Viện Dubna để khai thác tiềm năng của Viện Dubna cả về vật chất lẫn chất xám, đồng thời tận dụng được số kinh phí niên liễm hàng năm Việt Nam đóng góp cho Viện Dubna. Phòng thí nghiệm này cũng sẽ là cầu nối để các nhà khoa học Việt Nam tiếp thu, học hỏi công nghệ từ phía Liên bang Nga; tăng cường hợp tác với Viện Dubna về vật lý, vật liệu, toán học, khoa học máy tính, hóa học, sinh học, môi trường và một số ngành công nghệ cao như: tự động hóa, gia tốc, chân không; xây dựng các dự án hợp tác nghiên cứu chung theo các hướng mà Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Nam quan tâm để tận sử dụng thiết bị của Viện Dubna.

Viện Dubna là một trong những viện nghiên cứu khoa học hàng đầu không chỉ của Liên bang Nga mà còn là một trong những viện nghiên cứu có uy tín khoa học cao của thế giới. Viện nghiên cứu các lĩnh vực vật lý, toán học, sinh học, khoa học máy tính và nhiều ngành công nghệ. Viện Dubna mong muốn cùng Việt Nam tăng cường hợp tác hai bên về đào tạo cán bộ trẻ theo hình thức đồng hướng dẫn và bảo vệ tại Việt Nam, cũng như hợp tác nghiên cứu chung, đặc biệt là các lĩnh vực hợp tác có tiềm năng trong nghiên cứu cơ bản như: vật lý lý thuyết (vật lý hạt cơ bản, lý thuyết chất rắn); vật lý hạt nhân (đặc biệt là vật lý Nơtrino, phân tích cấu trúc, tìm kiếm các nguyên tố mới và các phương pháp mới hóa phóng xạ, điện tử hạt nhân, kỹ thuật gia tốc trong khoa học và ứng dụng trong y tế); và công nghệ thông tin (tính toán lưới, mô hình hóa các bài toán vật lý và thí nghiệm vật lý. Hợp tác trong lĩnh vực triển khai ứng dụng với Trung tâm công nghệ cao của Dubna về chế tạo ống nano các-bon, các loại sơn nano, keo dán siêu bền chịu đựng mọi thời tiết, các vật liệu nano khác, chế tạo các thiết bị phát hiện chất nổ, chất ma túy,... cũng được Viện Dubna khuyến khích.

Tin: Đinh Thành Trung – Ban Hợp tác quốc tế



Tags:
Tin liên quan