Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Chương trình Tây Nguyên

04/10/2010
Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với Tây Nguyên là: “Xây dựng Tây Nguyên thành một địa bàn vững chắc về an ninh - quốc phòng và vùng trọng điểm kinh tế của cả nước”, chú trọng tăng cường đưa khoa học và công nghệ phục vụ phát triển Tây Nguyên. Điều này đã được thể hiện qua các chương trình nghiên cứu về Tây Nguyên từ năm 1976 đến nay. Tiếp theo Chương trình Tây Nguyên I và II, Chương trình Tây Nguyên III sẽ tiếp tục được thực hiện từ năm 2011 đến năm 2015, nhằm phục vụ các mục tiêu này.

Hơn 35 năm kể từ khi đất nước thống nhất và 20 năm kể từ khi thực hiện chủ trương đổi mới, chiến lược phát triển chung và nhất quán của Nhà nước ta đối với Tây Nguyên là “Xây dựng Tây Nguyên thành một địa bàn vững chắc về an ninh, quốc phòng và vùng trọng điểm kinh tế của cả nước”. Để có cơ sở hoạch định các chương trình phát triển KT - XH và chiến lược phát triển vùng đối với Tây Nguyên, Nhà nước đã chỉ đạo tiến hành một số chương trình nghiên cứu về Tây Nguyên, trong đó quan trọng nhất phải kế đến chương trình “Điều tra tổng hợp Tây Nguyên” trong những năm 1976-1980 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên I) và chương trình “Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển KT - XH Tây Nguyên” những năm 1984-1988 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên II).

Chương trình Tây Nguyên I do Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện KH&CN Việt Nam) chủ trì, cố GS - Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Chiển làm chủ nhiệm) được tiến hành với mục tiêu điều tra cơ bản về tài nguyên và các điều kiện tự nhiên của Tây Nguyên, nhằm xác định các lợi thế về tài nguyên, định hướng quy hoạch và khai thác tiềm năng phục vụ phát triển. Đó là những luận cứ khoa học quan trọng giúp cho công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển KT - XH Tây Nguyên sau chiến tranh. Chương trình Tây Nguyên I là 1 trong 4 chương trình khoa học trọng điểm trong kế hoạch 5 năm 1976-1980, tập hợp được đông đảo cán bộ trong và ngoài Viện Khoa học Việt Nam. Chương trình gồm 15 đề tài khoa học khác nhau, do nhiều cơ quan cùng tiến hành với sự phối hợp giúp đỡ của Đảng và chính quyền địa phương Tây Nguyên. Chương trình đã được các đồng chí lãnh đạo của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ KH&CN) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các kết quả điều tra khảo sát điều kiện tự nhiên được thể hiện trên các bản đồ tỷ lệ 1/500.000 và các báo cáo khoa học, ấn phẩm xuất bản về Tây Nguyên; các nhận định và đề xuất của Chương trình Tây Nguyên I đã được ghi nhận và đồng chí Võ Văn Kiệt đánh giá cao.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình Tây Nguyên, tháng 3.1984, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã phê duyệt chương trình trọng điểm cấp nhà nước: “Xây dựng cơ sở khoa học của quy hoạch phát triển KT - XH vùng Tây Nguyên” giai đoạn 1984-1988 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên II), tiếp tục do Viện Khoa học Việt Nam chủ trì, với sự phối hợp của Ủy ban KHXH Việt Nam (nay là Viện KHXH Việt Nam) trong việc chỉ đạo các đề tài nghiên cứu về KT - XH. Chương trình do cố GS Lê Duy Thước làm chủ nhiệm và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Viện sĩ  Nguyễn Văn Hiệu (Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam). Chương trình gồm 3 mục tiêu: Một là, nghiên cứu một số vấn đề cấp bách về khoa học kỹ thuật và KT - XH (các điều kiện tự nhiên, điều kiện KT - XH) làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm 1986 - 1990 và xây dựng quy hoạch dài hạn phát triển KT - XH vùng Tây Nguyên đến năm 2000. Hai là, đáp ứng một số yêu cầu cấp thiết của công cuộc phát triển KT - XH các tỉnh Tây Nguyên. Ba là, xây dựng tiềm lực KH&KT của các ngành và các tỉnh trên lãnh thổ Tây Nguyên. Với 13 vấn đề nghiên cứu, Chương trình có 53 đề tài nghiên cứu trong giai đoạn 1984-1986 và 19 đề tài nghiên cứu trong giai đoạn 1987-1988. Trong 5 năm thực hiện, Chương trình đã tập hợp được sự tham gia của hàng trăm cán bộ khoa học thuộc nhiều viện, trung tâm nghiên cứu khoa học và trường đại học ở trung ương và địa phương. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được đưa vào các Nghị quyết của Đảng, áp dụng kịp thời trong thực tế sản xuất của Tây Nguyên.

Bên cạnh các Chương trình Tây Nguyên I, Tây Nguyên II, trong những năm gần đây cũng có một số đề tài nghiên cứu về Tây Nguyên mang tính chuyên sâu. Đồng thời, bên cạnh những chính sách chung về phát triển KT - XH của đất nước, Đảng và Nhà nước ta cũng đã ban hành một số chủ chương, chính sách phát triển KT - XH mang tính đặc thù của Tây Nguyên tương ứng với từng thời kỳ

Sau hơn 20 năm kết thúc Chương trình Tây Nguyên II, Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư hỗ trợ phát triển KT - XH Tây Nguyên, do vậy vùng đất này đã đạt được những thành tựu quan trọng như: Tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Song, Tây Nguyên cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tốc độ suy thoái tài nguyên môi trường diễn ra nhanh và gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội; tăng trưởng không bền vững... Bên cạnh đó, Tây Nguyên đã và đang xuất hiện nhiều thiên tai mới như lũ lụt, nứt đất và bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến hạn hán, sa mạc hóa. Vấn đề cấp thiết là cơ sở dữ liệu tài nguyên thiên nhiên và xã hội Tây Nguyên đã có nhiều biến động, thay đổi, cần phải cập nhật, tổng hợp, phân tích, đánh giá khoa học phục vụ lập kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 2010-2020 và những năm tiếp theo. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch KH&CN 5 năm 2011-2015, gắn với Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2020, Viện KH&CN Việt Nam đã phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam xây dựng dự thảo đề cương chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên môi trường và KT - XH nhằm đề xuất chiến lược KH&CN phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2030” (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên III). Đây là một chương trình hết sức cần thiết và cấp bách phục vụ xây dựng cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch phát triển KT - XH Tây Nguyên trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tháng 9.2009, Viện KH&CN Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Chương trình nghiên cứu Tây Nguyên”, với  sự tham dự của nhiều cán bộ khoa học đã từng nghiên cứu về Tây Nguyên. Kết luận của cuộc tọa đàm cho thấy tính cấp thiết trong việc xây dựng Chương trình Tây Nguyên III hiện nay, đồng thời đề nghị Viện KH&CN Việt Nam chủ trì soạn thảo đề cương Chương trình Tây Nguyên III. Tháng 10.2009, Viện KH&CN Việt Nam đã thành lập Tổ công tác xây dựng Chương trình khoa học Tây Nguyên III do Chủ tịch Viện trực tiếp chỉ đạo, gồm có đại diện của 11 viện chuyên ngành đã từng nghiên cứu Tây Nguyên, Viện KHXH Việt Nam và Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam. Trên cơ sở kế thừa cơ sở dữ liệu của 2 Chương trình Tây Nguyên trước đây và các công trình nghiên cứu về Tây Nguyên trong hơn 20 năm sau Tây Nguyên II, cũng như sự góp ý của các chuyên gia, dự thảo đề cương Chương trình Tây Nguyên III đã đưa ra 4 mục tiêu và 9 nội dung cơ bản.

Các mục tiêu:

  • Đánh giá thực trạng tài nguyên môi trường tự nhiên và kinh tế, văn hóa, xã hội của Tây Nguyên sau hơn 20 năm khai thác (kể từ sau Chương trình Tây Nguyên II, năm 1988) nhằm đề xuất và xây dựng luận cứ KH&CN phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030.
  • Cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch phát triển KT-XH Tây Nguyên và các địa phương.
  • Nghiên cứu đề xuất chuyển giao công nghệ tạo ra các sản phẩm hàng hóa và công nghệ xử lý môi trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. Phát triển tiềm lực KH&CN Tây Nguyên.
  • Nghiên cứu cảnh báo thiên tai nguy hiểm thường xảy ra trên Tây Nguyên, đồng thời xây dựng các giải pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại do các dạng thiên tai này gây ra.

Các nội dung cơ bản:

  • Nghiên cứu đánh giá tổng hợp thực trạng phát triển KT - XH Tây Nguyên giai đoạn 1988 - 2015 và đề xuất mô hình phát triển bền vững Tây Nguyên trong thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập của đất nước.
  • Nghiên cứu các vấn đề văn hoá, xã hội, dân tộc và tôn giáo Tây Nguyên trong bối cảnh mới và đề xuất các luận cứ để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá Tây Nguyên; Các vấn đề liên quan đến an ninh và bảo vệ chủ quyền đất nước vùng Tây Nguyên.
  • Nghiên cứu vấn đề di dân tái định cư và đề xuất mô hình bền vững nông nghiệp - nông dân - nông thôn cho vùng Tây Nguyên.
  • Xây dựng luận cứ khoa học cho vịệc quản lý tổng hợp, quy hoạch, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quan trọng: Sinh vật - đất - nước- khoáng sản - khí hậu... Xây dựng các mô hình khai thác, quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường ở các vùng sinh thái đặc thù và các lưu vực sông quan trọng trên Tây Nguyên.
  • Nghiên cứu hiện trạng các hệ sinh thái cơ bản trên Tây Nguyên; tính đa dạng, độc đáo của các hệ sinh thái điển hình trên Tây Nguyên; các giải pháp, khai thác bền vững và giải pháp phục hồi các hệ sinh thái bị thoái hóa.
  • Nghiên cứu hiên trạng, nguyên nhân và cảnh báo một số dạng thiên tai như: Nứt đất, trượt lở đất, lũ quét, lũ lụt, lốc bão, sấm sét, hoang mạc hóa, thoái hóa đất, hạn hán…, đề xuất các giải pháp giảm thiểu và phòng tránh.
  • Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chế biến, bảo quản nông lâm sản, mô hình kinh tế - sinh thái, các sản phẩm sinh học (thực phẩm, dược phẩm, chế phẩm chức năng, hóa hợp chất tự nhiên…), năng lượng, phân bón, chế phẩm cải tạo môi trường, xử lý ô nhiễm… Các công nghệ thích hợp khai thác sử dụng hợp lý có hiệu quả tài nguyên phục vụ phát triển bền vững KT - XH.
  • Đào tạo nhân lực khoa học, ứng dụng công nghệ vũ trụ, viễn thám, GIS và các mô hình giám sát, quản lý điều kiện tự nhiên, tài nguyên môi trường và thiên tai trên Tây Nguyên.
  • Xây dựng và chuyển giao cơ sở dữ liệu tài nguyên thiên nhiên môi trường, KT - XH cho toàn Tây Nguyên và mỗi tỉnh, sử dụng các phần mềm tiên tiến, dễ truy cập để quản lý. Đồng thời xây dựng các bộ Atlas điện tử phục vụ công tác quản lý điều hành của lãnh đạo các cấp. Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, đào tạo nguồn nhân lực quản lý khoa học và cơ chế cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý lãnh thổ.

Theo đề nghị của Viện KH&CN Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức hội thảo lấy ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên góp ý cho Ban dự thảo đề cương (công văn số 707-CV/BCĐTN ngày 19.4.2010). Ngày 27.4.2010 Hội thảo đã được tiến hành tại trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nguyên số 54 – Nguyễn Tất Thành, thành phố Buôn Ma Thuột do Ông Mai Văn Năm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng,  Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, GS. Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Lạng - Thứ trưởng Bộ KHCN đồng chủ trì. Hội thảo đã tham gia nhiều ý kiến xác đáng với tính thống nhất cao về mục tiêu phát triển bền vững Tây Nguyên và sự cần thiết phải xây dựng, triển khai chương trình Tây Nguyên III tạo luận cứ khoa học xây dựng chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên bền vững về KT-XH, an ninh, quốc phòng.


Hình ảnh buổi Hội thảo lấy ý kiến về đề cương nghiên cứu chương trình Tây Nguyên III

Ngày 20.5.2010, Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam và Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước Tây Nguyên III (2011 - 2015) tại tờ trình số 663/TTr-KH&CNVN-KHXHVN-LHHKHKTVN. Đồng thời, ngày 22.5.2010, Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam đã báo cáo Bộ trưởng Bộ KH&CN về nội dung cơ bản của Chương trình này. Bản đề cương Chương trình Tây Nguyên III cũng được trình bày trước Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 17.6.2010. Ngày 29.6.2010, tại công văn số 4469/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến đồng ý về việc xây dựng và thực hiện Chương trình Tây Nguyên III do Viện KH&CN Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam đề xuất. Như vậy, Chương trình Tây Nguyên III đã chính thức được khởi động, đáp ứng mong mỏi của nhiều nhà khoa học và quản lý trên cả nước.

Với thời gian thực hiện 5 năm (2011-2015), các sản phẩm KH&CN chính của Chương trình sẽ bao gồm:

  • Những cơ sở, luận cứ KH&CN phục vụ xây dựng phát triển bền vững Tây Nguyên trong mối liên kết tổng thể với các tiểu vùng KT - XH lân cận ; các giải pháp quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên - môi trường.
  • Các mô hình trình diễn, mô hình tính toán, mô hình quản lý, phần mềm ứng dụng, quy trình công nghệ và sản phẩm.
  • Cơ sở dữ liệu tài nguyên - môi trường, Atlas toàn Tây Nguyên và mỗi tỉnh.
  • Kết quả đào tạo nâng cao năng lực ứng dựng KH&CN.
  • Các báo cáo (tổng kết, chuyên đề), sách chuyên khảo, tài liệu tập huấn.

Hiện nay, Viện KH&CN Việt Nam đang xúc tiến tổ chức các hội thảo chuyên đề về Tây Nguyên để hoàn chỉnh nội dung chi tiết của đề cương theo chỉ đạo của Bộ KH&CN. Cuối tháng 8.2010, Viện KH&CN Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học với chủ đề: KH&CN phục vụ phát triển KT - XH Tây Nguyên tại Thành phố Đà Lạt. Có thể tin tưởng rằng, với quan điểm tiếp cận mới và phương pháp luận khoa học phát triển bền vững, cộng với kinh nghiệm tổ chức từ Chương trình Tây Nguyên I và Tây Nguyên II của Viện KH&CN Việt Nam, Chương trình Tây Nguyên III sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

TS. Nguyễn Đình Kỳ
Viện trưởng Viện Địa lý
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam



Tags:
Tin liên quan