Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Tiên phong triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
HỘI TỤ NGUỒN LỰC CỦA 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1975 – 2025)
Trong 50 năm qua, Viện Hàn lâm đã chủ động, tích cực, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Viện đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ vào sự phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển rất nhanh, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống, Viện Hàn lâm đã chủ động bám sát xu thế phát triển khoa học, công nghệ của thế giới, xác định rõ các định hướng và trọng tâm nghiên cứu, các lĩnh vực có tính đột phá phù hợp với nhu cầu phát triển và điều kiện đặc thù của Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể.
Viện Hàn lâm luôn xác định nghiên cứu cơ bản là nền tảng cốt lõi để vươn tới những đột phá trong khoa học, công nghệ. Viện là nơi quy tụ đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản như: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học Trái Đất, Khoa học biển… Đây là những trụ cột để duy trì và nâng cao năng lực nghiên cứu quốc gia, đồng thời đào tạo thế hệ nhà khoa học trẻ kế cận. Hai Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý do UNESCO bảo trợ, hiện đang hoạt động hiệu quả, tạo môi trường trao đổi học thuật quốc tế, góp phần đưa khoa học Việt Nam ra thế giới và đưa khoa học thế giới đến với Việt Nam.
Trong những năm qua, Viện Hàn lâm luôn là đơn vị dẫn đầu về nghiên cứu cơ bản, tỷ lệ công trình công bố quốc tế là tương đương 2 bài quốc tế/01 tiến sĩ, tiệm cận trình độ của các Viện nghiên cứu có trình độ quốc tế.
Viện Hàn lâm cũng được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu khoa học lớn, tiêu biểu như: Chương trình Tây Nguyên (Giai đoạn I, II và III), Atlas Quốc gia Việt Nam, Danh lục đỏ và Bộ Sách đỏ Việt Nam, Hồ sơ dữ liệu về Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam, Chương trình Điều tra tổng hợp biển và thềm lục địa Việt Nam…
Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm còn tham vấn cho Đảng và Nhà nước cơ sở khoa học để giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết như: Sự cố môi trường do Formosa gây ra tại vùng biển Hà Tĩnh, sự cố cháy Nhà máy Rạng Đông hoặc các vấn đề liên quan thềm lục địa Việt Nam, động đất khu vực Thủy điện Sông Tranh 2,… Viện Hàn lâm đã chủ động báo cáo tư vấn Thủ tướng Chính phủ về xu hướng vận động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đề xuất các giải pháp tận dụng cơ hội công nghệ số.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Viện Hàn lâm đặc biệt coi trọng hoạt động hợp tác quốc tế với các Viện Hàn lâm, các tổ chức nghiên cứu cấp quốc gia và đại học hàng đầu thế giới của: Nga, Pháp, Belarus, Nhật Bản, Hàn Quốc…Những hoạt động hợp tác toàn diện từ trao đổi đoàn chuyên gia, phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, khảo sát biển bằng các tàu nghiên cứu hiện đại đến xây dựng phòng thí nghiệm hỗn hợp. Nhờ các hoạt động này, Viện Hàn lâm hình thành nhiều hướng nghiên cứu tiên tiến, tiếp cận được công nghệ mới.
Hiện nay, Viện Hàn lâm có gần 3.500 cán bộ nghiên cứu, trong đó có khoảng 305 giáo sư và gần 1.000 tiến sĩ. Trong 5 năm gần đây, Viện công bố hơn 11.360 công trình khoa học, với hơn 72% là công bố quốc tế. Đặc biệt, năm 2023, Viện công bố 2.211 bài báo khoa học, trong đó có hơn 1.700 bài công bố quốc tế.
Trong 5 năm qua, Viện Hàn lâm được cấp gần 300 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, có 6/12 tạp chí vào danh mục quốc tế và xuất bản khoảng 300 đầu sách chuyên khảo. Trong hai năm liên tiếp, Viện Hàn lâm được Tổ chức Clarivate vinh danh “Dẫn đầu về đổi mới sáng tạo” tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á, cho thấy nội lực khoa học đang tăng trưởng thực chất nhờ tư duy đổi mới toàn diện.
Với 3 cơ sở đào tạo (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Toán học), Viện Hàn lâm đã phát huy thế mạnh của một Viện nghiên cứu đa ngành, nhằm tập trung đào tạo các cán bộ khoa học có trình độ cao, có tư duy hội nhập.
Về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, Viện Hàn lâm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, coi đây là cơ hội sàng lọc, sắp xếp lại một cách hợp lý, hiệu quả đội ngũ cán bộ theo yêu cầu của thực tiễn, lựa chọn được những nhà khoa học, trưởng nhóm nghiên cứu xuất sắc để định hướng, dẫn dắt các nhiệm vụ khoa học, công nghệ quan trọng, có giá trị thời đại, phù hợp với xu thế phát triển khoa học, công nghệ của khu vực và thế giới. Viện Hàn lâm đã sớm hoàn thành việc sắp xếp từ 38 đầu mối xuống còn 24 đầu mối, giảm 35,6%. Các đơn vị sau sắp xếp đã hoạt động ổn định và hiệu quả.
TIÊN PHONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 57-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành trung tâm khoa học hàng đầu khu vực, với một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến châu Á và quốc tế, đồng thời gắn với thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Viện Hàn lâm xác định phát triển các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn như: Công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn; công nghệ chuỗi khối; điện toán đám mây; công nghệ an ninh mạng thông minh… Viện Hàn lâm tập trung phát triển mạnh trí tuệ nhân tạo và học máy ứng dụng trong các ngành công nghiệp, công nghệ blockchain và ứng dụng trong quản lý dữ liệu và bảo mật, mạng 5G và internet vạn vật (loT) trong thành phố thông minh, robot tự động. Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm thực hiện chuyển đổi số toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và nghiên cứu khoa học, công nghệ, góp phần xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Một số lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn về công nghệ sinh học, y sinh, hóa học cũng sẽ được tiếp tục đi sâu nghiên cứu những công nghệ mới để tăng khả năng xác định chính xác ADN trong việc định danh hài cốt liệt sĩ; sản xuất thành công vắc-xin cúm A/H5N1 cho gia cầm do biến chủng mới gây ra; phát triển nghiên cứu tế bào gốc, tế bào miễn dịch để chữa các bệnh hiểm nghèo…
Nguồn nhân lực khoa học trình độ cao là yếu tố then chốt quyết định thành công trong việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW. Viện Hàn lâm cũng đẩy mạnh hoạt động đào tạo và thu hút các nhà khoa học trẻ, nhân lực có trình độ cao, để xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, đặc biệt là các hướng nghiên cứu trọng tâm, mũi nhọn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Đồng thời, Viện Hàn lâm sẽ tiếp tục đề xuất, xây dựng các chính sách linh hoạt, phù hợp, tạo môi trường làm việc tốt nhằm thu hút, giữ chân các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà khoa học là người Việt đang làm việc ở nước ngoài để tạo đòn bẩy cho hoạt động nghiên cứu; lưu ý thu hút, kết nối với các nhà khoa học thuộc Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, sử dụng hiệu quả "chất xám" của các chuyên gia, nhà khoa học người Việt vào công cuộc phát triển đất nước.
Về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, Viện Hàn lâm sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, thương mại hóa các sản phẩm khoa học, công nghệ; phát triển các khu thử nghiệm công nghệ và kết nối có hiệu quả với các trung tâm chuyển giao công nghệ trên cả nước; đặt các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, phấn đấu có ít nhất 10 sản phẩm từ nghiên cứu ra được thị trường mỗi năm trong vòng 5 năm tới.
Về hợp tác quốc tế, Viện Hàn lâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường đại học, cơ sở nghiên cứu lớn trên thế giới; tranh thủ tối đa các nguồn lực, tri thức, công nghệ tiên tiến từ các đối tác quốc tế.
Bài: Vân Nga – Kiều Anh; Ảnh: Vân Nga (Trung tâm Dữ liệu và Thông tin khoa học, VAST)
Xử lý tin: Thanh Hà