Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia Triển lãm quốc tế Ngành Vi mạch bán dẫn Việt Nam 2024 (SEMICON 2024)
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia phối hợp đồng hành và tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện nêu trên, hỗ trợ Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia triển lãm để kết nối, giao thương, tham quan thực tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, hợp tác chuyển giao công nghệ, đầu tư, áp dụng các giải pháp tiên tiến điển hình trong các hoạt động quản lý, đào tạo… ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
TS. Nguyễn Trần Điện - Phó Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (thứ hai, ngoài cùng bên phải) cùng Lãnh đạo Sở Công Thương và các Doanh nghiệp cùng làm lễ khai mạc Triển lãm
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Công Thương bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, Triển lãm quốc tế ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam năm 2024 được tổ chức nhằm mục tiêu kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn nói riêng, ngành công nghệ cao nói chung trên địa bàn Thành phố và các tỉnh thành lân cận thiết lập hệ sinh thái công nghệ cao. Trong đó, bao gồm các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo, khu công nghệ cao, hệ thống logistic như kho bãi, nhà xưởng, tài chính, ngành công nghiệp hỗ trợ, các startup công nghệ…
TS. Đỗ Hoàng Tùng - Phó Viện trưởng Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu về công nghệ plasma trong công nghiệp bán dẫn
Để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, hợp tác trong và ngoài nước, thúc đẩy ngành công nghệ cao và mở rộng cơ hội xúc tiến thương mại, Sở Công Thương phối hợp tổ chức Triển lãm Quốc tế Quang điện tử, Laser và Công nghệ Hiển thị, Cảm ứng Việt Nam 2024 song hành với Triển lãm Vi mạch Bán dẫn Việt Nam 2024. Triển lãm giới thiệu các sản phẩm và công nghệ quang học – lĩnh vực then chốt trong sản xuất vi mạch, như quang khắc, kiểm thử, đo lường và truyền tín hiệu. Hội Xúc tiến Hợp tác Đổi mới Sáng tạo Thâm Quyến – Quảng Đông cũng mời các doanh nghiệp công nghệ cao như Huawei, Tencent, Oppo... sang tham quan và khảo sát thị trường.
Triển lãm còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp quốc tế
Ngoài các gian hàng trưng bày, triển lãm còn có các hội thảo chuyên đề, hội nghị kết nối doanh nghiệp, và các hoạt động giao thương, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Diễn đàn “Xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư ngành vi mạch bán dẫn TP. Hồ Chí Minh” do Sở Công Thương chủ trì sẽ diễn ra trong khuôn khổ triển lãm, quy tụ các chuyên gia và lãnh đạo từ các tổ chức uy tín như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các đơn vị đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Tại Hội thảo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có Tham luận về “Ứng dụng công nghệ plasma trong công nghiệp bán dẫn” - Viện Vật lý và “Công nghệ chuyển dời băng cho vật liệu lớp hai chiều và sản xuất thiết bị bán dẫn siêu sạch” - Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng.
Diễn đàn sẽ tập trung vào các chiến lược phát triển vi mạch bán dẫn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050, và vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tham luận về nghiên cứu, đào tạo, và công nghệ quang điện tử cũng sẽ được trình bày bởi các chuyên gia đầu ngành, tạo cơ hội giao lưu và trao đổi kiến thức cho các doanh nghiệp tham gia.
Cung cấp tin: Phạm Phượng, Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ
Xử lý tin: Thanh Hà