Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia cùng Bộ Quốc phòng xử lý sinh học thành công hơn 7000 m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay A So, xã Đông sơn, Huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế
Nhiệm vụ của Dự án xử lý dioxin tại sân bay A So, xã Đông sơn, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế là xử lý chôn lấp cô lập 05 hố và hố thứ 6 xử lý triệt để dioxin bằng công nghệ phân hủy sinh học do Viện Công nghệ sinh học - VAST chuyển giao cho Viện Hóa học môi trường quân sự, thuộc Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng. Viện Công nghệ sinh học đã chuyển giao miễn phí công nghệ xử lý làm sạch môi trường ô nhiễm dioxin đặc thù theo Bằng độc quyền sáng chế số 10246 “Quy trình xử lý đất nhiễm dioxin bằng phương pháp phân huỷ sinh học” - Quyết định số 20399/QĐ-SHTT ngày 25/4/2012, tác giả Đặng Thị Cẩm Hà và Nguyễn Bá Hữu. Chuyên gia chuyển giao công nghệ chính là TS. Đào Thị Ngọc Ánh, Viện Công nghệ sinh học.
Sau khi ký Biên bản hợp tác chuyển giao công nghệ, hai bên đã nhanh chóng triển khai công việc và vượt qua rất nhiều khó khăn như thời gian thực hiện ngắn, khối lượng công việc nhiều với nhiều yếu tố phát sinh. Viện Công nghệ sinh học đã hướng dẫn và trực tiếp tạo sản phẩm cho quy trình công nghệ, thực hiện ngay sau khi chuyển giao công nghệ trong tháng 6/2023. Dựa trên kết quả khảo sát cấu trúc tập đoàn vi sinh vật bản địa có mặt trong loại đất rất nghèo dinh dưỡng và phát hiện thêm vị trí đất có độ độc cao ở tầng sâu, Viện Công nghệ sinh học - VAST đã thay đổi, sáng tạo nhằm tạo ra được các chế phẩm mới phù hợp với đặc thù ô nhiễm tại A So. Sau khi hoàn thành các sản phẩm cho quy trình xử lý và có đủ nguyên liệu đầu vào, hai bên đã cùng nhau thực hiện việc phối trộn theo công thức xử lý do Viện Công nghệ sinh học chuyển giao.
Chế phẩm được tạo ra cùng các kỹ thuật bổ sung để kết hợp với các yếu tố môi trường giúp tối ưu hóa tốc độ sinh trưởng cho vi sinh vật có mặt trong đất, tạo điều kiện cho quá trình khoáng hóa đất ô nhiễm sẽ cao và nhanh nhất, qua quan sát theo dõi cho thấy đất tơi, xốp, có độ mùn tăng dần. Sự thay đổi sinh trưởng của quần xã vi sinh vật được đánh giá định kỳ thông qua rất nhiều kỹ thuật chuyên sâu, mới và hiện đại.
Công nghệ xử lý bằng công nghệ phân hủy sinh học đối với chất diệt cỏ chứa hỗn hợp dioxin và các chất trao đổi chất khác là công nghệ phụ thuộc vào đặc điểm hệ vi sinh vật và các đặc tính thổ nhưỡng, lý hóa đặc thù từng khu vực ô nhiễm, đã được Viện Công nghệ sinh học - VAST ứng dụng thành công trên quy mô lớn tại sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và nay là sân bay A So, Thừa Thiên Huế.
Từ năm 1999 đến nay, VAST đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong nghiên cứu và thực hiện xử lý khử độc chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam. Đã có 6 đề tài dự án hợp tác thực hiện thành công, đào tạo 2 tiến sỹ và 1 thạc sỹ thuộc Bộ Quốc phòng với chuyên môn liên quan đến chất độc hóa học chứa dioxin. Nhiều công trình nghiên cứu và Bằng giải pháp hữu ích có liên quan đã được cùng nhau công bố trong và ngoài nước.
Hợp tác nổi bật có thể kể đến như dự án xử lý chất độc hóa học thực hiện tại khu Z1, sân bay Biên Hòa (2009 - Bộ Quốc phòng là chủ đầu tư). Nội dung xử lý tẩy độc bằng công nghệ phân hủy sinh học (do Viện Công nghệ sinh học - VAST thực hiện) đã thành công trong xử lý 3.384m3 đất nhiễm ban đầu có tổng độ độc trung bình là 10.000ngTEQ/kg đất khô. Sau 40 tháng, độ độc giảm còn 14,12 ngTEQ/kg đất khô, độ độc đạt dưới ngưỡng tiêu chuẩn của Việt Nam đối với đất sản xuất nông nghiệp thường xuyên (40ngTEQ/kg đất khô). Kết quả được Hội đồng quốc gia đánh giá độc lập vào năm 2014 đã nghiệm thu tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó, dự án do Ford Foundation cấp kinh phí đã được thực hiện tại sân bay Đà Nẵng năm 2009 với tổng độ độc ban đầu là 43.000ngTEQ/kg đất khô. Dự án được thực hiện cùng EPA Hoa Kỳ với 11 công thức xử lý khác nhau. Sau 6 tháng xử lý, 30% độ độc đã được loại bỏ, hiệu suất phân hủy tính theo ngày lên tới hơn 100 ng/TEQ/kg đất khô/ngày.
Sự thành công của công nghệ phân hủy sinh học áp dụng cho đất ô nhiễm tại sân bay A So đã mở ra triển vọng mới về khả năng áp dụng cho các khu vực ô nhiễm hợp chất halogen khác ở các điều kiện thổ nhưỡng và các chu trình vật chất khác nhau. Đối với vùng bị ảnh hưởng của chất độc hóa học thời gian dài như xã Đông Sơn, A Lưới, sự thành công này cho thấy đất dù ô nhiễm cao và phức tạp, đất thiếu độ dinh dưỡng cơ bản nhưng sau khi áp dụng công nghệ với các yếu tố mới, sáng tạo của Viện Công nghệ sinh học - VAST, đất sẽ được sử dụng để canh tác là một thành công không chỉ về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa xã hội quan trọng cho vùng đất của huyện A Lưới.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN Trần Tuấn Anh và Phó Chủ tịch UBND Thừa thiên Huế Phan Quý Phương trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay A So |
Các nhà khoa học của VAST chuyển giao công nghệ và cùng thực hiện xử lý đất ô nhiễm dioxin tại hiện trường
Nguồn: Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ
Tin: Thanh Hà