Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Mở đầu hội nghị, ông Bùi Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm KHCNVN, đã trình bày Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo báo cáo, tính đến sáng ngày 12/3/2013, Viện đã nhận được 50 báo cáo góp ý của 50 đơn vị (50/53 đơn vị), chủ yếu là góp ý của tập thể bằng hình thức báo cáo. Về tổng thể và cơ bản, việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Viện Hàn lâm KHCNVN được triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, bám sát các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 11 chương, 124 điều, qua tổng hợp báo cáo góp ý đa số các ý kiến nhất trí cao với những nội dung cơ bản của Dự thảo. Bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi hiện nay ngắn gọn và khoa học hơn, thể hiện được sự cần thiết và mục đích, yêu cầu sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị
Tại hội nghị, nhiều đại biểu tiếp tục góp ý cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về các nội dung cần làm rõ như: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi và các quy định của Hiến pháp; và cấu trúc nội dung của Hiến pháp;... Bên cạnh đó, hội nghị tập trung thảo luận và góp ý vào những nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, các chính sách của Đảng, Nhà nước điều chỉnh về khoa học và công nghệ.
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ một số đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 65: “Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, tạo điều kiện phát triển và sử dụng nhân tài là quốc sách hàng đầu”; Tại Điều 67 cần bổ sung thêm khoản 1: "Dựa trên nền tảng trí tuệ người Việt Nam, kết hợp với các tiến bộ khoa học, công nghệ của nhân loại, Nhà nước tập trung phát triển nền khoa học mang đặc trưng của Việt Nam và là nền khoa học tiên tiến"; Khoản 2, nên bổ sung thêm nội dung: “Nhà nước thúc đẩy phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ, xây dựng chiến lược phát triển trọng tâm theo yêu cầu thực tế từng giai đoạn, khuyến khích và hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ; bảo đảm quyền tự do nghiên cứu và sáng tạo khoa học, công nghệ”; Bổ sung khoản 4: "Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ và tập trung đầu tư kinh phí, xây dựng cơ chế chính sách và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ; ưu tiên các ngành khoa học công nghệ cao và tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ”; Tại khoản 2, khoản 3, cụm từ “khoa học và công nghệ” và “khoa học - công nghệ” cần được sử dụng thống nhất và nên dùng cụm từ “khoa học và công nghệ”. Đó là hai nội dung lớn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Chủ trì tại hội nghị, GS. Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc đóng góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, góp phần hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung bản Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Viện Hàn lâm KHCNVN, đồng thời khuyến khích các đơn vị tiếp tục có những kiến nghị, đóng góp sâu sắc khác và gửi bằng văn bản về cho Ban thư ký Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Ban Thư ký sẽ tổng hợp và chuyển đến các cơ quan liên quan, cũng như báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tin và Ảnh: Minh Tâm