Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm việc với Tổng Giám đốc IIASA: Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu đa phương
Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, thay mặt VAST, GS.TS. Chu Hoàng Hà đã chào mừng ông John Schellnhuber lần đầu tiên tới Việt Nam và làm việc với Viện Hàn lâm; đồng thời cảm ơn IIASA và cá nhân TGĐ đã ủng hộ Việt Nam nói chung và VAST nói riêng trong những ngày đầu ra nhập IIASA như tài trợ cho một số nhà khoa học trẻ và cán bộ Việt Nam tham gia chương trình hè, chương trình sau Tiến sỹ; phối hợp với VAST triển khai dự án áp dụng mô hình GAINS trong đánh giá ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội và các vùng lân cận. Nghiên cứu này được đánh giá cao về sự hợp tác của hai bên, góp phần trong việc đánh giá và quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội cũng như Việt Nam – một đất nước đang phát triển năng động không tránh khỏi nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa.
GS. Schellnhuber đã giới thiệu ngắn gọn về IIASA – một tổ chức quốc tế được thành lập từ năm 1972 tại Áo, chuyên nghiên cứu các vấn đề toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu, năng lượng, tài nguyên và phát triển bền vững và nhấn mạnh vai trò của IIASA trong việc kết nối các nhà khoa học từ nhiều quốc gia nhằm giải quyết các thách thức phức tạp đòi hỏi cách tiếp cận liên ngành. Bên cạnh đó, TGĐ IIASA đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam – một quốc gia năng động trong khu vực Đông Nam Á. Từ khi trở thành thành viên chính thức vào năm 2013, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào các chương trình nghiên cứu của IIASA, đặc biệt là trong lĩnh vực ứng dụng mô hình khoa học để phân tích ô nhiễm không khí, quản lý tài nguyên nước, và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu. Với vai trò là đại diện Cộng hòa Áo, nơi đặt trụ sở IIASA, ông Philipp Agathonos, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Áo tại Việt Nam đã khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đồng thời với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại châu Á, Đại sứ Agathonos cam kết hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh vai trò tại IIASA và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa VAST và các tổ chức khoa học tại Áo. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối các nhà khoa học Việt Nam với các đối tác quốc tế để giải quyết các vấn đề cấp bách trong khu vực.
Buổi làm việc tập trung thảo luận các chương trình hợp tác trọng điểm như việc tiếp tục dự án ứng dụng mô hình GAINS để phân tích ô nhiễm không khí tại Việt Nam; hợp tác trong lĩnh vực đa dạng sinh học và đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với môi trường, kinh tế và xã hội; xây dựng mô hình dự báo tai biến môi trường,… sử dụng mô hình, công cụ tính toán được các nhà khoa học IIASA phát triển.
Sau buổi làm việc, các đơn vị chuyên môn VAST sẽ tiếp tục trao đổi với các nhóm nghiên cứu của IIASA nhằm thúc đẩy sâu hơn hoạt động Việt Nam tại đây; đồng thời hai bên thống nhất tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các cán bộ Việt Nam và VAST trong các chương trình, hoạt động của các nhà nghiên cứu trẻ tại IIASA, kết nối với các quốc gia thành viên, góp phần tăng cường vai trò và hiện diện của Việt Nam tại IIASA.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
GS.TS. Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch VAST và GS.TS. Hans Joachim Schellnhuber- Tổng Giám đốc IIASA trao đổi tại buổi làm việc
TS. Lê Quỳnh Liên - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, VAST và ông ông Philipp Agathonos, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Áo tại Việt Nam
Đại diện các bên báo cáo, thảo luận tại buổi làm việc
Trao quà và chụp hình lưu niệm
Giới thiệu IIASA International Institute for Applied Systems Analysis (IIASA) là một tổ nghiên cứu khoa học liên chính phủ được thành lập năm 1972 với trụ sở tại thành phố Laxenburg, Cộng hòa Áo. Định hướng của IIASA là thúc đẩy nghiên cứu đa ngành để giải quyết những thách thức phức tạp mang tính toàn cầu và khu vực, như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, quản lý tài nguyên nước, và môi trường bền vững. IIASA đóng vai trò như cầu nối giữa khoa học và chính sách, hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và chính phủ trên toàn cầu. Các lĩnh vực nghiên cứu chính tại IIASA bao gồm: Biến đổi khí hậu và môi trường; Năng lượng và tài nguyên; Kinh tế và phát triển bền vững; Dân số và sức khỏe. Tính đến nay, IIASA có 24 quốc gia thành viên, bao gồm các quốc gia ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ, và một tổ chức khu vực châu Phi. Tháng 11 năm 2013, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 21 của IIASA, trong đó VAST được Thủ tướng Chính phủ giao làm đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại IIASA. VAST đã xây dựng mạng lưới IIASA tại Việt Nam gồm 07 đầu mối từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. |
Cung cấp tin: TS. Lê Quỳnh Liên - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế
Ảnh và xử lý tin: Mai Lan