Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ký kết hợp tác về đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024 - 2030 với Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre

22/08/2024
Ngày 16/8/2024, tại Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre đã chủ trì phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học ngành Dừa với chủ đề “Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới net zero”. Cũng trong sự kiện này, UBND tỉnh Bến Tre và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã ký kết hợp tác về đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024 - 2030.

Tham dự sự kiện, về phía lãnh đạo tỉnh Bến Tre có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh; Về phía Viện Hàn lâm có GS.TS Chu Hoàng Hà - Phó chủ tịch Viện Hàn Lâm, TS. Nguyễn Trần Điện - Phó trưởng Ban ứng dụng và Triển khai công nghệ, PGS.TS. Hoàng Thị Kim Dung - Viện trưởng Viện Công nghệ Hóa học, PGS.TS. Trần Ngọc Quyển - Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, TS. Lâm Đạo Nguyên - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; Cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, trường Đại học và các tổ chức quốc tế và các chuyên gia nước ngoài tham dự.

Tính đến tháng 6/2024, diện tích dừa của Bến Tre hơn 79.000 ha, lớn nhất cả nước. Bến Tre được mệnh danh là "Xứ sở dừa Việt Nam” giúp địa phương thu về hơn 500 triệu USD mỗi năm. Trong quá trình phát triển, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát huy lợi thế về tiềm năng của cây dừa, một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh; về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế. Nhờ tích cực đầu tư đổi mới công nghệ nên chất lượng các sản phẩm chế biến từ dừa của tỉnh không ngừng được nâng lên. Bến Tre hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như: Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa,…

Kể từ lần ký kết đầu tiên vào năm 2007 cho đến nay, sự hợp tác KH&CN giữa UBND tỉnh Bến Tre và Viện Hàn lâm là tiền đề đưa các kết quả từ Viện nghiên cứu đến với thực tiễn. Nhiều nhiệm vụ hợp tác, triển khai trên địa bàn tỉnh Bến Tre mang lại hiệu quả tốt cho địa phương, có thể kể đến:

- Đề tài đặt hàng cấp tỉnh, do Viện Sinh học nhiệt đới chủ trì: “Nghiên cứu phát triển và chuẩn hóa hệ thống quan trắc sinh học cho mạng lưới sông ngòi tỉnh Bến Tre phục vụ công tác quản lý môi trường nước”. Đề tài đã xây dựng và chuẩn hóa các chỉ tiêu sinh học thủy sinh phục vụ quan trắc sinh học cho tỉnh Bến Tre. Xác định các loài/nhóm loài chỉ thị các môi trường ô nhiễm đặc trưng, ứng dụng phân vùng chất lượng nước, quản lý nguồn nước sông ngòi, kênh rạch trong tỉnh. Đồng thời, xây dựng và số hoá cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, hiện trạng chất lượng môi trường nước và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học thủy sinh vật cho tỉnh Bến Tre.

- Đề tài: “Nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ đốt và mô hình xử lý ô nhiễm từ khói lò than thiêu kết” do Viện Công nghệ hóa học chủ trì. Đây là mô hình xử lý khí thải lò than thiêu kết lần đầu tiên được áp dụng tại Bến Tre nhằm giải quyết thực trạng ô nhiễm không khí từ nguồn khói thải của các lò than thiêu kết, lắp đặt và vận hành tại cơ sở sản xuất than thiêu kết DNTN Huyền Khương, số 249, ấp 5, xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm. Kết quả đăng ký và lưu trữ tại UBND tỉnh và Sở KHCN tỉnh Bến Tre.

- Đặc biệt là Đề tài hợp tác giữa UBND tỉnh Bến Tre và Viện Hàn lâm: “Xây dựng hệ thống thu thập số liệu tự động và hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu” hướng đến mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu vùng tưới cho hệ thống kênh nội đồng tạo nền tảng cho việc ra quyết định vạn hành, lắp đặt thí điểm 3 trạm quan trắc mặn tự động, hỗ trợ ra quyết định vận hành khi xảy ra xâm nhập mặn. Hiện tại, đề tài đã hoàn thiện CSDL các công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh Bến Tre, hạng mục lắp đặt trạm chờ phê duyệt đấu thầu để triển khai, sẽ cho phép lấy số liệu tự động, đồng thời đưa ra các gợi ý cho việc vận hành hệ thống thủy lợi trên toàn tỉnh.

Viện Hàn lâm là cơ quan nghiên cứu hàng đầu của cả nước, Viện đã luôn chủ động, sáng tạo đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhằm đưa các kết quả khoa học vào triển khai thực tiễn, nâng cao hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với tiềm lực như vậy, Viện Hàn lâm có thể hỗ trợ nhiều mặt về KH&CN đối với UBND tỉnh Bến Tre. Từ lĩnh vực Nông-Lâm-Ngư nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đến lĩnh vực công nghiệp - xuất khẩu, nhằm tạo đà cho nền kinh tế, khi lần đầu tiên khu vực II của tỉnh đạt đến 9,25%, gấp 3 lần so với cả nước (3,74%). Đặc biệt, Viện Hàn lâm có thể hỗ trợ tốt cho địa phương trong Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong những bước đột phá quan trọng, thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội.

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác KH&CN giữa Viện Hàn lâm với UBND tỉnh Bến Tre đặt ra kỳ vọng hợp tác khoa học công nghệ toàn diện giữa hai Bên, đưa KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng an ninh của Bến Tre.

Nguồn tin: Phạm Phượng - Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ

Xử lý tin: Minh Tâm

 



Tags:
Tin liên quan