Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gia nhập Ủy ban Vệ tinh quan sát trái đất (CEOS)
Được thành lập từ năm 1984 với mục đích phối hợp các hoạt động quan sát Trái đất từ vũ trụ phục vụ cho việc phát triển các vấn đề dân sự, đến nay CEOS đã có 53 thành viên chính thức và thành viên liên kết. Tất cả các cơ quan tham gia CEOS phấn đấu để tăng cường các hoạt động hợp tác, điều phối quốc tế cũng như trao đổi dữ liệu nhằm tối ưu hóa các lợi ích xã hội. Các tổ chức tham gia CEOS gồm các cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia, các tổ chức quốc tế cùng nhau tham gia vào việc lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động của CEOS.
Tham gia phiên họp toàn thể lần thứ 27, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trình bày trước toàn bộ đại biểu CEOS về những thành tựu quan trọng VAST đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là các thành tựu trong lĩnh vực phát triển vệ tinh quan sát Trái đất. Những kết quả và thành công của “Vệ tinh nhỏ Việt Nam quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai - VNREDSat-1”, các dự án đang tiến hành của VAST (dự án VNREDSat 1B và dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) đã gây ấn tượng tốt đẹp cho các đại biểu tham dự, và quyết định kết nạp VAST là thành viên của CEOS đã được phiên họp toàn thể nhanh chóng thông qua.
Các thành viên tham dự phiên họp toàn thể lần thứ 27 của CEOS
Tham gia vào CEOS, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hiện trở thành thành viên của một tổ chức quốc tế lớn nhất về các hoạt động quan sát Trái đất vì mục đích dân sự. VAST sẽ có cơ hội tham gia mạng lưới toàn cầu trong việc điều phối các hoạt động quan sát Trái đất, chia sẻ dữ liệu vệ tinh, tham gia vào các dự án thử nghiệm, và quan trọng hơn là có một diễn đàn để trao đổi các vấn đề hoạch định chiến lược trong việc phát triển vệ tinh quan sát Trái đất với các tổ chức có kinh nghiệm và uy tín trên toàn thế giới. Tham gia CEOS là một trong những bước đi quan trọng giúp VAST quảng bá thành tựu của mình, gây dựng uy tín cũng như mở rộng quan hệ quốc tế và khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực vệ tinh quan sát Trái đất của thế giới.
Tin: Vũ Anh Tuân, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia