Viện Hải dương học hợp tác với Viện Khoa học Biển Úc tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực giám sát rạn san hô tại Việt Nam
Thông qua khóa tập huấn, các chuyên gia AIMS sẽ đào tạo, hướng dẫn cho 20 nhà khoa học và cán bộ các khu bảo tồn biển Việt Nam nâng cao năng lực, kỹ năng giám sát và quản lý rạn san hô bằng cách ứng dụng công nghệ mới ReefCloud và thiết bị ReefScan, làm cơ sở cải thiện cho việc ra quyết định của các nhà quản lý rạn san hô tại địa phương, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Đến tham dự phiên khai mạc khóa tập huấn sáng ngày 01/04/2024 có Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ Úc tại Việt Nam; bà Eleanor Kennon, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán (ĐSQ) Úc; ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Huỳnh Mộng Giang, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Khánh Hòa; PGS.TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học; TS. Hồ Văn Thệ và TS. Hoàng Xuân Bền, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học; cùng các chuyên gia Viện Khoa học Biển Úc, các nhà khoa học và quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam và các cơ quan truyền hình trung ương và địa phương đến đưa tin. Sự hiện diện của Ngài Đại sứ và Bí thư thứ nhất ĐSQ Úc tại khóa tập huấn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Úc tới việc hỗ trợ, phát triển mối quan hệ hợp tác khoa học giữa hai nước nói chung, giữa Viện Khoa học biển Úc và Viện Hải dương học nói riêng.
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc
Trong bài phát biểu chào mừng các đại biểu, PGS.TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học đã bày tỏ lòng cám ơn chân thành về tài trợ của Chính phủ Úc và Viện Khoa học Biển Úc, sự hỗ trợ tích cực của ĐSQ Úc tại Việt Nam để thực hiện dự án này và tin tưởng rằng dự án sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học Úc và Việt Nam trong lĩnh vực giám sát rạn san hô.
PGS.TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học phát biểu tại buổi khai mạc
Sau khi Ngài Đại sứ trang trọng khai mạc khóa tập huấn, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng có bài phát biểu thể hiện sự coi trọng và ủng hộ mối quan hệ hợp tác khoa học giữa hai nước, hai cơ quan, nhấn mạnh công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm cung cấp cơ sở khoa học về hải dương học, xác định các tiềm năng để ứng dụng công nghệ tiên tiến, khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển là những ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương. Ông cũng bày tỏ hy vọng, những kiến thức và kinh nghiệm được các chuyên gia AIMS chia sẻ tại khóa tập huấn sẽ giúp các cơ quan quản lý, các nhà khoa học nâng cao năng lực giám sát và bảo vệ các rạn san hô trước tác động của biến đổi khí hậu tại tỉnh Khánh Hòa nói riêng và trong khu vực nói chung.
Ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Úc tại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Các đại biểu đã được nghe TS. Manuel Gonzalez, Trưởng nhóm Giám sát và Phục hồi rạn san hô của AIMS giới thiệu về các công nghệ hiện đại ReefScan và ReefCloud trong giám sát rạn san hô. Trong khi ReefScan là một hệ thống camera dùng để thu thập hiện trạng rạn san hô, thì ReefCloud là bộ cơ sở dữ liệu lớn dạng mở để quản lý các dữ liệu về rạn san hô. Đây là những công nghệ tiên tiến hàng đầu mà AIMS đang phát triển và sử dụng để giám sát rạn san hô.
Kết thúc phiên khai mạc, Ngài Đại sứ đã thay mặt Chính phủ Úc và Viện Khoa học biển Úc tặng cho Viện Hải dương học 01 thiết bị ReefScan, 04 camera và một số dụng cụ, tài liệu phục vụ cho việc đào tạo của khóa tập huấn và sử dụng cho công việc giám sát rạn san hô sau này tại Viện Hải dương học, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và quản lý bền vững hệ sinh thái rạn san hô tại Việt Nam.
Ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Úc tại Việt Nam trao tặng thiết bị nghiên cứu cho Viện Hải dương học
Chụp ảnh lưu niệm
Nguồn tin: PGS.TS. Đào Việt Hà – Viện trưởng Viện Hải dương học
Xử lý tin: Minh Tâm