Vi khuẩn tía quang hợp trong nuôi trồng thủy sản

22/05/2022
Trong số các nhóm vi khuẩn sử dụng làm chế phẩm sinh học ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản thì vi khuẩn tía quang hợp được coi là nhóm hữu ích nhất để cải thiện chất lượng nước nuôi trồng thủy sản đặc biệt là ao nuôi tôm. Giải pháp này vừa thân thiện với môi trường, vừa có thể xử lý được các chất hữu cơ dư thừa như sulfide, amoni…

Vi khuẩn tía quang hợp (VKTQH) thuộc nhóm vi khuẩn thủy sinh có khả năng sinh trưởng trong điều kiện kỵ khí bằng cách quang hợp nhưng không thải oxy như những đối tượng quang dưỡng khác. Nhóm VKTQH thường có màu hồng đến đỏ tía, sắc tố quang hợp chính là bacteriochlorophyll (Bchl), nguồn cho điện tử trong quá trình quang hợp không phải là nước mà là các hợp chất khác nhau như hydro, các acid hữu cơ đơn giản, lưu huỳnh, hydro sulfide, thiosulfide và các hợp chất khử của lưu huỳnh (Brune, 1989; 1995).

Trong số các nhóm vi khuẩn sử dụng làm chế phẩm sinh học ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản thì vi khuẩn tía quang hợp được coi là nhóm hữu ích nhất để cải thiện chất lượng nước nuôi trồng thủy sản đặc biệt là ao nuôi tôm (Antony và Philip, 2006; Zhou et al., 2008). Giải pháp này vừa thân thiện với môi trường, vừa có thể xử lý được các chất hữu cơ dư thừa như sulfide, amoni…

Ngoài khả năng xử lý sulfide và các hợp chất hữu cơ, VKTQH còn có vai trò tăng số lượng phù du, tăng cường chuỗi thức ăn và tăng giá trị dinh dưỡng của vật nuôi (Azad., 2002; Loo., 2012; Zizhong et al., 2009). Chúng được coi là vi khuẩn có lợi vì tế bào có chứa làm lượng cao protein, các acid amin thiết yếu, các vitamin B12, ubiquinone và carotenoid (Shapawi et al., 2012; Kornochalert et al., 2014). Do đó, VKTQH cũng có tiềm năng lớn để làm thức ăn tươi sống trong nuôi trồng thủy sản (Shapawi et al., 2012).

Tại Việt Nam, hiện nay Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có chế phẩm VKTQH dạng dịch để ứng dụng trong xử lý sulfide, các hợp chất hữu cơ trong ao nuôi thủy sản và chế phẩm làm thức ăn tươi sống cho con giống động vật biển hai mảnh vỏ. Tuy nhiên, việc vận chuyển chế phẩm dạng dịch đến những vùng nuôi trồng thủy sản còn gặp nhiều khó khăn vì nước ta có khoảng hơn 3000 km đường bờ biển và nghề nuôi trồng thủy sản chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, do vậy, chế phẩm VKTQH ở dạng dịch sản xuất tại Viện Công nghệ sinh học gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển và phân phối tới các vùng nuôi trồng trong cả nước.

Xuất phát từ lý do đó, sau 1 năm thực hiện đề tài khởi nghiệp cấp Viện Công nghệ sinh học “Bước đầu nghiên cứu tạo chế phẩm dạng lỏng sệt có khả năng xử lý sulfide trong ao nuôi tôm từ vi khuẩn tía quang hợp không lưu huỳnh” mã số CSKN18-02, tạo chế phẩm dạng lỏng sệt có khả năng xử lý sulfide và các hợp chất hữu cơ trong ao nuôi tôm cho kết quả khả quan. Các nghiên cứu được phát triển thành nhiệm vụ cấp Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi khuẩn tía quang hợp dạng lỏng sệt nhằm ứng dụng trong nuôi thủy hải sản” mã số UDPTCN.05/19/21. Sau 3 năm thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tạo được chế phẩm vi khuẩn tía quang hợp dạng lỏng sệt có mật độ cao gấp 100 lần so với chế phẩm dạng dịch. Hiện có 2 loại chế phẩm VKTQH lỏng sệt đã được thử nghiệm thành công tại quy mô trang trại đó là:  Đã thử nghiệm sử dụng chế phẩm VKTQH dạng lỏng sệt làm thức ăn cho ấu trùng ngao và ngao giống ở quy mô 1000 m2/ ao lặp lại 3 đợt thí nghiệm cho tỷ lệ sống sót cao, tương đương với khi cho ăn bằng tảo và thức ăn công nghiệp. Đã thử nghiệm sử dụng chế phẩm VKTQH dạng lỏng sệt xử lý nước ao nuôi tôm ở quy mô 1000 m2/ ao cho thấy chất lượng nước nuôi tôm tốt, tôm phát triển khỏe mạnh không nhiễm bệnh và hoàn toàn thay thế được chế phẩm VKTQH dạng dịch. Kết quả đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá" Xuất sắc" 

Chế phẩm được đóng chai hoặc gói 1kg dễ dàng vận chuyển và thương mại hóa, chế phẩm bảo quản được trong 6 - 12 tháng ở điều kiện nhiệt độ phòng.

Hình 1. Quy trình sản xuất chế phẩm vi khuẩn tía quang hợp dạng lỏng sệt

Hình 2. Chế phẩm vi khuẩn tía quang hợp dạng lỏng sệt đóng gói 1 kg

Hình 3: Thử nghiệm chế phẩm lỏng sệt tại doanh nghiệp Cửu Dung- Nam Định

Nguồn tin: Bùi Hiển, Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ
Xử lý tin: Thanh Hà


Tags:
Tin liên quan