Vacxin tái tổ hợp bảo vệ gà phòng chống Salmonella
Trong số trên 2500 typ huyết thanh đã được phân lập, S. enterica serovar Enteritidis (viết tắt là S. Enteritidis) và S. enterica serovar Typhimurium (viết tắt là S. Typhimurium) là hai typ huyết thanh thông thường nhất gây ngộ độc thực phẩm cho người. Vi khuẩn này có khả năng phát triển tốt ở nhiệt độ 5-45oC, pH6-9 và có thể chịu được nồng độ muối cao 8-19%. Salmonella thường nhiễm ở gia cầm và không gây triệu chứng trên gia cầm dẫn đến hiện tượng gia cầm mang trùng ẩn. Ở trạng thái này gia cầm có cơ hội truyền S. Enteritidis và S. Typhimurium sang người qua nguồn trứng, thịt và phát tán vi khuẩn ra môi trường và các nguồn thực phẩm khác. Hiện nay, Salmonella ngày càng kháng nhiều loại kháng sinh khác nhau, làm cho việc điều trị trở nên khó khăn. Vì vậy, gây miễn dịch phòng Salmonella cho gia cầm là biện pháp hữu hiệu để giảm ngộ độc thực phẩm do Salmonella gây ra ở người.
Sự sinh trưởng của S. Typhimurium trong huyết thanh gà (n=4-7, lặp lại 2 lần)
Sự sinh trưởng của S. Enteritidis trong huyết thanh gà (n=4-7, lặp lại 2 lần)
Trong khuôn khổ đề tài hợp tác Việt Nam - Thụy Điển SIDA-SAREC, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN đã sản xuất thành công các kháng nguyên H của S. Typhimurium (FliC, FljB) và S. Enteritidis (Gm) và kháng nguyên fimbriae SEFA của S. Enteritidis cho thử nghiệm làm vaccine dưới dạng đơn vị tái tổ hợp phòng hai typ huyết thanh Salmonella cho gia cầm. Các kháng nguyên này đã được chứng minh là có khả năng kích hoạt cả miễn dịch bẩm sinh, miễn dịch thích ứng với cả hai nhánh: miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào, giúp cơ thể động vật kháng lại vi khuẩn.
Bên cạnh đó, kháng thể kháng nguyên H còn được truyền từ gà mẹ sang trứng để bảo hộ gà mới nở chống lại Salmonella. Với liều gây miễn dịch 0,05 mg kháng nguyên mỗi loại được gây miễn dịch cho gà 2 tuần tuổi và 0,1 mg kháng nguyên mỗi loại gây miễn dịch nhắc lại cho gà 8 tuần tuổi, kháng thể được tạo ra trong huyết thanh đã làm giảm khả năng sinh trưởng của S. Typhimurium 10 lần và ức chế khả năng sinh trưởng của S. Enteritidis 4 lần. Kháng thể kháng lại các kháng nguyên tái tổ hợp cũng được tìm thấy trong trứng và kháng thể trong trứng cũng có khả năng ức chế sinh trưởng S. Enteritidis khoảng 2 lần nhưng có hiệu quả thấp đối với S. Typhimurium.
Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền – Giải pháp hữu ích số 1085 năm 2013.
Nguồn tin: GS.Trương Nam Hải, Viện Công nghệ sinh học
Xử lý tin: Thanh Hà