USTH mở rộng hoạt động đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh
Tham dự Đoàn công tác về phía Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có GS. VS. Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm, PGS.TS. Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường USTH, PGS. TS. Hà Quý Quỳnh - Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, TS. Lê Quỳnh Liên - Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế, TS. Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm. Về phía Trường USTH có GS. Jean-Marc Lavest - Hiệu trưởng chính, PGS. TS. Đinh Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Hải Đăng - Phó Hiệu trưởng. Tiếp và làm việc với đoàn là lãnh đạo và các cán bộ phụ trách đào tạo của: Viện Cơ học và Tin học Ứng dụng, Viện Sinh học Nhiệt đới, Viện Công nghệ Hóa học, Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, và Văn phòng Viện Hàn lâm tại Tp. Hồ Chí Minh.
Đoàn công tác làm việc tại Viện Cơ học- Tin học ứng dụng
USTH là một đơn vị đào tạo trực thuộc Viện Hàn lâm, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của hai Chính phủ Việt Nam và Pháp, có nhiệm vụ phát huy các nguồn lực con người, cơ sở vật chất, mạng lưới hợp tác của Viện Hàn lâm và USTH Consortium (Liên minh các Đại học và Viện nghiên cứu Pháp vì sự phát triển của USTH) để phát triển thành một trường đại học định hướng nghiên cứu xuất sắc. Tiếp theo các chương trình đào tạo cấp bằng đôi trình độ thạc sĩ được triển khai từ năm 2009, từ năm học 2022-2023 này, Trường sẽ triển khai các chương trình đào tạo cấp bằng đôi trình độ đại học với các đối tác giàu truyền thống đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Pháp như ĐH Aix Marseille, ĐH Đông Paris-Creteil (UPEC), ...
Theo chỉ đạo của Hội đồng trường tại kỳ họp lần thứ 6 năm 2020, từ năm học 2023-2024, Trường sẽ mở rộng các hoạt động đào tạo tại Tp Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục phát triển quy mô đào tạo đồng thời cung cấp thêm một cơ hội du học tại chỗ cho các sinh viên khu vực phía Nam. Theo đó, 3 chương trình đào tạo cấp bằng đôi ngành Hóa học, Công nghệ sinh học - Phát triển thuốc, và Công nghệ thông tin - Truyền thông sẽ bắt đầu tuyển sinh từ tháng 2 năm 2023 và bắt đầu đào tạo từ tháng 9 năm 2023.
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo các Viện nghiên cứu chuyên ngành bày tỏ sự tin tưởng vào kế hoạch mở rộng quy mô đào tạo của USTH và cam kết mạnh mẽ ủng hộ các nguồn lực tốt nhất, thống nhất xem phát triển hoạt động đào tạo là một nhiệm vụ quan trọng của các Viện trong thời gian tới. Thực tế, các Viện đều có đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu trình độ cao, nhiều người trong số đó tốt nghiệp tiến sĩ tại các nước phát triển, đã và đang tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Các Viện cũng được trang bị cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học, thử nghiệm sản xuất hiện đại, đồng bộ, có thể được khai thác cho hoạt động đào tạo. Một số nhà khoa học tại các Viện đã và đang tích cực tham gia các hoạt động trao đổi đào tạo và hướng dẫn sinh viên quốc tế. Những cơ sở vững chắc đó, cùng với đội ngũ giảng viên Việt Nam và Pháp tại USTH, sẽ đảm bảo triển khai thành công các chương trình đào tạo tại Tp. Hồ Chí Minh.
Đoàn làm việc tại Viện Sinh học Nhiệt đới
Phát biểu tại cuộc họp tổng kết chuyến công tác, GS.VS. Châu Văn Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phát triển đào tạo tại Viện Hàn lâm, hướng tới phát triển đồng thời 3 thế mạnh: Nghiên cứu khoa học cơ bản, Nghiên cứu triển khai ứng dụng, Đào tạo; giao USTH và các Viện chuyên ngành tại Tp. Hồ Chí Minh thành lập các tổ công tác, nhanh chóng triển khai kế hoạch và thường xuyên báo cáo lãnh đạo Viện Hàn lâm. Theo đó, triển khai kế hoạch bố trí văn phòng đại diện USTH tại cơ sở 268A Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q3), chuẩn bị cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo tại 268A Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q3) và số 1 Mạc Đĩnh Chi (Q1), cũng như tại các cơ sở khác của Viện Cơ học và Tin học Ứng dụng, Viện Sinh học Nhiệt đới, Viện Công nghệ Hóa học, và Viện Khoa học vật liệu Ứng dụng.
Với GS. Jean-Marc Lavest và Ban giám hiệu Trường USTH, kết quả của chuyến công tác thêm một lần nữa khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Viện Hàn lâm và các Viện chuyên ngành cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Trường. Không nhiều trường tại Việt Nam có thể tiếp cận một nguồn tài nguyên con người, cơ sở vật chất, mạng lưới hợp tác phong phú như vậy. Chuyến công tác đánh dấu một khởi đầu mới đầy triển vọng trong hành trình phát triển của USTH.