Từ phòng thí nghiệm đến doanh nghiệp

07/01/2010
Ngày 3/12/2009 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc Hội thảo khoa học “Từ phòng thí nghiệm đến doanh nghiệp” do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức. Đây là một trong số các hoạt động trong khuôn khổ “Tuần lễ Khoa học và Công nghệ Việt - Pháp” năm 2009 được đông đảo các nhà khoa học hai nước quan tâm tham dự. Chủ đề của buổi hội thảo xoay quanh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, vấn đề đã và đang còn là nỗi trăn trở không chỉ của các nhà khoa học mà còn là của các cấp, các ngành quản lý khoa học và công nghệ.  

Một trong ba báo cáo thu hút được sự chú ý đặc biệt của các cử toạ tại Hội nghị là bài phát biểu của Kỹ sư cao cấp Hoàng Đại Tuấn (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) về công trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ các chế phẩm sinh học dùng để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dùng trong nông nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường.v.v. Những con số cụ thể, những kết quả thực tế mà KSCC. Hoàng Đại Tuấn đưa ra trong báo cáo là minh chứng cụ thể nhất của con đường “Từ phòng thí nghiệm đến doanh nghiệp” và khẳng định một sự thật là các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam nói chung và các nhà khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói riêng không “cất công trình khoa học trong ngăn kéo” mà luôn trăn trở làm cách nào và làm như thế nào để đưa các kết quả công trình nghiên cứu của mình ứng dụng vào thực tế đời sống, sản xuất, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

KSCC.Hoàng Đại Tuấn là Trưởng phòng Hoá sinh nông nghiệp và Nguyên liệu khoáng (Hudavil), chỉ là một trong 14 phòng nghiên cứu của Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên, trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tuy lực lượng cán bộ mỏng (biên chế chỉ bao gồm 7 đồng chí) song tập thể Hudavil đã đảm nhận một khối lượng lớn và hoạt động rất hiệu quả (chủ trì nhiều đề tài cấp cơ sở, 1 đề tài cấp Bộ, 2 dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp Nhà nước và đang thực hiện 1 đề tài Độc lập cấp Nhà nước). Kết quả nghiên cứu của các công trình này đã được ứng dụng vào thực tế với tư duy mới và một mô hình nghiên cứu, triển khai, ứng dụng cũng rất mới. Trước tiên, cũng như các công trình nghiên cứu khác, nền tảng quan trọng nhất vẫn phải là việc giải quyết tốt các vấn đề nghiên cứu cơ bản về hoá học và sinh học, trên cơ sở đó các sản phẩm được tạo ra . Điểm mới trong tư duy của các nhà nghiên cứu tại Hudavil là họ không thương mại hoá ngay sản phẩm mà lại đưa sản phẩm của mình đến tận tay người nông dân và chịu trách nhiệm với những người trực tiếp sử dụng sản phẩm. Trong quá trình cộng tác với người trực tiếp sử dụng, các nhà khoa học Hudavil thử nghiệm sản phẩm của mình, hoàn thiện công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả cũng như phát huy tối đa công dụng của sản phẩm trong quá trình sản xuất, xây dựng được công nghệ để chuyển giao cho các doanh nghiệp. Với tư duy và cách làm đột phá như vậy, đến nay, khi kết quả nghiên cứu được hoàn thiện, công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học của Hudavil đã được chuyển giao thành công cho hơn 30 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.

Sẽ thật là thiếu sót khi nói đến thành công của Hudavil mà quên nhắc đến truyền thống của Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên, một trong những đơn vị đi đầu trong công tác ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nhìn lại lịch sử phát triển của Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên từ khi thành ập đến nay có thể thấy rõ định hướng “từ phòng thí nghiệm đến thực tiễn”. Trong giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1985, thế mạnh nghiên cứu của Viện là mảng tinh dầu và hương liệu và các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất như thuốc lá, xà phòng, mỹ phẩm, công nghiệp thực phẩm... Từ năm 1984 đến năm 1993, Viện tập trung vào mảng nghiên cứu các chất có hoạt tính sinh học ứng dụng làm thuốc chữa bệnh từ các cây cỏ Việt Nam mà đỉnh cao là việc chế tạo thành công biệt chất chống sốt rét từ cây thanh hao hoa vàng. Từ đó đến nay, Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu sàng lọc các chất có hoạt tính sinh học từ cây cỏ và đã đạt được thành tựu đáng kể với hơn một chục bằng sáng chế, phát minh, bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Không dừng lại ở đó, các công trình này được liên kết, chuyển giao cho các công ty dược phẩm tạo thành các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của xã hội như sản phẩm Mallotus (phòng và hỗ trợ điều trị ung thư), Alisma (hỗ trợ hạ mỡ máu và cholesteron trong máu), Hasamin (duy trì hoạt động cao, tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi, phòng xơ vữa động mạch), Omega3-L (bồi dưỡng tế bào thần kinh), TMC (hạ huyết áp).v..v và hàng chục chế phẩm sinh học của Hudavil dùng để xử lý ô nhiễm cho các nhà máy đường, cho vùng sản xuất nông nghiệp bị nhiễm phèn nhiễm mặn, xử lý ô nhiễm nước và bùn đáy các hồ ao nuôi tôm sú, cá tra  ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ... phục vụ mục tiêu xuất khẩu.  

Các sản phẩm là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên

Từ thực tế tại Phòng Hoá sinh nông nghiệp và Nguyên liệu khoáng nói riêng và Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên nói chung có thể thấy rõ ràng một thực tế các nhà khoa học hiện nay ý thức rất rõ vai trò và trách nhiệm của mình không chỉ là nghiên cứu khoa học cơ bản mà còn phải tìm cách đưa kết quả những công trình nghiên cứu của mình ứng dụng vào thực tiễn phục vụ đời sống. Chúng tôi xin được lấy lời của KSCC. Hoàng Đại Tuấn làm lời kết cho phóng sự: “ Mục tiêu của nhà khoa học chính là nghiên cứu, nhưng khi công trình thu được kết quả thì hơn ai hết chính chủ nhân của những công trình đó đều trăn trở và mong muốn những sản phẩm do mình tạo ra được xã hội ứng dụng nhằm góp phần vào sự phát triển của đất nước. Đó mới chính là phần thưởng cao quý nhất dành cho người làm công tác nghiên cứu khoa học. “

Quỳnh Trang - Hồng Nghĩa

 



Tags:
Tin liên quan