Trường khoa học VAST – CNRS: Những tiến bộ của hệ gen thực vật vì một nền nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu

29/10/2024
Từ ngày 21-25/10/2024, VAST đã phối hợp với CNRS tổ chức Trường khoa học VAST – CNRS với chủ đề “Những tiến bộ của hệ gen thực vật vì một nền nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu” để các nhà khoa học trao đổi, cập nhật, chia sẻ chuyên môn và thiết lập quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu liên quan tới khoa học thực vật nhằm cải tạo giống cây trồng và phát triển nông nghiệp bền vững. Trường học đã quy tụ các giảng viên, nghiên cứu sinh và nhà khoa học đến từ Viện Khoa học Thực vật Montpellier, Đại học Công nghệ Compiègne, Viện Khoa học Thực vật Paris – Saclay, Viện Khoa học và Công nghệ sinh học Aix-Marseille của CNRS Pháp cùng với Viện Công nghệ sinh học (IBT), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Viện Nghiên cứu hệ Gen (IGR) và một số đơn vị khác thuộc VAST. Sự kiện này còn có sự tham gia của đại diện tổ chức Croplife Châu Á.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Trong bài phát biểu khai mạc, Giáo sư Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch VAST đánh giá cao mối quan hệ hợp tác lâu bền giữa VAST và CNRS trong nhiều năm qua. Cụ thể, trường khoa học (DoSon Summer school) là hoạt động trao đổi học thuật giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp  từ năm 1995-2013 nhằm thúc đẩy sự trao đổi tri thức và kỹ năng giữa các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam và quốc tế. Đây là cơ sở để VAST và CNRS triển khai nhiều dự án, đề tài nghiên cứu chung, xây dựng các phòng thí nghiệm hợp tác mang tầm quốc tế tạo cơ hội tiếp cận với môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp cho các nhà khoa học trẻ của Việt Nam. Hoạt động này đã góp phần lớn định hình và phát triển một số hướng nghiên cứu hiện đại ở nước ta như hóa học, công nghệ môi trường, khoa học vật liệu, khoa học sự sống… Việc tái khởi động trường hè khoa học năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 40 năm hợp tác giữa VAST và CNRS với chủ đề “Hóa học trong sản xuất H2 và pin ion Li” một lần nữa thúc đẩy sự tương tác giữa các giảng viên và học viên tham gia. Từ đó hình thành nhóm hợp tác hiệu quả với minh chứng là dự án chung giữa USTH và CEA Grenoble đã được CNRS tài trợ khiển khai từ năm 2024.

Năm nay, chủ đề khoa học thực vật sẽ mở ra cơ hội lớn để các nhà khoa học chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm nghiên cứu nhằm cải thiện khả năng thích ứng, tăng cường tính chống chịu, nâng cao năng suất và giá trị dinh dưỡng của cây trồng.

 
GS.TS. Chu Hoàng Hà – Phó Chủ tịch VAST phát biểu khai mạc

Trường khoa học 2024 gồm nhiều bài giảng chuyên sâu từ các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam và phía Pháp về các lĩnh vực nghiên cứu:  Tương tác giữa thực vật và vi sinh vật trong cơ chế kích thích sinh trưởng và tăng cường tính chống chịu của cây trồng; phát triển và ứng dụng các kỹ thuật phân tử (GWAS, genome sequencing…) trong phát hiện và nghiên cứu chức năng gen trên thực vật; phát triển và ứng dụng công nghệ gene, chỉnh sửa gen trong nghiên cứu cơ bản và cải tạo giống cây trồng; tìm hiểu quá trình quang hợp và các yếu tố tác động tới hiệu quả của quá trình này; con đường dẫn truyền tín hiệu về đường và các hóc môn trong cây; cơ chế hấp thu dinh dưỡng, chống chịu với môi trường và ngoại cảnh bất lợi ở thực vật… Thêm vào đó, tại Hội thảo, các nghiên cứu sinh và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đã trình bày các tham luận chia sẻ về các kết quả nghiên cứu cập nhật trong luận án cũng như hướng nghiên cứu đang theo đuổi liên quan tới các công nghệ mới trong lĩnh vực khoa học thực vật. Bên cạnh báo cáo khoa học, các giảng viên và học viên đã cùng nhau trao đổi, thảo luận nhằm tìm kiếm và thiết lập các hợp tác mới để chia sẻ, nâng cao trình độ và hiệu quả nghiên cứu khoa học của hai bên. VAST và CNRS hy vọng trường khoa học 2024 sẽ đem lại cơ hội cho các nhóm nghiên cứu hai bên kết nối và thiết lập mối quan hệ hợp tác mới trong thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Việc tái khởi động và triển khai trường khoa học VAST-CNRS trong hai năm qua được kỳ vọng sẽ tiếp tục thể hiện tính hiệu quả trong kết nối và hợp tác khoa học giữa các chuyên gia và nhà khoa học trẻ hai bên, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai đơn vị nghiên cứu quốc gia Việt Nam và Pháp.

 


TS. Lê Quỳnh Liên – Trưởng Ban hợp tác quốc tế giới thiệu về sự hình thành và phát triển và một số thành tựu trong quan hệ hợp tác VAST-CNRS

Tiến sĩ Cécile Bousquet-Antonelli giới thiệu về CNRS và cơ hội hợp tác giữa các nhà khoa học thuộc VAST và CNRS
 
Tiến sĩ Doan Trung Lưu phía CNRS trình bày một số định hướng hợp tác giữa hai bên về lĩnh vực khoa học thực vật trong tương lai


Tiến sĩ Đỗ Tiến Phát phía VAST giới thiệu các hướng nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thực vật và thành tựu tại VAST


Báo cáo viên trình bày và trao đổi với các thành viên tham dự tại Hội thảo


Các thành viên tham dự lắng nghe báo cáo viên trình bày tại Hội thảo

Các nhà khoa học, báo cáo viên và thành viên tham dự tham gia chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo


Các nghiên cứu sinh và nhà khoa học trẻ nhận chứng chỉ từ Ban tổ chức

 

Minh Tâm

 



Tags:
Tin liên quan