Trục liên thông văn bản điện tử để gửi nhận 4 cấp và Bộ chữ ký số 2.0

25/03/2022
Liên thông văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến các cấp địa phương là cơ sở, nền tảng để triển khai kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp, hình thành hệ thống Chính phủ điện tử kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Đây cũng là yêu cầu tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao Trung tâm Tin học và Tính toán chủ trì phối hợp với Văn phòng Viện Hàn lâm, Ban Tổ chức – Cán bộ, Viện Công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ “Nâng cấp Trục liên thông văn bản để gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp và Triển khai bộ thư viện ký số tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam”.

Nâng cấp Trục liên thông để gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp

Trước nâng cấp: Các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện việc gửi, nhận văn bản với các Bộ, ngành, địa phương theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập như một số đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm chưa có trong hệ thống, một vài chức năng chưa được hoàn thiện; các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm muốn gửi, nhận văn bản điện tử với đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, địa phương phải thông qua Văn phòng Viện Hàn lâm trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Quy trình gửi, nhận văn bản trên Trục liên thông văn bản trước nâng cấp

Sau nâng cấp: Các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm đã có thể gửi, nhận văn bản trực tiếp với các Bộ, ngành, địa phương qua Trục liên thông văn bản. Để việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản điện tử của Viện Hàn lâm được triển khai hiệu quả, ngày 30/7/2021, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã ký Quyết định số 1349/QĐ-VHL ban hành Danh mục mã định danh điện tử các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và các hệ thống thông tin nội bộ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Quyết định số 1898/QĐ-VHL ngày 12/11/2021 ban hành Quy định gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp trên Trục liên thông văn bản điện tử của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Quy trình gửi, nhận văn bản trên Trục liên thông văn bản sau nâng cấp

Nâng cấp Bộ ký số lên phiên bản 2.0

Việc đẩy mạnh sử dụng chữ ký số chuyên dùng vào trong các giao dịch điện tử đã và đang từng bước thay thế cho các giao dịch truyền thống trong các cơ quan nhà nước, mang lại hiệu quả tích cực đối với những hoạt động tác nghiệp hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo mức độ an toàn và bảo mật thông tin trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng những nguyên tắc, yêu cầu quy định do Chính phủ ban hành về công tác văn thư, Trung tâm Tin học và Tính toán cũng đã thực hiện việc nâng cấp, tích hợp phần mềm chữ ký số trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành VAST-Office từ phiên bản 1.0 lên 2.0.

Giao diện các chức năng của bộ chữ ký số 2.0 được tích hợp trên hệ thống Quản lý văn bản và điều hành

Đánh giá sau thời gian triển khai gửi, nhận văn bản có ký số 2.0 trên hệ thống Quản lý văn bản điều hành cho thấy: Bộ thư viện ký số 2.0 đảm bảo truy cập dễ dàng với các trình duyệt Web phổ thông như Firefox, Chrome, Cốc Cốc.... Bộ thư viện mới tích hợp chữ ký số đầy đủ theo các quy định tại Điều 5; điểm 7 Điều 13 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư do Chính phủ ban hành ngày 05/3/2020: Phân rõ ràng từng chức năng cụ thể: Chức năng ký phê duyệt dành cho lãnh đạo; Ký đóng dấu phát hành, ký số công văn đến dành cho văn thư; Kích thước chữ ký số được cố định theo đúng quy định; Có thể chọn được ngày, tháng, năm cho văn bản.

Đến nay, 100% các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm sử dụng thành thạo bộ công cụ chữ ký số 2.0 và gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Viện Hàn lâm. Văn bản đã ký số bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu, không bị thay đổi trong quá trình truyền qua mạng; Người nhận khi nhận được văn bản xác định được người gửi. Điều này đã khẳng định hiệu quả của chữ ký số trong công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc tại Viện Hàn lâm. 

Nguồn tin: ThS. Nguyễn Thị Hoan, Trung tâm Tin học và Tính toán
Xử lý tin: Thanh Hà
 

 



Tags:
Tin liên quan