Tìm hiểu về các loài dơi ở Việt Nam qua hành trình nghiên cứu của chuyên gia
GS.TS.NCVCC. Vũ Đình Thống, sinh năm 1975, hiện đang công tác tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1998, nhận học vị Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Tuebingen, Cộng hòa Liên bang Đức, năm 2011; được công nhận và bổ nhiệm chức danh Giáo sư năm 2022. Ông là tác giả và đồng tác giả của 122 bài báo khoa học, 3 sách chuyên khảo và một sách tham khảo. Ngoài công tác nghiên cứu, ông còn tham gia giảng dạy tại nhiều trường Đại học trên cả nước. Đồng thời, GS.TS. Vũ Đình Thống đã và đang hướng dẫn nhiều học viên và nghiên cứu sinh với các hướng nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học.
GS.TS. Vũ Đình Thống (thứ nhất từ phải qua) cùng TS. Hoàng Trung Thành (giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội) và TS. Nguyễn Văn Viết (giảng viên Trường Đại học Hải Dương) thực hiện nghiên cứu và điều tra dơi tại Vườn Quốc gia Cát Bà
Hành trình từ một sinh viên đến chuyên gia hàng đầu về dơi
Ngay từ những năm đầu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Vũ Đình Thống đã bị cuốn hút bởi các bài giảng của PGS.TS. Trần Hồng Việt, một chuyên gia trong nghiên cứu các loài thú. Thầy Việt đã giảng giải cho các sinh viên về giá trị và tiềm năng trong nghiên cứu và bảo tồn động vật trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, qua các bài giảng của thầy, sinh viên hiểu rằng: Việt Nam chưa có chuyên gia nghiên cứu kỹ về các loài dơi, trong khi nhiều loài thú khác đã được quan tâm nghiên cứu từ lâu. Điều này đã gợi lên trong chàng sinh viên trẻ sự tò mò và mong muốn theo đuổi hướng nghiên cứu về các loài thú đặc biệt này.
Quyết định này của anh không chỉ là sự lựa chọn ngẫu nhiên, mà là khởi đầu cho hành trình đầy thách thức nhưng cũng vô cùng thú vị. Sau khi tốt nghiệp, anh bắt đầu làm việc tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Từ những ngày đầu tập sự, anh đã tham gia nhiều chuyến công tác về điều tra đa dạng sinh học trong sự hợp tác giữa Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật với Tổ chức Frontier-Vietnam. Trong suốt quá trình công tác, từ khi còn chập chững tìm hiểu chuyên môn đến nay, anh đã nhận được sự giúp đỡ quý giá từ các thế hệ lãnh đạo Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Trong đó, nhiều thầy, cô như cố GS.TSKH. Cao Văn Sung, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, cố TS. Huỳnh Thị Kim Hối, ThS. Phạm Đức Tiến và các đồng nghiệp ở nhiều quốc gia khác cũng đã tận tình chỉ dạy và hỗ trợ. Anh kể ấn tượng đáng nhớ khi là một trong những người Việt Nam đầu tiên cùng với ThS. Phạm Đức Tiến thử nghiệm sử dụng Bẫy Thụ cầm, một thiết bị chuyên dụng trong nghiên cứu dơi, do Bảo tàng Hoàng gia Ontario, Canada tặng năm 1998. Trải nghiệm từ các chuyến nghiên cứu thực địa này đã giúp anh phát triển niềm đam mê nghiên cứu.
Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp nghiên cứu của GS.TS. Vũ Đình Thống đến vào năm 2001 khi anh giành được giải thưởng từ Chương trình Bảo tồn BP (nay là Chương trình Định hướng Bảo tồn - Conservation Leadership Programme) với dự án nghiên cứu bảo tồn dơi ở Vườn Quốc gia Bạch Mã. Quá trình thực hiện và kết quả đạt được của dự án đã tạo được dấu ấn đối với cả giới chuyên môn và công chúng quan tâm đến bảo tồn đa dạng sinh học và được chọn là một trong những dự án điển hình. Thành công đó đã giúp anh và đồng nghiệp ghi dấu ấn quan trọng trong nghiên cứu bảo tồn các loài dơi ở Việt Nam nói riêng và đa dạng sinh học nói chung, đồng thời mở ra nhiều hướng hợp tác với các chuyên gia và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu dơi. Ngoài ra, thông tin về giải thưởng được truyền thông rộng rãi bởi BBC và Đài Truyền hình Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học về nghiên cứu và bảo tồn dơi. Hiện nay, GS.TS. Vũ Đình Thống và đồng nghiệp trong và ngoài nước đã từng bước triển khai những nghiên cứu chuyên sâu về các loài dơi của Việt Nam và một số nước trong Khu vực Đông Nam Á.
GS.TS. Vũ Đình Thống cùng TS. Juliana Senawi (Malaysia) và TS. Sigit Wiantoro (Indonesia) trao đổi kế hoạch nghiên cứu
Trước đây, do hạn chế trong nghiên cứu, số lượng loài dơi ghi nhận được ở Việt Nam khá ít. Theo kết quả tổng hợp đầu tiên về khu hệ thú của Việt Nam năm 1994 của GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh và cộng sự, có 65 loài dơi được ghi nhận ở nước ta. Tuy nhiên, từ năm 1998 đến nay, nhờ những công trình nghiên cứu của GS.TS. Vũ Đình Thống và đồng nghiệp, số lượng loài dơi đã tăng lên gấp đôi và dự kiến vẫn còn nhiều phát hiện mới sẽ được công bố trong thời gian tới.
Những dấu ấn thành công
Ngay từ năm 2006, GS.TS. Vũ Đình Thống đã công bố kết quả nghiên cứu với những ghi nhận mới về các loài dơi ở Việt Nam và một số nước trong Khu vực Đông Nam Á trên tạp chí quốc tế uy tín - Acta Chiropterologica. Đó chỉ là một trong những kết quả bước đầu cùng với những kết quả nghiên cứu trước và sau đó nhằm góp phần mở rộng hiểu biết về thành phần loài, đặc điểm phân bố, tập tính và nhiều lĩnh vực liên quan đến tính đa dạng và giá trị của Khu hệ Dơi của Việt Nam.
Nhiều loài, tổ hợp loài và nhóm loài trước đây bị định loại nhầm do thiếu thông tin hoặc dữ liệu đã được GS.TS. Vũ Đình Thống cùng với đồng nghiệp xác định lại vị trí phân loại dựa trên các kết quả nghiên cứu kết hợp về hình thái với di truyền phân tử và tiếng kêu siêu âm. Trong đó, có thể kể đến loài Dơi nếp mũi Grip-phin được phát hiện mới cho khoa học (Hipposideros griffini), Dơi nếp mũi Hạ Long được xác định là đặc hữu của Việt Nam với 2 phân loài (Hipposideros alongensis alongensis và Hipposideros alongensis sungi) công bố trên những tạp chí quốc tế uy tín như Journal of Mammalogy (tập 93, số 1, tháng 2 năm 2012) và Mammal Review (tập 42, số 2, tháng 4 năm 2012). Trong những công bố này, GS.TS. Vũ Đình Thống đã chỉ ra những khác biệt quan trọng về hình thái và di truyền phục vụ kết quả phân loại được chính xác và thuyết phục. Sự phân loại chính xác không chỉ làm rõ thêm về đa dạng sinh học mà còn có ý nghĩa lớn trong công tác bảo tồn và quản lý động vật hoang dã tại Việt Nam.
Dơi nếp mũi Hạ Long và Dơi nếp mũi Griffin lần lượt được công bố và xuất hiện trên trang bìa của các tạp chí Mammal Review (trái) và Journal of Mammalogy (phải)
GS.TS. Vũ Đình Thống và đồng nghiệp đã và đang chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu về những phương diện khác nhau của các loài dơi, góp phần làm phong phú thêm kho tàng tri thức về tính đa dạng và những đặc điểm sinh thái học của chúng tại Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu ngày càng được mở rộng; trong đó, có nhiều khu danh thắng với những hệ thống hang động đa dạng là nơi ở của những loài dơi như Khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, Vườn Quốc gia Cúc Phương và Vườn Quốc gia Cát Bà. Kết quả nghiên cứu đã bước đầu ghi nhận các loài đặc hữu và quý hiếm tại những khu vực này; nhiều loài được ghi trong Danh lục Đỏ của IUCN ở mức độ cần quan tâm bảo tồn. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã hợp tác với nhiều đồng nghiệp trong nước và quốc tế để tìm hiểu về mối quan hệ sinh thái giữa những loài dơi với những virus gây bệnh dịch động vật mới nổi; trong đó có coronavirus, mở ra khả năng nghiên cứu sâu hơn với tính chất liên ngành giữa nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học với dịch tễ học cũng như những lĩnh vực khác.
GS.TS. Vũ Đình Thống (bên trái) và đồng nghiệp quốc tế (Indonesia) nghiên cứu dơi tại hang Sơn Đoòng, Phong Nha - Kẻ Bàng
Ngoài công tác nghiên cứu, GS.TS. Vũ Đình Thống còn tham gia viết sách chuyên khảo và tài liệu tham khảo phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo liên quan đến chuyên môn về dơi tại Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến cuốn sách “Phân loại học và tiếng kêu siêu âm của các loài dơi ở Việt Nam” được xuất bản năm 2022. Cuốn sách đã cung cấp kiến thức chuyên sâu về phân loại học và những đặc điểm kỳ diệu trong tiếng kêu siêu âm của các loài dơi, góp phần mở rộng hiểu biết của người đọc về tập tính và môi trường sống của chúng. Đây là một tài liệu tham khảo quý cho các nhà nghiên cứu và sinh viên muốn tìm hiều về loài thú này. Với sự kết hợp giữa lý thuyết và dữ liệu được đúc kết qua thực tiễn nghiên cứu, những cuốn sách và tài liệu đã công bố không chỉ phục vụ cho nghiên cứu mà còn làm phong phú thêm kho tàng tri thức cho người yêu thích động vật học.
Cuốn sách chuyên khảo “Phân loại học và tiếng kêu siêu âm của các loài dơi ở Việt Nam” do GS.TS. Vũ Đình Thống chủ biên
Chia sẻ về những thành công trong nghiên cứu âm sinh học của các loài dơi, GS.TS. Vũ Đình Thống cho biết: Đây là một lĩnh vực đầy thách thức nhưng cũng rất thú vị. Anh đã từng tham gia các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao về chuyên môn này tại Viện Harrison (Vương quốc Anh), Trường Đại học Tổng hợp Tuebingen (CHLB Đức) và nhiều cơ sở đào tạo khác ở nước ngoài nhằm trang bị những hiểu biết về lĩnh vực này. Đáng kể đến là khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2011, anh đã theo học và hoàn thành luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Tuebingen với đề tài: “Nghiên cứu hệ thống phân loại và tiếng kêu siêu âm của tổng họ dơi có phần phụ mũi (Mammalia: Chiroptera) ở Việt Nam” và trở thành người Việt Nam đầu tiên làm luận án tiến sĩ về dơi.
Cũng theo GS.TS. Vũ Đình Thống, Việt Nam hiện có 2 loài dơi ăn quả và gần 120 loài dơi khác sử dụng tiếng kêu siêu âm để định hướng khi bay lượn và tìm kiếm thức ăn. Mặc dù nghiên cứu của anh và đồng nghiệp đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn còn ở giai đoạn bước đầu và vẫn cần đầu tư hơn nữa để mở rộng quy mô, phạm vi và mức độ nghiên cứu. GS.TS. Vũ Đình Thống hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về tiếng kêu siêu âm của các loài dơi ở Việt Nam nhằm nhận diện loài dơi qua tiếng kêu siêu âm, từ đó nâng cao hiệu quả điều tra và hỗ trợ công tác giám sát và bảo tồn. Nghiên cứu này cần được thực hiện cẩn trọng do sự đa dạng trong đặc điểm tiếng kêu siêu âm của dơi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe, môi trường sống, không gian, v.v...
GS.TS. Vũ Đình Thống đặt thiết bị ghi âm tiếng kêu siêu âm của dơi
Đáng chú ý, năm 2019, GS.TS. Vũ Đình Thống vinh dự nhận Giải thưởng quốc tế Spallanzani, một giải thưởng danh giá thuộc Hiệp hội Nghiên cứu và Bảo tồn Dơi Bắc Mỹ, nhằm tôn vinh những nhà khoa học có đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn dơi ở ngoài Châu Mỹ. Giải thưởng này được trao hàng năm thông qua một quy trình đề cử và bầu chọn nghiêm ngặt, nhằm tìm ra cá nhân xứng đáng nhất trong nghiên cứu và bảo tồn dơi. Do tính cạnh tranh cao và tiêu chí lựa chọn khắt khe, một số năm không có giải thưởng nào được trao, khiến số lượng người nhận giải thưởng này trở nên rất hạn chế. Tính đến nay, anh là chuyên gia Việt Nam đầu tiên và duy nhất được nhận giải thưởng cao quý này.
Chia sẻ về niềm vinh dự này, GS.TS. Vũ Đình Thống nhấn mạnh: Giải thưởng không chỉ là sự công nhận cho những nỗ lực của cá nhân mà còn phản ánh sự ghi nhận từ cộng đồng khoa học quốc tế đối với những nghiên cứu về bảo tồn các loài dơi tại Việt Nam. Đây không chỉ khẳng định giá trị của nghiên cứu mà còn mở ra cơ hội hợp tác và nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực.
Hiện nay, tiềm năng nghiên cứu dơi ở Việt Nam còn rất lớn, mỗi bước tiến trong nghiên cứu đều mở ra nhiều phát hiện mới lạ, từ phân loại học đến sinh thái học và âm sinh học. Ngoài ra, nghiên cứu về sự tiến hóa của các loài dơi cũng mang lại nhiều tiềm năng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, khi cộng đồng khoa học quốc tế dần nhận ra nhiều loài dơi có thể là nguồn gốc hoặc vật trung chuyển virus gây ra các bệnh dịch động vật.
Là thành viên của Nhóm chuyên gia nghiên cứu dơi thuộc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), GS.TS. Vũ Đình Thống đã và đang nỗ lực kết nối hợp tác quốc tế thông qua các chương trình bảo tồn và mạng lưới chuyên gia. Trong nước, các nghiên cứu của anh và đồng nghiệp thu hút sự quan tâm và kết nối của các nhà khoa học cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. GS.TS. Vũ Đình Thống hy vọng, mạng lưới này sẽ ngày càng mở rộng, thu hút nhiều thế hệ trẻ và nhận được sự quan tâm hơn nữa từ các đơn vị quản lý cũng như cộng đồng khoa học. Lĩnh vực nghiên cứu mà anh theo đuổi vẫn còn ẩn chứa nhiều điều chưa được khám phá, hứa hẹn sẽ mang đến những phát hiện khoa học quan trọng và các kết quả nghiên cứu thú vị trong tương lai.
Cung cấp tin: Chu Thị Ngân, Trung tâm Thông tin - Tư liệu
Xử lý tin: Minh Tâm