Tiếp tục hành trình khảo sát trượt lở tại Lâm Đồng
Đoàn khảo sát đã thu thập các thông tin, tiến hành nghiên cứu trực tiếp tại 7 điểm cụ thể gồm: (1)Trượt lở đèo Bảo Lộc, cạnh miếu ba cô, cầu Bảo Lộc; (2) Tuyến đường tránh Bảo Lộc, QL 20; (3) Khu dân cư tổ 11, phường B’Lao, Tp. Bảo Lộc; (4) Trượt lở tại khu dân cư Măng Lin, TP. Đà Lạt và trường mầm non Đạ Sar, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương; (5) Sập taluy khu dân cư tại QL 20 dốc Ánh Mai và hẻm Hoàng Hoa Thám, phường 10, Tp. Đà Lạt; (6) Khu đô thị Lạc Dương; (7)Trượt lở tại công trình Hồ chứa nước Đông Thanh, Huyện Lâm Hà. Tại từng vị trí khảo sát đoàn đều có đánh giá và khuyến nghị phù hợp gửi Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lâm Đồng và báo cáo với Bộ KHCN, Viện Hàn lâm KHCNVN.
Khảo sát khu vực đèo và thành phố Bảo Lộc
Đoàn khảo sát tại điểm quan trắc số liệu trượt tự động của Viện Địa chất (kết quả nghiên cứu khoa học đề tài TN18/T13, thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016- 2020) ở khu đô thị mới Lạc Dương
Đối với khu vực Hồ Đông Thanh đoàn đã tiến hành đo 02 tuyến địa vật lý theo tuyến dài 300m và 500m, độ sâu khảo sát tối đa đạt được từ 40- 50m.
Đo địa vật lý tại điểm Hồ chứa nước Đông Thanh, Huyện Lâm Hà
Dấu hiệu vết nứt, trượt lớn hình thành tại Hồ chứa nước Đông Thanh
Cũng trong chuyến hành trình, ngay sau chuỗi ngày khảo sát thực tế tại một số khu vực đã xảy ra trượt lở và cả những khu vực có nguy cơ trượt lở đất tại tỉnh Lâm Đồng, sáng ngày 21/8, đoàn khảo sát đã có buổi làm việc đánh giá sơ bộ và tham vấn một số biện pháp khắc phục và phòng ngừa sạt trượt đất với ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng.
Đoàn khảo sát làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng
Liên quan tới trượt lở tại tỉnh Lâm Đồng, Đoàn khảo sát nhận định tai biến trượt lở vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới các công trình. Do đó cần rà soát những vị trí có nguy cơ cao và rất cao để đánh giá mức độ rủi ro với tỷ lệ chi tiết nhằm khắc họa đầy đủ hơn các khía cạnh có thể ảnh hưởng đến sạt trượt đất. Bên cạnh đó, các ban ngành của tỉnh cùng với Bộ KHCN và Viện Hàn lâm KHCNVN sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp, trao đổi để nắm bắt tình hình nhanh chóng. Dự kiến sau chuyến khảo sát này, đoàn sẽ tổng kết đánh giá nguyên nhân, cơ chế hình thành các tai biến trượt lở, nứt đất tại các khu vực khảo sát đề xuất được phương án nghiên cứu, triển khai tiếp theo phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại tại buổi Hội thảo khoa học ngày 29/8 sắp tới.
Mai Lan