Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Đại diện Viện KHCNVN | Đoàn làm việc của Bộ KHCN |
Tại Hội nghị, đại diện Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trình bày với Thứ trưởng Lê Đình Tiến và đoàn làm việc Khung Chương trình Khoa học và Công nghệ Vũ trụ với mục tiêu tổng quát đến năm 2020 như sau:
- Ứng dụng có hiệu quả các thành tựu tiên tiến nhất về KHCN vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của đất nước.
- Nghiên cứu làm chủ được công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và kỹ thuật phóng vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo thấp.
- Xây dựng và phát triển một số hướng KHCN vũ trụ phù hợp thế mạnh của Việt Nam.
- Tham gia xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho KHCN vũ trụ và xây dựng được đội ngũ cán bộ KHCN vũ trụ nòng cốt.
Về Chương trình Tây Nguyên III, Dự thảo Chương trình có mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững của Tây Nguyên bao gồm 3 cực tăng trưởng kinh tế, quản lý tài nguyên, hạn chế suy thoái môi trường và quản lý xã hội, tăng lao động, việc làm, duy trì bản sắc văn hoá dân tộc, cụ thể như sau:
- Đánh giá thực trạng tài nguyên môi trường tự nhiên và kinh tế, văn hoá, xã hội của Tây Nguyên sau hơn 20 năm khai thác (kể từ sau chương trình Tây Nguyên II, năm 1988) nhằm đề xuất và xây dựng luận cứ khoa học công nghệ phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn 2030.
- Cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và các địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm trước mắt và tiếp theo.
- Nghiên cứu đề xuất chuyển giao công nghệ tạo ra các sản phẩm hàng hoá và công nghệ xử lý môi trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. Phát triển tiềm lực khoa học công nghệ Tây Nguyên.
- Nghiên cứu cảnh báo thiên tai nguy hiểm thường xảy ra trên Tây Nguyên; đồng thời xây dựng các giải pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại cho các dạng thiên tai này gây ra.
Đại diện Viện KHCNVN trình bày Đề cương dự thảo Chương trình Tây Nguyên III
Để hiện thực hoá các mục tiêu nói trên, Ban soạn thảo Đề cương Chương trình Tây Nguyên III đã đề xuất 9 nhóm đề tài nghiên cứu:
- Nghiên cứu đánh giá kinh tế - văn hoá – xã hội
- Nghiên cứu đánh giá tài nguyên – môi trường
- Nghiên cứu Tài nguyên sinh vật và Công nghệ Sinh học, hoá hợp chất thiên nhiên
- Nghiên cứu tài nguyên năng lượng
- Nghiên cứu tài nguyên khoáng sản
- Nghiên cứu tai biến thiên nhiên và ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu... ở Tây Nguyên
- Nghiên cứu chuyển giao công nghệ quản lý, giám sát tài nguyên môi trường Tây Nguyên.
- Nghiên cứu chuyển giao công nghệ môi trường
- Tổng hợp xây dựng chiến lược phát triển
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Tiến đánh giá Chương trình “Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên – môi trường, kinh tế - xã hội và đề xuất luận cứ khoa học công nghệ phục vụ chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030” là cần thiết và cho rằng đây là cơ hội để tập hợp lực lượng khoa học nước nhà góp phần giải quyết vấn đề phát triển bền vững cho một vùng.
Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Đình Tiến phát biểu chỉ đạo
Thứ trưởng yêu cầu đơn vị chủ trì Chương trình xác định định hướng tổng thể của chương trình để từ đó làm tốt khâu chuẩn bị nội dung, đề ra mục tiêu và hiện thực những mục tiêu đó thành sản phẩm cụ thể. Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu mở rộng tổ chức lực lượng cho Chương trình, huy động các đơn vị nghiên cứu của các Bộ Ban ngành khác như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường... để triển khai hiệu quả Chương trình với mục tiêu không chỉ dừng lại ở điều tra nghiên cứu cơ bản mà tiến thêm một bước nữa là xây dựng mô hình phát triển cho Tây Nguyên trong tương lai.
Kết thúc buổi làm việc, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với tư cách là đơn vị chủ trì Chương trình Tây Nguyên III dự kiến sẽ phối hợp với Vụ Khoa học xã hội và Tự nhiên, Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức Hội nghị với thành phần mở rộng ra các bộ, ban ngành khác để nhanh chóng hiện thực hoá Chương trình Tây Nguyên III.
Tin và ảnh: Quỳnh Trang