Thông báo về Hội nghị thường niên lần thứ 12 “Công nghệ sinh học sinh sản và tế bào gốc vì sự phát triển bền vững và sức khỏe con người”

24/11/2015
Cơ quan tổ chức: •    Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam. •    Hội Công nghệ sinh học sinh sản Châu Á (ARBS)

Cơ quan đồng tổ chức:

•    Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), Bộ Khoa học và Công nghệ
•    Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Bộ Giáo dục và đào tạo.
•    Trung tâm Công nghệ sinh học Đông Nam Á (SABC), Hiệp hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á Việt Nam (SEARAV)
•    Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bộ Y tế
•    Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh thành phố Hồ Chí Minh (HOSREM).

Hội nghị thường niên lần thứ 12 của Hội Công nghệ sinh sản châu Á cùng với các hoạt động liên quan được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 24- 29 tháng 11 năm 2015. Với chủ đề “Công nghệ sinh học sinh sản (CNSS) và tế bào gốc (TBG) vì sự phát triển bền vững và sức khỏe con người”, hội nghị sẽ là diễn đàn mở nhằm thúc đẩy nối kết giữa nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ giữa các nhà khoa học công nghệ và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung và thế giới.

Hội nghị sẽ được đón tiếp và được nghe báo cáo khoa học từ GS.Françoise Barré-Sinoussi - giải Nobel Sinh lý học và Y học năm 2008 về công trình của bà những định hướng nghiên cứu trong thời gian tới cũng như những gợi ý quý báu cho việc phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, rất nhiều nhà khoa học uy tín trên thế giới trong từng chuyên ngành sâu khác nhau của CNSHSS-TBG, điển hình như GS. TS. Takashi Nagai, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cấy phôi quốc tế, nhà khoa học hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực CNSHSS động vật; GS. TSKH. Jan Motlik, nguyên Viện trưởng Viện Sinh lý và di truyền động vật, Giám đốc Trung tâm PigMod - Trung tâm hàng đầu châu Âu với các nghiên cứu chuyên sâu về nghiên cứu các bệnh hiểm nghèo của người trên mô hình động vật; GS. TS. Jean-Paul Renard, Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu nông học Quốc gia Pháp, một nhà khoa học rất uy tín của Pháp cũng như trên thế giới về sinh học sinh sản và tế bào gốc, huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh cho những đóng góp cho nền khoa học Pháp… cũng sẽ tham dự và đóng góp cho Hội nghị những báo cáo rất giá trị. Hội nghị cũng sẽ được nghe rất nhiều báo cáo từ các nhà khoa học trên thế giới (Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Á, Đông Nam Á) đóng góp vào 10 phiên chuyên đề phong phú, đi sâu vào từng nhánh nhỏ của CNSHSS-TBG.

Những kinh nghiệm và thành tựu mới trong khai thác tế bào gốc sinh sản, sàng lọc di truyền ở giai đoạn trước làm tổ, vi phẫu thuật nâng cao chất lượng phôi và sự phát triển bào thai... sẽ được trình bày trong các phiên chuyên đề về CNSHSS-TBG trong điều trị vô sinh và sức khỏe sinh sản.

Ứng dụng các công nghệ thụ tinh ống nghiệm, cấy phôi, phân biệt giới tính, nhân bản vô tính, kỹ thuật phân tử genomic và tin sinh học để cải tiến di truyền và nhân nhanh giốngđộng vật cao sản sẽ được đề cập trong các phiên chuyên đề về tổ hợp CNSHSS-TBG trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển chăn nuôi bền vững.

Kinh nghiệm phân lập, bảo quản và tạo các nguồn tế bào gốc phôi, tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc đa năng nhân tạo bảo đảm an toàn sinh học và kết quả ứng dụng để tìm hiểu cơ chế phát triển các bệnh hiểm nghèo, điều trị ung thư, suy giảm miễn dịch, thay thế bộ phận ... sẽ được trình bày trong các phiên chuyên đề về CNSHSS-TBG và y học tái tạo.

Hội nghị cũng đăc biệt ưu tiên giành thời gian cho các chuyên đề về đào tạo thế hệ chuyên gia trẻ và chuyển giao công nghệ. Hai khóa học thực hành ngắn về đông lạnh trứng phục vụ điều trị hiếm muộn và tạo dòng tế bào gốc sinh dục cùng với Hội thảo SATREPS “Hiện trạng và hướng khai thác hiệu quả nguồn gene lợn bản địa Việt Nam” sẽ được tổ chức như những hoạt độngvệ tinh của Hội nghị. Diễn đàn mở rộng về đào tạo, phát triển khoa học, nối kết sẽ được tiến hành với sự có mặt của Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi. Các phiên họp mở dành cho giao lưu, thảo luận về hợp tác chuyển giao và đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ sẽ được triển khai với sự tham gia của các chuyên gia và đại diện các công ty công nghệ sinh học đến từ Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh vai trò đơn vị tổ chức hội nghị, tổ chức và điều phối các hoạt động của hội nghị, kết nối các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, các đối tác uy tín về CNSHSS-TBG trên thế giới, trong khu vực và Việt Nam, các Viện khoa học, trường đại học, trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực, Viện Công nghệ sinh học còn đóng góp tích cực với nhiều báo cáo khoa học có giá trị trong các lĩnh vực công nghệ sản xuất phôi in vitro, nhân bản vô tính, tế bào gốc, đặc biệt là tế bào gốc đa năng nhân tạo và biệt hóa tế bào gốc người thành tế bào chức năng.

Nguồn: Viện Công nghệ sinh học
Xử lý: Thanh Hà



Tags:
Tin liên quan