Tăng cường liên kết đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn & vi mạch giữa Viện Khoa học vật liệu với Trường Đại học Điện lực

13/05/2025
Trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những công nghệ như 5G, IA, IoT, điện toán đám mây và đặc biệt là công nghệ bán dẫn và vi mạch đã và đang trở thành nền tảng then chốt trong mọi ngành nghề, do đó việc đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn nói chung và điện tử, kỹ thuật máy tính nói riêng đã trở thành nhu cầu cấp thiết. Nhằm tăng cường liên kết đào tạo và nghiên cứu đặc biệt là trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn và vi mạch, ngày 12/5/2025 tại Hà Nội, Viện Khoa học vật liệu – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký kết Biên bản nghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Điện lực.

Tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác có GS.TS. Trần Đại Lâm – Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS. Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực; Đại diện Lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp (gồm VNPT Technology, Ban Công nghệ Bán dẫn Viettel, FPT Telecom, Công ty dịch vụ MobiFone khu vục 1, Công ty Pavana); cùng với sự tham dự của Ban giám hiệu Trường Đại học Điện lực, các nhà khoa học Viện Khoa học vật liệu, các giảng viên, chuyên gia và sinh viên Khoa Điện tử - Viễn thông thuộc Trường Đại học Điện lực.


PGS.TS. Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc tại buổi ký kết, PGS.TS. Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, Trường Đại học Điện lực luôn chủ động phát triển quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số trong giáo dục, mở rộng các chương trình đào tạo gắn với các công nghệ cốt lõi, trong đó Khoa Điện tử - Viễn thông là một trong những đơn vị tiên phong với các ngành trọng điểm là Vật liệu bán dẫn & Vi mạch, Điện tử Viễn thông và Kỹ thuật máy tính. Hiệu trưởng Đinh Văn Châu nhấn mạnh: “Không một cơ sở giáo dục đào tạo nào có thể phát triển bền vững nếu đứng ngoài các mối liên kết với doanh nghiệp, viện nghiên cứu và xã hội”. Thông qua các biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp và viện nghiên cứu, Trường Đại học Điện lực xác định các nội dung cốt lõi gồm: Phối hợp xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, cập nhật công nghệ mới; Hỗ trợ sinh viên thực tập, trải nghiệm doanh nghiệp, định hướng nghề nghiệp; Tổ chức các hoạt động nghiên cứu – phát triển – chuyển giao công nghệ, hợp tác triển khai các nhiệm vụ KHCN; Tham gia tư vấn, giảng dạy, đào tạo ngắn hạn và nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên và sinh viên; Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giữa Trường – Doanh nghiệp – Viện nghiên cứu.


Đại diện lãnh đạo Viện Khoa học vật liệu và Trường Đại học Điện lực ký kết Biên Bản ghi nhớ hợp tác


Đại diện lãnh đạo Viện Khoa học vật liệu và Trường Đại học Điện lực và các doanh nghiệp gồm VNPT Technology, Ban Công nghệ Bán dẫn Viettel, FPT Telecom, Công ty dịch vụ MobiFone khu vục 1, Công ty Pavana ký kết Biên Bản ghi nhớ hợp tác

Tại buổi ký kết, GS. TS. Trần Đại Lâm – Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu cho biết, Viện Khoa học vật liệu là một trong những Viện chuyên ngành dẫn đầu cả nước về lĩnh vực khoa học, công nghệ vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Viện cũng là cơ sở đào tạo sau đại học chất lượng cao với số lượng trung bình 50 NCS làm việc thường xuyên tại Viện và hàng chục lượt học viên cao học đến học tập và làm luận văn tốt nghiệp hàng năm. Các cán bộ nghiên cứu của Viện cũng đang là giảng viên thỉnh giảng tại các trường Đại học lớn ở Việt Nam như ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, Học viện Khoa học và Công nghệ, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà nội (USTH),…


GS. TS. Trần Đại Lâm – Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu phát biểu

Trong khuôn khổ hợp tác với Trường Đại học Điện lực, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo sinh viên bán dẫn cho ngành Điện tử - Viễn thông, Viện Khoa học Vật liệu sẽ tham gia đóng góp vào một số công việc có thế mạnh gồm:

  • Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm: Viện có nhiều nhà khoa học có kiến thức và được đào tạo về  lĩnh vực bán dẫn và một số lĩnh vực mà Trường đang đào tạo, sẵn sàng tham gia vào quá trình giảng dạy, hướng dẫn NCS, ThS và sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu liên quan đến vật liệu bán dẫn và công nghệ bán dẫn; hỗ trợ các giảng viên, cán bộ trẻ của trường tham gia trực tiếp vào các hướng nghiên cứu, PTN của Viện.
  • Hỗ trợ cơ sở vật chất cho đào tạo và NCKH: Viện sẽ tạo điều kiện để sinh viên Trường Đại học Điện lực có cơ hội thực tập, nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của Viện, tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại. Các cán bộ giảng dạy của Trường tham gia hợp tác nghiên cứu tiếp cận các thiết bị NC của Viện.
  • Thúc đẩy các dự án nghiên cứu chung: Viện sẽ phối hợp với các giảng viên, cán bộ trẻ, NCS và sinh viên của Trường Đại học Điện lực triển khai các dự án nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực bán dẫn nói riêng cũng như các lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật điện mà Viện có thế mạnh, góp phần giải quyết các bài toán thực tế của ngành.
  • Đẩy mạnh công bố khoa học: Viện sẽ hỗ trợ trường đẩy mạnh công bố quốc tế (cả về chất lượng, số lượng công trình công bố); cũng như đăng ký SHTT (sáng chế, GPHI).

 Minh Tâm

 

 



Tags:
Tin liên quan