Tăng cường hợp tác về nghiên cứu biển với Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga

23/10/2013
Phân Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga (FEBRAS) luôn luôn là đối tác quan trọng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhiều chương trình nghiên cứu chung đặc biệt là lĩnh vực khảo sát nghiên cứu biển đã được thực hiện. Khởi điểm chỉ là khách mời tham gia chuyến khảo sát biển đầu tiên trong quan hệ hợp tác với FEBRAS, đến nay VAST đã cử cán bộ khoa học và tham gia kinh phí cùng các nhà khoa học Nga thực hiện các chuyến khảo sát biển Việt Nam bằng tầu nghiên cứu khoa học của FEBRAS. Năm 2005, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) phối hợp với Viện Sinh hóa hữu cơ Thái Bình Dương thuộc Phân Viện Viễn Đông tiến hành khảo sát chung tại các vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam trên tầu “Viện sỹ Oparin” lần thứ 1. Năm 2007, Viện Hải dương học, VAST phối hợp với Viện Sinh hóa hữu cơ Thái Bình Dương thuộc Phân Viện Viễn Đông tiến hành khảo sát chung tại các vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam trên tầu “Viện sỹ Oparin” lần thứ 2. Năm 2010, Viện Hóa học các hợp chất tự nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Viện Sinh hóa hữu cơ Thái Bình Dương thuộc Phân Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga tiến hành khảo sát tại các vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam trên tầu “Viện sỹ Oparin”.
 viendong1 viendong2
Chuyến khảo sát chung VAST-FEBRAS
từ 19/4-8/6 năm 2013 bẵng tầu Viện sĩ Oparin
tại vùng biển Việt Nam
 
Hội thảo quốc tế lần thứ II
về nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam, 2013  

Qua ba chuyến khảo sát trên tàu “Viện sĩ Oparin” về lĩnh vực hóa sinh và đa dạng sinh học biển đã thu được nhiều kết quả quan trọng, nhiều loài sinh vật mới, nhiều hợp chất hóa học mới từ sinh vật biển Việt Nam đã được xác định, nhiều công trình khoa học đồng tác giả của các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga có giá trị khoa học cao đã được công bố. 

Để bổ sung những thông tin cần thiết cũng như điều tra toàn diện đa dạng sinh học và hóa sinh của Biển Đông bao gồm cả nghiên cứu về quần xã rạn san hô, cũng như thu thập và xác định các loài rong biển, sinh vật và vi sinh vật biển để tìm kiếm các nguồn lợi sinh vật biển mới, các chất có hoạt tính sinh học mới. Cập nhật những số liệu về tài nguyên sinh vật biển Việt Nam, phát triển hướng nghiên cứu về khoa học và công nghệ biển và đào tạo cán bộ nghiên cứu cho Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Phân Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã thực hiện chuyến khảo sát thứ 4 từ 19/4 - 8/6 năm 2013 tại các vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam trên tầu “Viện sỹ Oparin”. Tham gia chuyến khảo sát có 32 thủy thủ cùng 33 nhà khoa học (gồm 21 nhà khoa học Nga đến từ 3 Viện thuộc Phân viện Viễn Đông và 12 nhà khoa học Việt Nam đến từ 5 viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong các chuyến khảo sát cũng như đề xuất hợp tác mới giữa các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga trong nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Biển Đông nói riêng và Thái Bình Dương nói chung bao gồm sinh học, thủy sinh, hóa sinh và vi sinh vật biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Phân Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã đồng tổ chức “Hội thảo quốc tế lần thứ I về nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam”, trong khuôn khổ Dự án “Điều tra nghiên cứu tổng hợp phục vụ khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lợi sinh học biển, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái trên vùng thềm lục địa Việt Nam” (dự án số 19, tiểu dự án 1) thuộc Chương trình hợp tác quốc tế “Điều tra, khảo sát tài nguyên môi trường Biển Đông giữa Việt Nam và các nước” (Đề án 47) và “Hội thảo Quốc tế lần thứ II về nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Nhiệm vụ hợp tác quốc tế “Nghiên cứu đa dạng sinh học và hóa sinh trong chuyến khảo sát chung Việt Nam – Liên bang Nga lần thứ 4 trên tàu nghiên cứu “Viện sĩ Oparin” trong vùng biển Việt Nam” giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Phân Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Đặc biệt, lần khảo sát thứ 4 đã thu được 448 loài động vật không xương sống, 20 loài tảo, 204 loài thân mềm, chụp 1500 ảnh về sinh cảnh các quần xã san hô và đã xác định được 113 mẫu dịch chiết có hoạt tính kháng tan huyết, 147 mẫu có hoạt tính kháng tế bào ung thư, 72 mẫu có hoạt tính điều hòa miễn dịch và 84 mẫu có hoạt tính kháng vi sinh vật,… Thông qua hội thảo, các nhà khoa học của VAST và FEBRAS đã trao đổi các kết quả khoa học thu được từ các chuyến khảo sát và đề xuất các ý tưởng mới.

Lực lượng nghiên cứu cũng như phương tiện phục vụ nghiên cứu cho ngành khoa học biển của Việt Nam còn non trẻ, để tăng cường hợp tác nghiên cứu biển cũng như điều tra toàn diện về nguồn tài nguyên của Biển Đông (bao gồm cả nghiên cứu về sinh học, hóa học, địa lý địa chất biển và hải dương học), trong chuyến thăm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tháng 2/2013 của Chủ tịch Phân viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, hai bên đã thảo luận và đi đến kết luận “Cần có một tầu nghiên cứu của Phân viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga thường trực liên tục ở Nha Trang để tăng số chuyến nghiên cứu khảo sát biển của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Phân viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga” (3-4 chuyến/năm, thay cho các chuyến khảo sát chung bằng tầu Oparin 2 năm/lần).

Để sớm triển khai những kết quả đàm phán này, Viện HLKHCNVN đã thành lập tổ công tác đàm phán với Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga để lựa chọn tầu nghiên cứu của FEBRAS đưa vào thường trực tại Việt Nam và xây dựng đề cương dự án đưa tầu nghiên cứu khoa học của FEBRAS vào thường trực tại Nha Trang trình thủ tướng chính phủ Việt Nam xin phê duyệt. Ngày 8/10/2013 – 12/10/2013, Đoàn công tác liên bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ tài chính) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do GS. Nguyễn Đình Công phó chủ tịch VAST dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với FEBRAS. Tại cuộc họp ngày 9/10/2013, hai bên nhất trí sẽ ký kết một bản thỏa thuận hợp tác lâu dài về nghiên cứu biển, trong đó ưu tiên hoạt động đưa tầu BOGOROV của FEBRAS vào thường trực tại cảng Nha Trang để phụ vụ nghiên cứu và đào tạo cán bộ Việt Nam về lĩnh vực nghiên cứu biển.

 viendong3 viendong4
Đoàn Viện HLKHCNVN, Bộ KHCN,
Bộ tài chính 
thăm và làm việc với
FEBRAS, 2013 
Thăm và khảo sát tiện nghi, phòng thí nghiệm
và khả  năng hoạt động của tầu BOGOROV

Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn VAST đã đến làm việc với Viện Sinh học biển, Viện Sinh hóa hữu cơ Thái Bình Dương và Viện Hải dương học Thái Bình Dương của FEBRAS. Chiều ngày 11/10/2013, hai bên đã thống nhất và ký kết các văn bản liên quan đến việc đưa tầu BOGOROV vào Việt Nam, thống nhất các nhiệm vụ hợp tác song phương về nghiên cứu biển sẽ đưa vào thực hiện trong giai đoạn 2014-2015 và xác định những hướng nghiên cứu biển sẽ được ưu tiên cho các dự án giai đoạn 2015-2016. 

Phân Viện Viễn đông,Viện Hàn lâm Khoa học Nga là tổ chức khoa học có cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu tốt, có đội ngũ cán bộ nghiên cứu về sinh học biển, sinh hóa biển, nghiên cứu về hải dương đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu thủy âm học rất mạnh. Việc xây dựng kế hoạch đưa tầu BOGOROV vào thường trưc ở Việt Nam phục vụ các nghiên cứu về sinh học, hóa học và hải dương học cũng như tăng cường các dự án nghiên cứu song phương giữa VAST và FEBRAS không chỉ cùng nhau khám phá những vấn đề mới trong khoa học mà còn góp phần đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ khoa học trẻ của VAST về nghiên cứu biển.

Tin: Trần Thị Võ Quyên, Ban Hợp tác quốc tế



Tags:
Tin liên quan