Tăng cường hợp tác giữa Viện HLKHCNVN và Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế ABDUS SALAM

21/10/2013
Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế Abdus Salam (ICTP) là một Trung tâm nghiên cứu về vật lý và toán học do nhà Vật lý lý thuyết đoạt giải Nobel - Abdus Salam sáng lập năm 1964, nhằm cung cấp cho các nhà khoa học ở các nước đang phát triển những kỹ năng và cơ hội đào tạo. ICTP như một lực lượng chính trong việc ngăn chặn sự chảy máu chất xám khoa học từ các nước đang phát triển. 

Việt Nam là một trong các nước đang phát triển ở Châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng tham gia tích cực các hoạt động khoa học tại ICTP. Trong giai đoạn 1970-2011 đã có 1123 nhà khoa học Việt Nam đến tham dự các hoạt động khoa học khác nhau tại ICTP (nữ chiếm khoảng 21%) và có khoảng trên 70 nhà khoa học của Việt Nam là cộng tác viên của ICTP (theo con số thống kê của ICTP). Có thể nói ICTP đã tiếp sức giúp đỡ nhiều nhà khoa học trẻ của Việt Nam phát triển và duy trì sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình.

salam1salam2
Biểu đồ số lượng cán bộ khoa học Việt Nam tham dự các hoạt động khoa học tại ICTP (màu đỏ là số lượng nữ)GS. Abdus Salam, Giám đốc ICTP, nhà Vật lý đoạt giải Nobel trao giải thưởng ICTP năm 1991 cho TSKH. Lê Hồng Vân, Việt Nam 

Nhiều cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đặc biệt là các giáo sư đầu ngành như GS. Nguyễn Văn Hiệu, GS. Nguyễn Văn Đạo, GS. Đào Vọng Đức, GS. Hà Huy Khoái, GS. Ngô Việt Trung, GS. Lê Tuấn Hoa đã tích cực tham dự nhiều hoạt động của ICTP. Một trong những đóng góp đáng kể của ICTP đối với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là sự hỗ trợ về tài chính cho nhiều hoạt động khoa học tại Việt Nam như hội nghị, lớp học quốc tế do các Viện chuyên ngành đồng tổ chức, đặc biệt ICTP thường xuyên hỗ trợ tài chính cho Lớp học Vật lý Việt Nam (Vietnam School of Physics – VSOP do Viện Vật lý và Rencontre du Vietnam tổ chức). ICTP đã hợp tác với các viện chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam như Viện Khoa học vật liệu, Viện Toán học, Viện Vật lý tổ chức các lớp học ICTP tại Việt Nam trong các năm 1998, 2006, 2009 với các chủ đề “Các hệ xử lý thời gian thực trong vật lý dựa trên bộ vi xử lý: Lý thuyết và ứng dụng - South-East Asian Regional College on Microprocessor-Based Real-Time Systems in Physics - Theory and Applications, Hanoi,1998”, “Polynomial Automorphisms and Related Topics, Hanoi, 2006”, “Theoretical and Computational Aspects, Hanoi, 2009”.

salam3
Lớp học trong vùng về Vật lý nano tại Hà Nội, 2009

Từ năm 1996-2011, tổng số tiền ICTP chi hỗ trợ cho tất cả các hoạt động khoa học tham dự của Việt Nam là 1.922.500 Euro (trung bình trên 120.000 Euro/1 năm – theo thống kê của ICTP).

salam4 

Nhằm tăng cường và hợp tác hiệu quả hơn nữa với ICTP, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những cán bộ khoa học trẻ của Việt Nam chưa có cơ hội học tập nghiên cứu ở nước ngoài, tháng 3 năm 2013, GS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Giám đốc ICTP GS. Fernando Quevedo đã ký Bản ghi nhớ hợp tác, trong đó hai bên cam kết sẽ cùng nhau tổ chức các lớp học khu vực định kỳ tại Việt Nam theo các chủ đề về toán, lý, năng lượng, khoa học trái đất,… kinh phí tổ chức lớp học do ICTP và Viện Hàn lâm KHCNVN tài trợ ngoài ra còn có sự hỗ trợ kinh phí từ Trung tâm Vật lý lý thuyết Châu Á - Thái Bình Dương (APCTP). 

Lớp học vật lý lý thuyết đầu tiên của chương trình ký kết mới này là “Các pha tô pô và tính toán lượng tử” (Joint ICTP-VAST-APCTP Regional School in Theoretical Physics in Topological Phases and Quantum Computation - thông tin chi tiết xem tại đây - http://www.iop.vast.ac.vn/theor/conferences/smr2518/) sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ 09 - 13/12/2013 và Hội nghị khoa học từ 16 - 20/12/2013.

Lớp học này dành riêng cho lĩnh vực nghiên cứu nổi bật trên thế giới về các pha tô pô trong vật lý chất rắn. Các chủ đề của lớp học bao phủ từ những lĩnh vực cơ bản nhất của vật lý lượng tử về các vật chất cho tới những khám phá hiệu ứng tô pô trong các vật chất và ứng dụng của chúng trong lĩnh vực tính toán lượng tử. Lớp học này là cơ hội lý tưởng cho các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các nhà nghiên cứu trẻ từ Việt Nam, Lào, Campuchia và các nước Đông Nam Á khác học hỏi những kiến thức cơ bản về lĩnh vực phát triển nổi bật hiện nay trong lĩnh vực vật lý lượng tử về các vật chất từ những chuyên gia hàng đầu của thế giới. Lớp học còn là nơi để các nhà nghiên cứu Việt Nam gặp gỡ, trao đổi khoa học với những nhà nghiên cứu vật lý trên thế giới, cũng như cơ hội hợp tác nghiên cứu và hội nhập với nền khoa học thế giới. Lớp học cũng là nơi có thể tìm hiểu về nền giáo dục khoa học tiên tiến trên thế giới, cũng như tiếp xúc tìm hiểu điều kiện học tập, nghiên cứu, học bổng du học ở các quốc gia phát triển từ các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới.

Để duy trì các lớp học thường niên, hiện nay Viện Hàn lâm KHCNVN đã trao đổi và thống nhất với ICTP về chủ đề của lớp học tiếp theo tập trung vào lĩnh vực vật lý địa cầu “Địa động lực phi tuyến” sẽ được tổ chức vào tháng 11/2015. Nội dung chính của lớp học: sử dụng công nghệ GPS nghiên cứu chuyển động hiện đại vỏ trái đất; cơ cấu chấn tiêu động đất; địa động lực hiện đại, hoạt động kiến tạo,...

Là nước đang phát triển, Việt Nam cần hợp tác và tận dụng tối đa sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế đại diện cho thế giới thứ ba trong lĩnh vực khoa học cơ bản, trong đó ICTP là một Trung tâm khoa học quốc tế có môi trường nghiên cứu khoa học tiên tiến, cũng như Trung tâm Vật lý lý thuyết Châu Á - Thái Bình Dương (APCTP). Trong giai đoạn tới đây, để tăng cường hợp tác với ICTP, VAST sẽ trao đổi và tích cực đàm phán với ICTP xây dựng một chi nhánh khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam, giống như ICTP đã mở chi nhánh tại Brazil cho khu vực Nam Mỹ.

Tin: Đinh Thành Trung - Ban Hợp tác quốc tế



Tags:
Tin liên quan