Tác dụng kháng viêm của rễ cây Bá bệnh (Eurycoma longifolia Jack)

02/01/2020
Viêm được coi như một cơ chế phòng vệ sinh lý chủ yếu, giúp cơ thể tự bảo vệ chống lại nhiễm trùng, bỏng, hóa chất độc hại, chất gây dị ứng hoặc kích thích độc hại khác. Viêm không kiểm soát được có thể như một yếu tố dẫn đến các bệnh mãn tính. Hiện nay đã có một số loại thuốc kháng viêm giảm đau là các thuốc thuộc dòng nacotics, corticosteroid và các thuốc không thuộc dòng steroid, tuy nhiên hầu hết những loại thuốc này đều có tác dụng phụ.

Cây Bá bệnh (Eurycoma longifolia Jack) hay còn được gọi là cây hậu phác, tho nan, sâm Alipas… thuộc họ Thanh thất Simaroubaceae. Loại cây này mọc ở khắp nước ta nhưng phổ biến nhất ở miền Trung, Tây Nguyên, Tây Ninh… Ở Malaysia và Indonesia, cây này là một dược liệu quý với tên gọi phổ biến là Tongkat Ali. Người ta dùng quả, vỏ thân hoặc vỏ rễ phơi hay sấy khô làm thuốc. Theo Đông y, cây có vị đắng, tính ấm, dùng chữa nhiều bệnh như: ăn không tiêu, tiêu chảy, nôn mửa, kiết lỵ, ghẻ lở, mụn nhọt, đau mỏi lưng.

Qua những công trình nghiên cứu gần đây, nhiều hợp chất từ cây Bá bệnh đã được phân lập. Thành phần hóa học của cây vô cùng phong phú và đa dạng, bao gồm các hợp chất thuộc nhóm diterpenoid, triterpen với ba khung cơ bản: quassinoid, aquallan, tirucallan và các alkaloid, steroid, flavon. Trong đó lớp chất quassinoid, alkaloid đóng vai trò sinh học chủ yếu của cây Bá bệnh. Các nghiên cứu chỉ ra các tác dụng đa dạng như: chống ký sinh trùng sốt rét, gây độc tế bào, tăng cường sinh dục, chống tiểu đường, chống viêm và phòng ngừa loãng xương. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã phát triển nhiều sản phẩm từ cây Bá bệnh, chủ yếu tập trung vào các chế phẩm có tác dụng tăng cường sinh dục, bổ dưỡng. Tuy nhiên cho đến nay tác dụng chống viêm của loài cây này chưa được chú ý nhiều.

Mới đây các nhà khoa học của Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu về tác dụng chống viêm từ cây Bá bệnh trong kết quả của đề tài: “Nghiên cứu phân lập nhóm hoạt chất alkaloid từ cây Bá bệnh (Eurycoma longifolia) và đánh giá tác dụng kháng viêm trên in vitro và in vivo” - Mã số VAST04.03/17-18 do TS. Nguyễn Hải Đăng làm chủ nhiệm, từ năm 2017 đến 2018. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm KHCNVN đánh giá xếp loại Xuất sắc ngày 08/08/2019.

Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã phân lập và xác định cấu trúc của 19 hợp chất từ rễ cây Bá bệnh, trong đó có 10 hợp chất thuộc khung alkaloid, 06 hợp chất quassinoid, 03 hợp chất phenolic, đặc biệt trong đó có 4 hợp chất mới gồm eurycomalide F, G, H và eurylongilactone A.

T8.nhdang1
Hình 1. Cấu trúc các hợp chất alkaloid phân lập từ rễ cây Bá bệnh

T8.nhdang2
Hình 2. Cấu trúc các hợp chất không alkaloid phân lập từ rễ cây Bá bệnh

Về hoạt tính sinh học, đề tài đã đánh giá hoạt tính kháng viêm in vitro và in vivo các mẫu cặn chiết tổng, chiết phân đoạn và các hợp chất phân lập từ rễ cây Bá bệnh. Cặn chiết giàu alkaloid ELA có tác dụng ức chế sản sinh NO rất tốt với IC50=28,18 µg/mL. Thử nghiệm trên các đích sinh học phân tử xác nhận ELA ức chế hiệu quả biểu hiện của 2 enzyme liên quan đến quá trình viêm là iNOS và COX-2 ở nồng độ thử nghiệm từ 50-150 µg/mL. Kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy cặn chiết ELA ở liều lượng 50 và 100 mg/kg thể trọng có tác dụng ngăn ngừa khả năng chuột bị chết do shock nhiễm trùng khi tiêm LPS. Hiệu quả kháng viêm trên mô hình chuột bị gây viêm bởi carragenan của ELA ở nồng độ 250 mg/kg thể trọng cũng được chứng minh.

Các hợp chất 9,10-dimethoxycanthin-6-one (EL3), eurylongilactone A (EL16) và ethyl ferulate (EL19) có hoạt động ức chế sự sản sinh NO ấn tượng với giá trị IC50 lần lượt là 23,11, 3,03 và 3,56 µM. Hợp chất EL3 phân lập với hàm lượng lớn được lựa chọn đánh giá hiệu quả trên các đích sinh học phân tử. Kết quả chỉ ra rằng EL3 có hiệu quả ức chế biểu hiện của 2 enzyme iNOS và COX-2.

T8.nhdang3
Hình 3. Ảnh hưởng của hợp chất EL3 ở nồng độ 1 µM, 3 µM, 10 µM đến các biểu hiện của protein iNOS, COX-2 trên dòng tế bào RAW264.7 được kích thích bằng LPS

Ngoài các kết quả trên, đề tài đã công bố 3 công trình khoa học, trong đó có 2 bài báo quốc tế thuộc danh mục SCIE và 1 bài báo trong nước, góp phần đào tạo 02 Thạc sỹ thuộc lĩnh vực nghiên cứu.

Một số bài báo cụ thể:

  1. Lê Thanh Liêm, Đào Thị Thanh Hiền, Phạm Thanh Bình, Phạm Văn Cường, Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Hải Đăng, Khảo sát hoạt tính kháng viêm in vitro của các hợp chất alkaloid từ rễ cây Bá bệnh (Eurycoma longifolia Jack). Tạp chí Dược học, 58(510), 7-12, 2018.
  2. Dao Thi Thanh Hien, Tran Phi Long, Tran Phuong Thao, Jeong-Hyung Lee, Duong Thu Trang, Nguyen Thi Thu Minh, Pham Van Cuong, Do Thi Ngoc Lan, Nguyen Hai Dang, Nguyen Tien Dat, Anti-inflammatory effects of alkaloid enriched extract from roots of Eurycoma longifolia Jack, Asian Pacific Journal of Tropical Biomedicine, 9(1), 18-23, 2019.
  3. Nguyen Hai Dang, Do Thi Ngoc Lan, Nguyen Thi Thu Minh, Nguyen Duy Khanh, Duong Thu Trang, Pham Van Cuong, Nguyen Tuan Hiep, Vu Duc Nam, Nguyen Quang Trung and Nguyen Tien Dat, Quassinoids and Alkaloids from the Roots of Eurycoma longifolia. Natural Product Comunications, 1-4, May 2019 (online). Doi: 10.1177/1934578X19850695
  4. Nguyen Minh Chau, Ha Manh Tuan, Tran Manh Hung, Nguyen Tien Dat, Nguyen Hai Dang, Anti-inflammatory Constituents from Eurycoma longifolia Roots., Letters in Organic Chemistry, 2019 (Đã gửi đăng).

Nguồn tin: TS. Nguyễn Hải Đăng - Viện Hóa Sinh biển
Xử lý tin: Minh Tâm - Mỹ Hải



Tags:
Tin liên quan