Quy trình chiết xuất hỗn hợp hoạt chất chống oxy hóa từ loài nhím biển

23/03/2023
Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích (GPHI) số 3046 “Quy trình chiết xuất hỗn hợp hoạt chất chống oxy hóa từ loài nhím biển” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho PGS.TS. Bùi Minh Lý và các cộng sự Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, Viện Hàn lâm KHCNVN và cộng sự Viện Hoá sinh hữu cơ Thái Bình Dương G.B. Elyakov - Phân viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga ngày 29/12/2022. GPHI đề cập đến quy trình chiết xuất hỗn hợp hoạt chất chống oxy hóa từ loài nhím biển, nhằm sản xuất hoạt chất màu quinonoid để làm thực phẩm chức năng và dược liệu.

Nhím biển thuộc ngành Echinodermata, lớp Echinoidea. Nhím là nguồn các chất có hoạt tính sinh học độc đáo và một trong những hợp chất này là chất màu quinonoid được chứa trong vỏ và gai của nhím biển. Chất màu quinonoid như echinochrom А (Ech A), spinochrom (Sp E, Sp D, Sp A, Sp С) và binaptoquinon BiNQ-1, BiNQ-2, có khả năng thể hiện rõ các tính chất chống oxy hóa, là thành phần quý hiếm quan trọng có mặt trong vỏ và gai của loài nhím biển. Khác với các chất chống oxy hóa nội sinh như vitamin E và ubiquinon, quinonoid có khả năng vô hiệu hóa tác dụng của các tác nhân khơi mào quá trình oxy hóa phi-enzym của các lipit màng tế bào, cụ thể là các cation sắt tích tụ trong mô đã bị tổn thương do đột quỵ. Tính chất đặc thù về cơ chế tác dụng của các quinonoid đã làm nổi bật vai trò của chúng như một chất chống oxy hóa tự nhiên hàng đầu và mở ra triển vọng sử dụng chúng làm chất phụ gia thực phẩm và dược phẩm hoạt tính cao cũng như sản xuất các chế phẩm chữa bệnh thế hệ mới.

Tất cả khuyết tật xuất hiện trong cơ thể con người như các quá trình lão hóa cơ thể, đục nhãn tinh thể, huyết khối, nhồi máu cơ tim và các bệnh khác đều có liên quan tới sự hiện diện của các dạng oxy hoạt động (ROS, reactive oxygen species). Không có sự tồn tại hay cơ thể khỏe mạnh nếu không có hệ thống sinh học bảo vệ tốt bằng chất chống oxy hóa.

Tuy nhiên, tại Việt Nam một số loài phân bố phổ biến như Echinothrix calamaris, Echinothrix sp, Diadema setosum, Tripneustes gratilla đều có chứa chất màu echinochrome A (Ech A), spinochrome A (Sp A), B (Sp B), C (Sp C), D (Sp D), E (Sp E) và các binaphthoquinone (BiNQ-1, BiNQ-2) và phần vỏ và gai nhím biển chiếm từ 40-70 % khối lượng của nhím biển bị loại bỏ của nhím biển gây lãng phí về kinh tế.

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đã tìm thấy được tiềm năng lớn từ nguồn chất chống oxi hóa tự nhiên quinonoid và nguồn nguyên liệu nhím biển dồi dào. Vì vậy, GPHI đã đề xuất quy trình chiết tách chất chống oxi hóa quinonoid bằng Etanol và axít H2SO4 từ đối tượng nhím biển.

 
Tripneustes gratilla
 
Vị trí thu mẫu các loài cầu gai tại Khánh Hòa

GPHI trên thuộc kết quả nghiên cứu trong đề tài “Nghiên cứu ứng dụng nhóm hoạt chất tự nhiên quinonoid từ vỏ cầu gai Khánh Hòa định hướng tạo chế phẩm mỹ phẩm”, mã số VAST06.01/19-20, đã được nghiệm thu đạt Xuất sắc. Đề tài được thực hiện từ năm 2019 đến 2020, kết quả của đề tài cũng đã mở ra nhiều triển vọng trong việc nghiên cứu ứng dụng chất màu quinonoid vào đời sống.


Sản phẩm mỹ phẩm đề tài, mã số VAST06.01/19-20

 

Nguồn tin: Võ Mai Như Hiếu - Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang
Xử lý tin: Minh Tâm

 

 

 

 

 

 

 

 



Tags:
Tin liên quan