Phòng trừ ve sầu hại cà phê bằng chế phẩm sinh học chứa tuyến trùng Steinernema phuquocense n. sp. S-PQ16

15/11/2022
Bằng độc quyền sáng chế số 1-0028190 “Phương pháp phòng trừ ve sầu hại cà phê bằng chế phẩm sinh học chứa tuyến trùng Steinernema phuquocense n. sp. S-PQ16” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho GS.TS. Nguyễn Ngọc Châu và các cộng sự Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KHCNVN ngày 25/05/2021. Sáng chế thuộc lĩnh vực bảo vệ thực vật, đề cập đến chế phẩm sinh học phòng trừ ve sầu hại cà phê, quy trình sản xuất chế phẩm này và phương pháp phòng trừ ve sầu hại cà phê bằng chế phẩm sinh học chứa tuyến trùng Steinernema phuquocense n. sp. S-PQ16.

Do các loại hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe con người nên nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang chuyển dần sang sử dụng các biện pháp sinh học trong bảo vệ thực vật. Một trong các phương pháp đó là sử dụng tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng (Entomopathogenic Nematodes – viết tắt là EPN).

Ở Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là đơn vị đầu tiên nghiên cứu và sử dụng tuyến trùng EPN để phòng trừ sâu hại trong nông nghiệp. Trong những năm qua, sau khi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và ngoài đồng ruộng tại một số địa phương cho kết quả tốt, Viện đã bắt đầu chuyển giao công nghệ sản xuất cho một số đơn vị.

Các chế phẩm sinh học tuyến trùng rất thích hợp cho việc phòng trừ sâu hại trong đất, mà 85% các loài côn trùng có ít nhất một giai đoạn tồn tại, phát triển trong đất. Tuy nhiên, khả năng diệt sâu hại sống trên lá vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn như để diệt sâu keo da láng hại nho ở Ninh Thuận, phải phối chế tuyến trùng với gỉ đường để tạo độ ẩm và bám dính cho tuyến trùng tồn tại và diệt sâu hại. Cho đến nay chưa có loại chế phẩm sinh học tuyến trùng nào được sản xuất mà có khả năng phòng trừ hữu hiệu ve sầu hại cây cà phê. Do đó, vẫn có nhu cầu về chế phẩm và phương pháp hiệu quả và thân thiện môi trường có khả năng phòng trừ hữu hiệu ve sầu hại cây cà phê.

Sáng chế “Phương pháp phòng trừ ve sầu hại cà phê bằng chế phẩm sinh học chứa tuyến trùng Steinernema phuquocense n. sp. S-PQ16” đã đề cập đến phương pháp phòng trừ ve sầu hại cà phê bằng chế phẩm sinh học chứa tuyến trùng Steinernema phuquocense n. sp. S-PQ16. Trong đó, tuyến trùng S-PQ16 này là chủng tuyến trùng do Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phân lập và lưu giữ.

Sáng chế đề xuất chế phẩm sinh học phòng trừ ve sầu hại cà phê bằng chủng tuyến trùng mới được ký hiệu là SPQ16 và được định loại là tuyến trùng mới có tên khoa học là Steinernema phuquocense n. sp. Mã đăng nhập đoạn gen đặc trưng của loài mới tại Ngân hàng Gen quốc tế (GenBank) là KX405172 (vùng ITS-rADN) và KX405173 (vùng 28S). Chế phẩm sinh học chứa tuyến trùng S-PQ16 có thành phần tính trên 1000mL nước sạch trung tính chứa 20.000.000 ấu trùng cảm nhiễm (IJ), 1mL chất phụ gia bôi trơn Triton X-100 và 1mL chất kháng khuẩn formalin. Chế phẩm này có khả năng tiêu diệt ve sầu hại cà phê và một số sâu hại khác. Có thể áp dụng công nghệ invivo dùng ấu trùng bướm sáp lớn (Galleria mellonella) hoặc dế nhà (Acheta domestic) hoặc công nghệ invitro dùng môi trường nhân tạo là chicken offal để sản xuất ra chế phẩm sinh học tuyến trùng S-PQ16 phục vụ cho phòng trừ sinh học ở quy mô khác nhau.

Sáng chế cũng đề xuất phương pháp phòng trừ ve sầu hại cà phê bằng chế phẩm sinh học chứa tuyến trùng S-PQ16 bao gồm bước sử dụng chế phẩm sinh học chứa tuyến trùng S-PQ16 lên vùng đất trồng cà phê nhiễm ve sầu. Thử nghiệm phun rải chế phẩm sinh học chứa tuyến trùng S-PQ16 trong đất nhiễm ve sầu để xác định hiệu lực phòng trừ cho thấy tuyến trùng S-PQ16 không chỉ có khả năng tiêu diệt ve sầu mà còn có khả năng tái sinh trong môi trường đất.

Tổng hợp: Thanh Hà



Tags:
Tin liên quan