Phó Chủ tịch Chu Hoàng Hà dẫn đoàn thăm và làm việc với Uỷ ban Quốc tế về Người mất tích tại Hà Lan
Đoàn tham gia chuỗi sự kiện trong nhiều ngày do Ủy ban Quốc tế về Người mất tích (ICMP) tại La Hay, Hà Lan để tìm hiểu các khó khăn trong việc quy tập mộ và công nghệ để định danh liệt sĩ tại Việt Nam, đồng thời tiếp nhận công nghệ ADN thế hệ mới gọi là MPS (massively parallel sequencing) để phát triển công nghệ đó vào việc định danh mẫu hài cốt. Công nghệ hiện nay đang được sử dụng tại các cơ sở giám định hài cốt liệt sĩ của Việt Nam là dựa vào chỉ thị trên chuỗi ADN của ty thể đã đem lại nhiều kết quả, nhưng hiệu quả chưa cao do các mẫu hài cốt trải qua thời gian đã bị phân huỷ nhiều, đồng thời chỉ thị ADN ty thể có nhiều hạn chế về khả năng trùng lặp ngẫu nhiên do đó cần phải kết hợp với các bằng chứng khác trong quá trình xác định danh tính liệt sĩ. MPS cho phép phân tích song song nhiều chỉ thị SNP (Single nucleotide polymorphism), sự biến thể của một base trên chuỗi ADN của nhân tế bào, và khi số lượng SNP đủ lớn, hồ sơ các chỉ thị này là duy nhất cho cá thể, giúp cho việc định danh mẫu không cần phải sử dụng các bằng chứng bổ sung khác. Lợi thế của việc sử dụng SNP là đoạn ADN được ngắm đến thường ngắn, giúp tăng đáng kể tỷ lệ thành công cho những mẫu bị hư hại nhiều.
Tại buổi hội thảo chính vào ngày 14/2 với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu di truyền Việt Nam và quốc tế, Phó Chủ tịch Chu Hoàng Hà chia sẻ về những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt: “Số lượng hài cốt chiến tranh còn phải nhận dạng lên đến hàng trăm ngàn, trong khi chất lượng mẫu thấp do lâu ngày bị phân huỷ, môi trường chôn cất không thuận lợi, đòi hỏi công nghệ giám định ADN hiện đại”. Ông đánh giá cao Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Chánh văn phòng của ông, ông Tim Rieser, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tài trợ và ICMP đã thực hiện dự án giúp phát triển và tối ưu hóa quy trình phân tích ADN tiên tiến phù hợp với những thách thức của Việt Nam. Năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ và dự án này cho thấy những bước tiến hợp tác đáng ghi nhận mà hai bên đã đạt được.
Bà Kathryne Bomberger, Tổng giám đốc ICMP, cũng cho biết: “Các thành phần khác nhau của Kế hoạch thực hiện và chuỗi sự kiện được tổ chức tại The Hague sẽ giúp thiết lập nền tảng vững chắc cho việc sử dụng các công nghệ giải trình tự ADN thế hệ tiếp theo để xác định hài cốt chiến tranh trên quy mô lớn…Thông qua sáng kiến này, ICMP hy vọng sẽ đóng góp có giá trị vào những nỗ lực đang được thực hiện bởi các cơ quan liên quan tại Việt Nam trong việc quy tập hài cốt chiến tranh chưa xác định được danh tính”. ICMP đã làm việc với VAST trong nhiều năm và đã ký một kế hoạch triển khai vào tháng 10 năm 2022 nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc xác định hài cốt chiến tranh. Điều này cũng một phần thực hiện Ý định của Bản ghi nhớ (MoI) được ký kết giữa USAID và Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam (VNOSMP, trực thuộc Bộ Ngoại giao) vào tháng 7/2020.
Sự kiện tuần này còn có sự tham gia của Tim Rieser, trợ lý cấp cao về chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, người ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng lại mối quan hệ Việt - Mỹ và giải quyết các di sản chiến tranh. Bà Thảo Griffiths, Ủy viên ICMP, chia sẻ “ICMP đã làm việc với USAID và các đối tác của USAID trong Chính phủ Việt Nam để xác định các lĩnh vực cụ thể mà ICMP có thể hỗ trợ có mục tiêu và hiệu quả”.
Cũng trong chuyến đi, Phó Chủ tịch cùng đoàn có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan. Tại đây Đại sứ Phạm Việt Anh chia sẻ rằng chuyến thăm của đoàn đánh dấu sự kiện đầu tiên trong nhiều sự kiện hợp tác trong năm 2023 nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Hà Lan và Việt Nam. Đại sứ đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ, chỉ ra những lợi thế trong việc hợp tác với Hà Lan, và mong muốn Đại sứ quán góp phần quy tụ các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài để hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ và kinh tế xã hội của nước nhà.
Sau chuỗi sự kiện với ICMP, đoàn đến thăm một đối tác quan trọng của họ là Viện Pháp Y Hà Lan (NFI). NFI giới thiệu hạ tầng hiện đại với rất nhiều trang thiết bị cho công nghệ ADN giúp việc định danh nhiều trường hợp khó.
Nguồn: TS. Nguyễn Hoàng Dương, Phó Trưởng Ban Hợp tác quốc tế
Xử lý tin: Mai Lan