Phát hiện nhựa trong bụng cá mập sống ở tầng đáy biển

28/08/2020
Những hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong ruột của nhiều con cá mập sống gần đáy biển ngoài khơi bờ biển Vương quốc Anh. Các nhà khoa học của Đại học Exeter đã nghiên cứu 4 loài cá mập demersal ( cá tầng đáy – là cá mập sống ở tầng dưới đáy biển). Trong số 46 con cá mập được kiểm tra, 67% có chứa trong cơ thể các hạt vi nhựa và các loại sợi nhân tạo khác. Tổng cộng 379 hạt đã được tìm thấy và – mặc dù chưa rõ các hạt này có tác động thế nào đến sức khỏe của cá mập – các nhà nghiên cứu cho biết nó làm nổi bật lên “bản chất phổ biến của ô nhiễm nhựa”.

Tác giả chính Kristian Parton, thuộc Trung tâm Sinh thái và Bảo tồn tại Cơ sở Exeter Penryn ở Cornwall, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra bằng chứng đầu tiên về hạt vi nhựa và chất gây ô nhiễm sợi do con người gây ra trong một loạt các loài cá mập tầng đáy biển bản địa ở Anh”.

Nhận xét về những nguồn có thể có của các hạt, ông cho biết thêm: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi không chỉ tìm thấy vi nhựa mà còn cả các hạt như xenlulo tổng hợp, thường được tìm thấy nhiều nhất trong hàng dệt may (bao gồm cả đồ vệ sinh dùng một lần như khẩu trang) và quần áo”.

“Khi quần áo được giặt sạch, các sợi nhỏ sẽ được giải phóng và chúng thường chảy vào các nguồn nước và ra biển. Khi xuống biển, các sợi nhỏ có thể nổi hoặc chìm xuống đáy, đó là nơi những con cá mập này sinh sống. Các chất xơ sau đó có thể được ăn vào qua thức ăn của cá mập, chủ yếu là động vật giáp xác, hoặc trực tiếp qua lớp trầm tích dưới đáy biển. Về các loại hạt vi nhựa khác mà chúng tôi tìm thấy, nhiều loại trong số này có thể đến từ dây câu hoặc lưới câu.”

Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Greeenpeace đã kiểm tra dạ dày và đường tiêu hóa của bốn loài: cá nhám mèo đốm, cá nhám dẹt, cá nhám gai và cá mập báo. Các loài này có thể được tìm thấy ở các độ sâu khác nhau từ 5-900m, nhưng thường sống và kiếm ăn ở gần đáy biển.
Mặc dù nghiên cứu dựa trên kích thước mẫu khiêm tốn, nhưng phát hiện cho thấy những con cá mập lớn hơn chứa nhiều hạt hơn. Không có sự khác biệt nào được tìm thấy dựa trên giới tính hoặc loài.

Nghiên cứu được thực hiện ở Cornwall, Vương quốc Anh, sử dụng những con cá mập được đánh bắt dưới dạng “bycatch” (đánh bắt một cách tình cờ) trong nghề đánh bắt cá dưới đáy biển, đánh bắt trong và xung quanh Đông Bắc Đại Tây Dương và Biển Celtic.

Giáo sư Tamara Galloway, đồng tác giả nghiên cứu, thuộc Viện Hệ thống Toàn cầu của Exeter, nói rằng: “Chúng tôi không mong đợi tìm thấy sợi nhỏ từ vải dệt ở nhiều loài cá mập bản địa của chúng tôi. Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hãy suy nghĩ trước khi chúng ta vứt đi thứ gì đó.”

Tiến sĩ Laura Foster, Trưởng Bộ phận Biển sạch tại Hiệp hội Bảo tồn Biển, cho biết thêm: “Nghiên cứu mới về loài cá mập mang tính biểu tượng trên khắp vương quốc Anh cho thấy mức độ ăn phải hạt vi nhựa cao, với 95% chất gây ô nhiễm được tìm thấy là dạng sợi.”

Nguồn tin: ScienceDaily
Xử lý tin: Phương Hà


Tags:
Tin liên quan