Phát hiện chất khí gây ô nhiễm tại gia đình

14/02/2011
Làm thế nào có thể phát hiện các chất khí có hại bằng một thiết bị giản đơn? Gần đây các nhà nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm Laboratoire Francis-Perrin ở Saclay đã sáng chế thiết bị cảm biến với độ nhạy cao, dễ sử dụng. Thiết bị này có thể thay đổi hẳn các phương pháp kỹ thuật xưa nay. Bắt đầu từ năm 2012, các nhà nghiên cứu sẽ thương mại hoá sản phẩm này với nhãn hiệu Ethera (tên một công ty mới thành lập gần đây, đã giành giải thưởng Quốc gia Pháp năm 2010). Thiết bị cảm biến Ethera hiển thị bằng cách thay đổi màu sắc, ngay khi xuất hiện chỉ một vài micrôgram phân tử như fomanđêhyt thải ra từ keo hồ, các đồ nội thất và cả hoá mỹ phẩm, trên một mét khối không khí.  


Chúng ta có thể hít thở chất khí gây ô nhiễm ngay tại gia đình

Thiết bị cảm biến làm từ vật liệu có thể giữ được chất gây ô nhiễm bằng nhiều lỗ nhỏ kích cỡ nanomet. “Chúng tôi bắt đầu bằng chất lỏng chứa tiền chất silicon (silicon-based precursors)”, Trần Thị Thu Hoa, một nhà nghiên cứu tại Laboratoire Francis-Perrin, đồng sáng lập Ethera, cho biết. “Bằng cách điều chỉnh nhiệt độ, độ axit và tiền chất, chúng tôi thu được chất gel với vô số lỗ nhỏ li ti, mỗi lỗ đều chứa các phân tử thăm dò”. Nếu có formanđêhyt thì một phản ứng hoá học sẽ xảy ra với các phân tử Floural-P từ đó gây ra sự biến đổi màu. Sự biến đổi màu này được đo bằng biểu đồ màu hoặc bằng một thiết bị quang học với độ chính xác cao.

Thiết bị Ethera đổi màu khi
phát hiện chất khí gây ô nhiễm

Phát biểu với CNRS, bà Trần Thị Thu Hoa cho biết: “Cách phát hiện formalđêhyt hiện nay là lấy mẫu không khí và phân tích trong phòng thí nghiệm có sử dụng phép ghi sắc. Nhưng với loại gel này thì kết quả thu được trực tiếp ngay tại nơi thử nghiệm chỉ trong vài phút”.

Bên cạnh các hệ thống hiệu chỉnh cho phép đo siêu chính xác, Ethera cũng sản xuất các thiết bị thông dụng khác. “Mục tiêu chính của chúng tôi là phát hiện formalđêhyt, hyđrôcacbon thơm (benzene, toluene…), và hợp chất clo. Mọi người có thể xác định nồng độ các chất này trong nhà bằng cách so sánh các biểu đồ màu trên mỗi thiết bị cảm biến”, bà Trần Thị Thu Hoa cho biết thêm.

Hiện nay, các nhà khoa học cũng nghiên cứu thiết bị cảm ứng cho thực phẩm tươi có thể dùng cho thịt, cá và các loại hải sản.

 

Theo CNRS
Minh Tâm


 

 


Tags:
Tin liên quan