Nước ngầm: biện pháp phòng thủ bị lãng quên của thế giới để chống lại biến đổi khí hậu
Theo nghiên cứu mới của WaterAid và Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh, dưới lục địa châu Phi có đủ nước ngầm để hầu hết các quốc gia có thể tồn tại ít nhất 5 năm hạn hán - và đối với một số nước là hơn 50 năm.
Ảnh: Phụ nữ và trẻ em lấy nước tại một lỗ khoan trên đảo Chisi, Malawi, tháng 10 năm 2020 (Nguồn: wateraid.org)
Báo cáo "Nước ngầm: biện pháp phòng thủ bị lãng quên của thế giới chống lại biến đổi khí hậu" cho thấy rằng nước ngầm, tồn tại ở hầu hết mọi nơi dưới lòng đất, có thể cứu sống hàng trăm nghìn người và là chính sách bảo hiểm của thế giới để chống lại biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo:
- Hầu hết các quốc gia ở Châu Phi đều có đủ nước ngầm để con người tồn tại và phát triển.
- Ethiopia và Madagascar - nơi chỉ có khoảng một nửa dân số có nước sạch gần nhà - và phần lớn của Mali, Niger và Nigeria có đủ nước ngầm để đáp ứng nhu cầu trong 50 năm tới.
- Mỗi quốc gia cận Sahara ở châu Phi có thể cung cấp cho mỗi người 130 lít nước uống mỗi ngày từ nguồn nước ngầm. Điều này có nghĩa là nước ngầm có thể cung cấp một vùng đệm chống lại biến đổi khí hậu trong nhiều năm tới, ngay cả trong trường hợp không may là trời không có mưa.
Báo cáo cũng giải thích rằng trong khi nước ngầm ở khu vực châu Phi cận Sahara hầu như không được sử dụng tới, thì ở các khu vực khác trên thế giới - chủ yếu ở Nam Á – lại xảy ra tình trạng sử dụng quá mức nguồn nước ngầm. Điều này, cùng với việc thiếu quy định, không đủ chuyên môn, đầu tư thường dẫn đến quản lý yếu kém, ô nhiễm và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường tài trợ nước và vệ sinh cho các cộng đồng bị thiệt thòi thông qua một tỷ lệ cố định trong ngân sách hàng năm của chính phủ và từ các nhà tài trợ quốc tế và khu vực tư nhân. Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng đầu tư vào phát triển nguồn nước ngầm một cách có trách nhiệm là chìa khóa để đảm bảo nước và vệ sinh tiết kiệm, bền vững, an toàn cho các cộng đồng sống ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Nguồn: wateraid.org
Xử lý tin: Phương Hà