Nguồn gốc đa dạng các loài Thạch sùng mí, Goniurosaurus, từ mô hình tiến hóa ổ sinh thái, và những cảnh báo dưới tác động của biến đổi khí hậu

30/10/2024
Quá trình tiến hóa và thích nghi của sinh vật trong tự nhiên vẫn còn nhiều điều bí ẩn và luôn thôi thúc các nhà khoa học không ngừng giải mã. Đặc biệt, đối với các loài nguy cấp thuộc giống Thạch sùng mí (Goniurosaurus) thì việc hiểu hơn về lịch sử tự nhiên của chúng có thể góp phần bảo tồn loài trước các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu trong tương lai. Nhóm các nhà khoa học Việt Nam của Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Sinh thái và Tài Nguyên sinh vật, Đại học Khoa học Tự nhiên phối hợp Vườn thú Cologne, Bảo tàng Koenig Bonn - Đức, Đại học La Sierra - Mĩ, và Đại học Sun Yat-Sen - Trung Quốc, thực hiện khảo sát thực địa và xây dựng mô hình dự đoán nguồn gốc địa sinh học, và các mô hình khí hậu dự đoán về nguồn gốc tiến hóa ổ sinh thái khí hậu của các loài Thạch sùng mí. Đây là cơ sở để đưa ra những phỏng đoán về mức độ tổn thương của loài dưới tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.

Đến nay, trên thế giới ghi nhận 26 loài Thạch sùng mí (Goniurosaurus) được chia thành 4 nhóm gồm kuroiwae, lichtenfelderi, luii, yingdeensis. Những loài này phân bố rải rác ở khu vực quần đảo Ryukyu - Nhật Bản, một số đảo và đất liền ở Nam Trung Quốc và các tỉnh Đông Bắc, Việt Nam. Việt Nam, ghi nhận với 5 loài Thạch sùng mí, chúng đều được đánh giá là nguy cấp, nằm trong Danh lục Đỏ Thế giới IUCN, phụ lục II của công ước CITES về cấm buôn bán động thực vật hoang dã, và nghị định chính phủ 84/2021/NĐ-CP tại Việt Nam. Với mức độ đa dạng về loài, tính đặc hữu và sự tiến hóa thích nghi cao với điều kiện tiểu sinh cảnh trong phạm vi phân bố hẹp, giống Thạch sùng mí là một mô hình đại diện để nghiên cứu sự phức tạp về quá trình tiến hóa của các loài thằn lằn nói chung.


Cây phát sinh chủng loại của giống Goniurosaurus với lịch sử thời gian phát sinh loài và nguồn gốc địa sinh học

Cây phát sinh chủng loại của 24 loài Thạch sùng mí được xây dựng dựa trên dữ liệu phân tử của 4 đoạn gen bao gồm 2 gen ty thể (16S, Cytb) và 2 gen nhân (CMOS, Rag1). Nhóm nghiên cứu ước tính được sự xuất hiện đầu tiên của tổ tiên các loài Goniurosaurus trong kỷ Eocene vào khoảng 45,3 triệu năm trước, với nguồn gốc địa lý là khu vực đất liền trên lục địa Á Âu. Bốn nhóm loài đơn ngành bắt đầu được phân tách vào giữa kỷ Miocene trong khoảng từ 13,4 đến 7,7 triệu năm trước và tiếp tục phân tách và hình thành loài vào đầu kỷ Pleistocene khoảng 2 triệu năm trước. Đáng chú ý, nguồn gốc tổ tiên của hai nhóm đơn ngành lichtenfelderi và kuroiwae tương ứng từ các đảo Hải Nam, Trung Quốc và Kyukyu, Nhật Bản.


Mô hình tiến hóa ổ sinh thái khí hậu bảo thủ và phân tích của giống Thạch sùng mí

Phân tích ổ sinh thái khí hậu giữa các nhóm loài, chúng không có sự chồng chéo về không gian. Trong đó, không gian ổ sinh thái của nhóm loài yingdeensis là hoàn toàn tách biệt với các nhóm còn lại. Phân tích về tiến hóa khí hậu ghi nhận hai mô hình tiến hóa trong quá trình hình thành loài của giống Thạch sùng mí, cụ thể: mô hình tiến hóa khí hậu phân tách ghi nhận với loài G. lichtenfelderi; G. catbaensis; G. kwangsiensis G. liboensis, trong khi đó mô hình tiến hóa bảo thủ ghi nhận ở các loài còn lại. Với tất cả các loài Thạch sùng mí hình thành và tồn tại trong mô hình tiến hóa bảo thủ đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của con người và biến đổi khí hậu. Do đó, nghiên cứu đề xuất cần thực hiện các ưu tiên bảo tồn cao hơn và biện pháp bảo vệ nhằm hạn chế các tác động cực đoan của biến đổi khí hậu trong tương lai gần với các loài Thạch sùng mí này.

Kết quả của nghiên cứu đăng trên hệ thống Springer Nature, trên tạp chí Biodiversity and Conservation. Link bài báo liên quan:  https://link.springer.com/article/10.1007/s10531-023-02564-4

Nguồn tin: TS. Ngô Ngọc Hải – Viện Nghiên cứu hệ gen
Xử lý tin: Minh Tâm

 



Tags:
Tin liên quan