Nguồn giống dâu tây sạch bệnh – Nhu cầu cần thiết
Trong tình hình đó, nhu cầu cung cấp nguồn giống dâu tây khỏe, sạch bệnh cho nông dân là cần thiết. Dự án Hoàn thiện quy trình nhân giống và cung cấp cây giống dâu tây (Fragaria vesca L.) sạch bệnh, số lượng lớn cho các vùng trồng dâu tây tại tỉnh Lâm Đồng do Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên thực hiện là một tín hiệu khả quan trong việc phục hồi và phát triển nguồn dâu tây đặc sản Đà Lạt.
Quy trình nghiên cứu giống dâu tây sạch bệnh bắt đầu từ việc nhân chồi tại đỉnh sinh trưởng và tạo cây hoàn chỉnh từ chồi. Kế đến kiểm tra tính sạch bệnh của các cây tái sinh từ đỉnh sinh trưởng bằng kỹ thuật RT-PCR, quá trình tái sinh chồi trực tiếp từ lá dâu tây sạch bệnh, kết hợp nghiên cứu xây dựng thử nghiệm một số mô hình trồng dâu tây sạch bệnh đạt hiệu quả cao.
Quá trình nhân giống cây Dâu tây sạch bệnh trong điều kiện in vitro. a. Tái sinh chồi từ lá Dâu tây; b. Nhân chồi Dâu tây; c, d. Ra rễ Dâu tây; e, f. Cây Dâu tây chuẩn bị trồng ngoài vườn ươm.
Với mục tiêu hoàn thiện công nghệ nhân giống và trồng dâu tây sạch bệnh đạt chất lượng tốt, đồng thời xây dựng một số mô hình ứng dụng trong dân, dự án đã lai tạo được 3 giống dâu tây sạch bệnh mới có số lượng lớn (255.600 cây Mỹ đá, 40.000 cây Mỹ Hương, 10.000 cây dâu Thơm) bớt đi nỗi lo âu đối với người nông dân Đà Lạt. So với giống dâu tây cũ, 3 giống cây dâu tây mới có khả năng kháng bệnh cao, cây giống chuyển ra trồng ngoài vườn có tỷ lệ sống trên 88%, năng suất tăng từ 48 - 57 tấn/ha/năm (giống cũ chỉ khoảng 10 tấn/ha...).
Bên cạnh đó, dự án cũng xác định được quy trình trồng cây dâu tây mô ở giai đoạn vườn ươm và phương pháp nhân giống F1 (nhân 1 lần từ cây mẹ). Khi chuyển các cây mô ra vườn ươm, giả thể trồng thích hợp nhất là xơ dừa (với tỉ lệ sống đạt 88,34%). Điều kiện trồng tối ưu cho quá trình nhân nhanh cây mô bằng cách cắt thân bò của cây dâu tây là trồng trong túi nylon.
Dâu tây được trồng thí điểm tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. a. Bảo Lộc; b,b1. Đơn Dương; c,c1. Đà Lạt; d. Giống Dâu tây New Zealand được trồng bằng hệ thống bán thủy canh; e. Giống Dâu tây Mỹ đá được trồng bằng hệ thống bán thủy canh;
e1. Trái Dâu tây Mỹ đá dị dạng trên hệ thống bán thủy canh
Từ quy trình này, các nhà nghiên cứu tiếp tục xây dựng mô hình trồng dâu tây 200 m2 trên các dạng trồng khác nhau (trên giàn, treo, trong nhà kính hay trực tiếp ngoài vườn ươm) và trồng thử nghiệm tại một số địa phương của tỉnh Lâm Đồng (Đơn Dương, Đà Lạt…). Kết quả thu được cho thấy, trong 4 mô hình được thực hiện trong dự án kể trên thì mô hình trồng ngoài trời đạt hiệu quả cao nhất. Khi trồng thử nghiệm tại Đơn Dương và Đà Lạt, năng suất dâu tây thu được ở Đơn Dương cao hơn và đạt trung bình 57 tấn/ha trong một năm.
Dự án "Hoàn thiện quy trình nhân giống và cung cấp cây giống dâu tây (Fragaria vesca L.) sạch bệnh, số lượng lớn cho các vùng trồng dâu tây tại tỉnh Lâm Đồng" không chỉ mang ý nghĩa nghiên cứu góp phần cải tạo vườn dâu tây đang thoái hóa, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, mà còn bao gồm ý nghĩa thực tiễn sâu sắc bằng việc chuyển giao kết quả nghiên cứu tới các địa phương, đặc biệt là Đà Lạt, đưa khoa học vào đời sống, phục vụ mục đích cộng đồng.
Nguồn tin: PGS. TS Dương Tấn Nhựt- Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên
Xử lý tin: Mai Lan