Nghiên cứu và phát hiện mới về loài Rêu tản và Rêu sừng

26/04/2024
Các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCNVN) đã phát hiện và công bố loài mới cho khoa học trong quá trình nghiên cứu về thành phần loài Rêu tản và Rêu sừng vùng núi phía Bắc Việt Nam. Cũng trong nghiên cứu này, hai bộ sưu tập gồm 738 mẫu Rêu tản, Rêu sừng và các dữ liệu của chúng đã được xây dựng, đây là cơ sở khoa học quan trọng cho các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.

Hình 1. Chủ nhiệm PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh và cộng sự ngoài thực địa

Nghiên cứu về Rêu tản và Rêu sừng 

Rêu (Bryophytes) được chia thành 3 ngành: Rêu thật (Bryophyta), Rêu tản (Marchantiophyta) và Rêu sừng (Anthocerotophyta), là nhóm thực vật ít được quan tâm nghiên cứu trong các ngành thực vật bậc cao. Cho đến nay, nghiên cứu về Rêu tản và Rêu sừng ở khu vực bán đảo Đông Dương còn rất hạn chế. Theo một công bố của Pócs (2012), trước năm 2012 mới chỉ có 46 loài Rêu tản được ghi nhận ở Lào. Năm 2012 tác giả này bổ sung 12 loài Rêu tản phụ sinh trên lá vào danh lục, nâng tổng số loài Rêu tản được ghi nhận ở Lào lên 58. Trên thực tế, con số này vẫn còn khiêm tốn đối với Lào, nơi có những vùng núi trải dài tiếp giáp với Việt Nam.

Việt Nam thuộc khu vực nhiệt đới, với điều kiện tự nhiên phong phú thuận lợi để rêu phát triển. Tuy nhiên, theo kết quả tổng hợp đến năm 2020 của Nhiệm vụ điều tra cơ bản mã số UQĐTCB.05/19-20, mới có 625 loài Rêu tản và Rêu sừng được ghi nhận trên toàn lãnh thổ. Trong khi đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, loài Rêu tản và Rêu sừng chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, nhưng chưa có những nghiên cứu cần thiết theo hướng này tại Việt Nam.

Xây dựng thành công 02 bộ mẫu Rêu tản và Rêu sừng (gồm 738 mẫu)

Từ năm 2017, nghiên cứu Rêu tản và Rêu sừng tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã được khởi động trong nhiệm vụ hợp tác quốc tế với Viện Vườn thực vật, Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Từ đó đến nay, đã có một số đề tài, nhiệm vụ của Viện Hàn lâm KHCNVN được triển khai trong lĩnh vực này. Tiếp nối những nghiên cứu trên, để xây dựng bức tranh tổng thể về thành phần loài Rêu tản và Rêu sừng ở vùng núi phía Bắc, PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh và cộng sự đã đề xuất và được Viện Hàn lâm KHCNVN phê duyệt thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần loài và bước đầu khảo sát thành phần hóa học của loại Rêu tản (Marchantiophyta) và Rêu sừng (Anthocerotophyta) ở vùng núi phía Bắc Việt Nam” (mã số: KHCBTĐ.02/21-23).

Trong khuôn khổ nghiên cứu, nhóm tác giả đã xây dựng thành công 02 bộ mẫu Rêu tản và Rêu sừng. Trong đó, một bộ gồm 350 mẫu của 146 loài thu thập tại các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Bộ mẫu thứ hai gồm 388 mẫu của 170 loài thu thập tại các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Cạn và Lai Châu. Cũng trong đề tài, một CSDL cung cấp thông tin về vị trí địa lý, độ cao, địa điểm và môi trường sống của 738 mẫu rêu được xây dựng. 

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu đã phân tích, xác định thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của loài Rêu tản Porella perrottetiana (Mont.) Trevis. Kết quả phân tích hóa học đã xác định được 02 chất mới là chất perrottetianal E (có công thức là C20H28O4) và chất (+)-oplopanone C ((+)-11-methyxyoplopanone) (có công thức là C16H28O3). Kết quả thử hoạt tính sinh học cho thấy, dịch chiết tổng và cả 3 cặn chiết đều có hoạt tính đối với cả 4 dòng tế bào ung thư. Trong đó, đáng chú ý là cặn chiết tổng và cặn chiết EtOAc có hoạt tính trên dòng tế bào ung thư gan (Hep-G2) tương ứng với IC50 = 3.51 ± 0.21 μg/mL và IC50 = 4.23±0.86 μg/mL. 

PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh cho biết: Từ kết quả nghiên cứu, ông và cộng sự đã phân tích và công bố được 05 bài báo trên các tạp chí SCIE và 01 bài báo trên tạp chí Scopus. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã công bố được 01 loài rêu mới cho khoa học (Gymnomitrion vietnamicum) được đăng trên tạp chí Phytotaxa (DOI: 10.11646/phytotaxa.616.1.3). Ông khẳng định, khu hệ Rêu tản và Rêu sừng Việt Nam đa dạng, còn nhiều tiềm năng khám phá loài mới cũng như hoạt chất sinh học của chúng, do đó, cần tiếp tục mở rộng hướng nghiên cứu triển vọng này trong tương lai.

Hình 2. Loài mới Gymnomitrion vietnamicum Bakalin et Vilnet: A - tế bào ở đỉnh lá; B - một phần của thảm; C - bào tử và dây đàn hồi; D - mầm bào tử trên thảm; E - tế bào gần mép lá cuộn tròn; F - tế bào giữa lá; G - tế bào giữa lá phía trên chỗ chia đôi vitta. Thang đo: 50μm, dành cho A, C, E–G; 5 mm cho B, D. (Ảnh: V. Bakalin, 2018) 

Tổng hợp: Chu Thị Ngân, Trung tâm Thông tin - Tư liệu
Xử lý tin: Mai Lan



Tags:
Tin liên quan