Nghiên cứu, thu thập Gỗ hóa thạch ở Việt Nam
Chủ nhiệm TS. Doãn Đình Hùng và nhóm nghiên cứu khảo sát nghiên cứu gỗ hóa thạch tại Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Thực chất, hóa thạch gỗ là một dạng hóa thạch đặc biệt của giới thực vật. Nghiên cứu định loại gỗ hoá thạch không chỉ dựa trên đặc điểm mô gỗ hoá thạch mà còn kết hợp của các nghiên cứu hoá thạch lá, hoa, quả, bào tử phấn,… nhằm xác định một cách đầy đủ nhất. Việc nghiên cứu hóa thạch gỗ giúp tìm hiểu về môi trường hình thành của thời tiền sử và tiến hóa của chúng trên vỏ Trái Đất. Hóa thạch gỗ ở Việt Nam được tìm thấy ở nhiều mức địa tầng thuộc các kỷ Devon, Trias, Jura, Creta, Paleogen, Neogen, Đệ tứ. Chỉ một số ít được các nhà cổ sinh vật người Pháp nghiên cứu, hầu hết các hóa thạch gỗ chưa có kết quả phân tích, giám định. Phương pháp nghiên cứu chính là phương pháp giải phẫu mài lát mỏng định hướng. Thân gỗ được giải phẫu theo 3 hướng chính: (a) Chiều thẳng đứng song song; (b) Vuông góc với chiều thẳng đứng hay cắt ngang; (c) Tiếp tuyến với vòng tăng trưởng.
Hóa thạch thực vật thân gỗ thuộc ngành Thạch tùng được phát hiện trong các địa tầng tuổi Devon, đại diện của các chi Lepidodendropsis, Protolepidodendron. Ở Việt Nam, hóa thạch của những chi thực vật bộ Cây vẩy (Lepidodendrales) thuộc ngành Thạch tùng thường xuất hiện trong Devon thống trung, phát triển mạnh mẽ trong kỷ Carbon ở các khu rừng nhiệt đới, được bảo tồn trong các đá cát kết thạch anh hạt thô và cát kết dạng quarzit.
Thực vật tuổi Trias ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên phần lớn đã bị hóa than. Các mẫu gỗ hóa thạch trong các thành tạo chứa than của hệ tầng Văn Lãng (T3n-r vl), Hòn Gai (T3n-r hg) và Suối Bàng (T3n-r sb) đã được thu thập và nghiên cứu.
Hóa thạch thân cây E. arenaceus trong hệ tầng Suối Bàng (T3n-r sb), ở mỏ than Thanh An, tỉnh Điện Biên. Thước tỷ lệ A, B = 2 cm, C, D = 0.5 cm
Hầu hết gỗ hóa thạch trong địa tầng Jura bị silic hóa, bảo tồn khá tốt các vòng tăng trưởng. Hóa thạch gỗ trong hệ tầng Hữu Chánh đã được Serra (1966a; 1967) xác định gồm có: Phy. vietnamense, Brachioxylon sp., Protophyllocladoxylon thylloides, Araucariocylon sp.
Hóa thạch gỗ tuổi Creta sớm được phát hiện trên đảo Phú Quốc, quần đảo An Thới, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang trong đá cát kết của hệ tầng Phú Quốc (K1 pq) được Serra (1969) xác định và mô tả thuộc thực vật ngành Hạt trần (Gymnospermae) cho tuổi Jura muộn-Creta sớm.
Mẫu CT-K01 tuổi Creta thu ở Bình Dương
Lát mỏng thể hiện các mô gỗ mẫu CT-K01. Thước tỷ lệ, A-G = 100 µm
Tất cả các đặc điểm mô gỗ mẫu CT-K01 nêu trên thể hiện mối quan hệ gần gũi với các loài ở chi Eucalyptus L’Her trong họ Myrtaceae. Chi này phân bố chủ yếu ở Australia, ít hơn ở Indonesia, Papua New Guinea, Phillipin. Ở Việt Nam chi Eucalyptus có khoảng 24 loài phân bố khắp từ miền Bắc tới miền Nam.
Có 43 phân vị địa tầng chứa hoá thạch thực vật Paleogen-Neogen trên lãnh thổ Việt Nam. Hóa thạch gỗ dưới dạng carbonat hóa, silic hóa và than nâu hóa mới chỉ phát hiện trong các hệ tầng Na Dương, Bạch Long Vĩ và Khe Bố.
Mẫu ND03 mỏ than Na Dương
Lát mỏng thể hiện các mô gỗ mẫu ND3. Thước tỷ lệ, A-G = 100 µm
Mẫu gỗ hóa thạch ND3 có đặc điểm giải phẫu thể hiện mối quan hệ gần gũi với các loài thuộc họ Anacardiaceae nói chung và đặc biệt là Gluta (Poole và Davies, 2001).
Trong khoảng thời gian địa chất từ thế Pliocene của kỷ Neogen đến thế Pleistocen của kỷ Đệ tứ (từ 5,333 - 0,0117 triệu năm). Tại vùng núi Chư A Thai, trong đá phun trào của hệ tầng Túc Trưng (N2-Q1 tt), tuổi Neogen – Đệ tứ đã phát hiện rất nhiều gỗ hóa thạch dạng silic, cansedol và mã não hóa.
Mẫu CAG15 núi Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Lát mỏng thể hiện các mô gỗ mẫu CAG15. Thước tỷ lệ, A-F = 0.2 mm
Các đặc điểm mô gỗ mẫu CAG15 cho kết quả định loại: Bộ Sapindales, Họ Anacardiaceae, Phân họ Anacardioideae, Chi Glutoxylon (Chowdhury, 1936) Prakash et Tripathi, Glutoxylon sp.2.
Đề tài đã tổng quan được phân bố địa lý, địa tầng và đặc điểm địa tầng chứa gỗ hóa thạch ở Việt Nam. Phân loại và định loại được 16 taxon (đơn vị phân loại) cho 16 mẫu hóa thạch thực vật thân gỗ gồm 01 taxon tuổi Devon, 03 taxon tuổi Trias, 02 taxon tuổi Paleogen và 10 taxon tuổi Neogen – Đệ tứ.
Nhóm nghiên cứu đã xác định được thành phần vật chất cho 05 mẫu gỗ hóa thạch gồm 01 mẫu tuổi Trias, 01 mẫu tuổi Jura, 01 mẫu Creta, 01 mẫu Paleogen và 01 mẫu tuổi Đệ tứ. Thu thập được bộ mẫu gồm 22 mẫu gỗ hóa thạch trong các địa tầng Devon, Trias, Jura, Creta, Paleogen, Neogen và Đệ tứ phục vụ công tác trưng bày.
Kết quả của đề tài đã bổ sung cơ sở dữ liệu cho việc tìm kiếm và nghiên cứu gỗ hóa thạch ở Việt Nam. Đã xác lập 01 loài mới cho hệ thực vật Neogen ở miền Bắc Việt Nam. Đề tài cũng đã công bố 03 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục SCI-E và hỗ trợ đào tạo 01 thạc sĩ, 01 tiến sĩ. Với những kết quả đã đạt được, nhóm mong muốn tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu thêm và mở rộng đối tượng cũng như phạm vi nghiên cứu.
Tổng hợp: Chu Thị Ngân, Trung tâm Thông tin - Tư liệu
Xử lý tin: Thanh Hà