Nghiên cứu thành phần loài và một số đặc điểm sinh học của một số loài tò vò (Hymenoptera: Sphecidae) trên cây ăn quả và cây công nghiệp quan trọng ở tỉnh Hòa Bình

15/03/2021
Các loài ong họ tò vò Sphecidae là một trong những nhóm côn trùng có vai trò quan trọng đối với sản xuất nông lâm nghiệp và đời sống của con người như thụ phấn cây trồng, đấu tranh sinh học, chỉ thị sinh học… Nghiên cứu của nhóm này gắn liền với địa điểm và cây trồng cụ thể có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, tiềm năng sử dụng trong phòng trừ sinh học và thụ phấn cây trồng sẽ giúp phát triển kinh tế trong điều kiện cụ thể của mỗi địa phương.

Ở Việt Nam, những nghiên cứu trước đây về nhóm ong họ tò vò Sphecidae còn ít và rải rác, chỉ dừng lại ở dạng điều tra và liệt kê thành phần loài ong tò vò hơn là những nghiên cứu sinh học, đánh giá hiện trạng quần thể, tiềm năng sử dụng và mối quan hệ sinh thái giữa chúng với các loài sâu hại cây trồng. 

Từ những vấn đề mang tính chất cấp thiết như trên, đề tài “Nghiên cứu thành phần loài và một số đặc điểm sinh học của một số loài tò vò (Hymenoptera: Sphecidae) trên cây ăn quả và cây công nghiệp quan trọng ở tỉnh Hòa Bình”, mã số: ĐLTE00.05/19-20 đã được Viện Hàn lâm KHCNVN phê duyệt và giao cho Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật làm cơ quan chủ trì. Đề tài do nhóm các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nghiên cứu trong giai đoạn 2 năm (01/2019-12/2020), với sự chủ nhiệm của ThS. Phạm Huy Phong. Ngày 27 tháng 1 năm 2021, Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm KHCNVN đã nghiệm thu và đánh giá đề tài đạt loại Xuất sắc.

Mục tiêu của đề tài là đưa ra được danh sách thành phần loài và nghiên cứu được một số đặc điểm sinh học của họ tò vò Sphecidae trên một số cây ăn quả và cây công nghiệp ở tỉnh Hòa Bình làm cơ sở cho việc đánh giá vai trò trong phòng trừ sâu hại trên các cây trồng này và tiềm năng sử dụng chúng. 

Để đạt được mục tiêu này, đề tài đã thực hiện 4 nội dung chính gồm: 1- Điều tra thành phần loài tò vò và phân bố của chúng trên một số cây ăn quả và cây công nghiệp quan trọng ở tỉnh Hòa Bình; 2- Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học của một số loài tò vò họ Sphecidae; 3- Xác định những loài có khả năng nhân nuôi để sử dụng trong đấu tranh sinh học trên sâu và nhện hại cây trồng, đánh giá hiện trạng quần thể và tiềm năng sử dụng chúng; và 4- Đề xuất một số biện pháp nhằm bảo tồn và duy trì các loài tò vò này.

Đặt bẫy tổ trên cây bưởi tại xã Tân Thành, Lương Sơn, Hòa Bình

Đề tài đã thu được những kết quả chính như sau:
  • Về khoa học:
+ Xác định được 19 loài tò vò thuộc 7 giống trong 4 phân họ của họ Sphecidae ở tỉnh Hòa Bình và phân bố của chúng trên 4 loài cây trồng: cây mía, cây đậu tương, cây cam và cây bưởi.
+ Mô tả, công bố một loài mới cho khoa học, Chalybion tanvinhensis Pham và Ohl, 2019 và ghi nhận hai loài mới cho khu hệ tò vò của Việt Nam, Ammophila globifrontalis Li và Yang, 1995 và Isodontia nigella (Smith, 1856). 
+ Ghi nhận lần đầu tiên giống Melittobia Westwood, 1848 (họ Eulophidae) cho khu hệ ong kí sinh ở Việt Nam.
+ Cung cấp một số dẫn liệu sinh học mới của 5 loài tò vò, Ammophila clavus (Fabricius), Chalybion bengalense (Dahlbom), Sceliphron madraspatanum (Fabricius), Isodontia nigella (Smith), và Sphex argentatus Fabricius cho khoa học.
+ Đề tài đã xác định được 3 loài ong họ tò vò Sphecidae, Ammophila clavus, Isodontia nigellaSphex argentatus có tiềm năng sử dụng trong phòng trừ sâu hại và đánh giá được hiện trạng quần thể của chúng ở ngoài tự nhiên.
+ Đề tài đã đề xuất một số biện pháp nhằm bảo tồn và duy trì các loài ong họ tò vò Sphecidae mà sử dụng sâu hại làm thức ăn cho ấu trùng của chúng ở khu vực nghiên cứu.
 
  • Về ứng dụng: Đề tài đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học (ở trên) để thử nghiệm nhân nuôi 3 loài tò vò, Ammophila clavus, Isodontia nigellaSphex argentatus trên loài sâu khoang hại đậu tương Spondoptera litura (Fabricius) và trên loài châu chấu hại mía Oxya chinensis Thunberg, đã đem lại thành công bước đầu. 

Loài tò vò Sphex argentatus Fabricius (màu đen, bên phải) đang làm tổ

Ấu trùng loài tò vò Isodontia nigella (Smith) đang ăn châu chấu hại mía

Thử nghiệm nhân nuôi loài tò vò Isodontia nigella (Smith) trong phòng thí nghiệm

Các sản phẩm đề tài đã đạt được gồm:

- Các dẫn liệu về thành phần loài, một số đặc điểm sinh học của một số loài tò vò họ Sphecidae trên cây ăn quả và cây công nghiệp quan trọng ở tỉnh Hòa Bình; Xác định được những loài có khả năng nhân nuôi để sử dụng trong đấu tranh sinh học trên sâu và nhện hại trên một số cây ăn quả và cây công nghiệp, đánh giá hiện trạng quần thể và tiềm năng sử dụng chúng.

- Bộ mẫu vật gồm 136 loài ong họ tò vò Sphecidae được thu thập ở khu vực nghiên cứu.

- 04 bài báo đăng trên các tạp chí trong danh mục SCI-E, 01 bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh mục Scopus, 01 bài báo đăng ở Hội nghị trong nước. Ngoài ra, đề tài đã đào tạo 01 nghiên cứu sinh (đã bảo vệ thành công).

Nguồn: ThS. Phạm Huy Phong, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
Xử lý tin: Phương Hà

 



Tags:
Tin liên quan