Nghiên cứu phát triển cây thuốc cổ truyền
Hình 1. TS. Bùi Văn Thanh phỏng vấn kinh nghiệm sử dụng thực vật của đồng bào Thái tại Sơn La.
Theo nghiên cứu của Viện Dược liệu, gần đây đã xác định được 5.117 loài có công dụng làm thuốc được biết đến ở Việt Nam hiện nay, nhiều loài được sử dụng theo kinh nghiệm trong dân gian. Các điều tra, nghiên cứu về sử dụng cây thuốc dân tộc, cây thuốc truyền thống chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc điều tra phỏng vấn, ghi nhận thông tin. Các nghiên cứu về thành phần hóa học, hoạt tính sinh học, tác dụng dược lý cũng đã được tiến hành tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, ngay trong các kết quả điều tra cũng chưa có sự đánh giá về mức độ tin cậy của thông tin thu được.
Để có cái nhìn tổng quan hơn về tài nguyên sinh học nói chung và tài nguyên cây thuốc nói riêng của Việt Nam-Lào và tạo tiền đề quan trọng trong việc định hướng lâu dài nhằm hợp tác khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc của hai nước, nhiệm vụ đã nghiên cứu kết hợp giữa điều tra tri thức truyền thống với các nghiên cứu thực nghiệm. Đây cũng là cơ hội cho các nhà khoa học của hai nước có thể tìm kiếm, phát hiện các loài cây thuốc, các hợp chất từ cây thuốc truyền thống có tiềm năng ứng dụng rộng rãi.
Trên cơ sở kết quả điều tra về tri thức bản địa, nhiệm vụ đã lựa chọn một số cây thuốc quý/ điển hình để nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học. Thông qua các phương pháp nghiên cứu thực vật, thực vật dân tộc học, phân lập và xác định cấu trúc các hợp chất, nghiên cứu tinh dầu và hoạt tính sinh học, nhiệm vụ đã đạt được các kết quả chính gồm:
- Thu thập được thông tin về thực vật và kinh nghiệm sử dụng thực vật làm thuốc của đồng bào Thái tại Sơn La (110 loài thuộc 94 chi, 54 họ) và đồng bào Vân Kiều tại Quảng Bình (87 loài thuộc 82 chi, 55 họ). Các nhóm bệnh được cả hai cộng đồng này sử dụng nhiều nhất là bệnh ngoài da, bệnh xương khớp và các bệnh về đường tiêu hóa.
- Nghiên cứu thành phần hoá học của loài Nắp ấm- Nepenthes mirabilis (Lour.). Tổng cộng 5 hợp chất được xác định bao gồm: Plumbagin, Droserone, epi-Catechin, Quercetin và Kaempferin.
- Nghiên cứu thành phần hóa học trong tinh dầu thu được từ các loài: Ngải tiên lông, Ngải tiên hoa trắng, Hoàng liên ba gai và Hoàng liên ô rô lá dày.
- Nhóm cũng đã thử hoạt tính sinh học của tinh dầu thu được từ loài Ngải tiên lông (Hedychium villosum Wall.) và Ngải tiên hoa trắng (Hedychium stenopetalum Lodd.).
- Nhiệm vụ đã công bố một bài báo thuộc danh mục SCIE và hỗ trợ đào tạo cho hai sinh viên tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
![]() | ![]() |
Ngải tiên hoa trắng (Hedychium stenopetalum Lodd.) | Ngải tiên lông (Hedychium villosum Wall.) |
Hình 2. Một số hình ảnh về cây thuốc đã nghiên cứu
Hình 3. Cây Nắp ấm (Nepenthes mirabilis (Lour.))
Hình 4. Cây Nắp ấm (Nepenthes mirabilis (Lour.))
Các kết quả nghiên cứu điều tra góp phần tư liệu hóa tri thức bản địa, kinh nghiệm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; các kết quả này cũng là một bước sàng lọc, định hướng các nghiên cứu hóa học, hoạt tính sinh học, dược tính đối với cây thuốc nói riêng và tài nguyên thực vật nói chung.
Tổng hợp: Chu Thị Ngân, Trung tâm Thông tin – Tư liệu
Xử lý tin: Mai Lan