Nghiên cứu ô nhiễm dầu trên biển Việt Nam và biển Đông (phần 1)
Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các công nghệ trên thế giới, các nhà khoa học đã đề xuất các phương án áp dụng công nghệ phù hợp nhất trong các điều kiện khí hậu, hải văn cụ thể của biển Việt Nam. Trong đó, công nghệ viễn thám siêu cao tần được sử dụng như một công nghệ chủ lực trong phát hiện sớm các ô nhiễm dầu xa bờ; các công nghệ mô hình hoá được sử dụng trong việc dự báo lan truyền dầu trên biển góp phần triển khai các hoạt động ứng phó có hiệu quả; hệ thống giám sát biển tại các vùng nước ven bờ, cửa sông và khu công nghiệp góp phần cảnh báo sớm ô nhiễm ven bờ; bộ cơ sở dữ liệu các thông tin liên quan đến khả năng ô nhiễm dầu trên biển góp phần phân vùng nguy cơ ô nhiễm và khoanh vùng cho các hoạt động giám sát thường xuyên.
Xác định các nguồn ô nhiễm dầu tiềm năng và phân vùng nguy cơ ô nhiễm trên vùng biển Việt Nam và biển Đông
Đề tài đã thống kê về định tính cũng như định lượng 6 loại nguồn ô nhiễm biển chính là ô nhiễm dầu tự nhiên; ô nhiễm do các hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí; ô nhiễm do các hoạt động giao thông vận tải biển; ô nhiễm từ các tàu bị đánh đắm trong chiến tranh thế giới thứ hai; ô nhiễm do các hoạt động kinh tế xã hội ven bờ; ô nhiễm dầu không rõ nguồn gốc.
Dựa trên số liệu về các nguồn ô nhiễm, các nhà khoa học đã xây dựng thành công bản đồ phân bố không gian các nguồn ô nhiễm dầu trên vùng biển Việt Nam và biển Đông với tỷ lệ 1/1000000. Bản đồ này thể hiện rõ vị trí và phân bố địa lý của những đối tượng được coi là có khả năng gây ra nguy cơ ô nhiễm dầu trên biển, qua đó đã mang lại một cái nhìn tổng thể về nguyên nhân và nguy cơ ô nhiễm dầu trên toàn bộ vùng biển Việt Nam và biển Đông và bước đầu trả lời được một số vấn đề liên quan tới ô nhiễm dầu trên biển mà toàn thể xã hội đang rất quan tâm.
Khu vực vùng biển phía Nam tập trung nhiều nguồn ô nhiễm dầu
Việc đánh giá phân vùng nguy cơ ô nhiễm dầu là bước tiếp theo sau khi đã xác định được các nguồn gây ô nhiễm dầu tiềm năng trên vùng biển Đông và biển Việt Nam
Cho đến nay phương pháp luận về đánh giá nguy cơ ô nhiễm dầu trên biển về cơ bản đều dựa trên phương pháp chồng ghép (overlay) với trọng số được xác định dựa theo đánh giá của chuyên gia hay phương pháp cộng có trọng số ảnh hưởng của các hợp phần. Mục tiêu của việc đánh giá này là xây dựng được bản đồ phân vùng nguy cơ ô nhiễm cho từng hợp phần và bản đồ phân vùng nguy cơ ô nhiễm với tác động tổng hợp của các hợp phần. Các nhà khoa học đã chia nguy cơ ô nhiễm dầu thành năm mức từ mức không có nguy cơ ô nhiễm đến nguy cơ ô nhiễm cao. Phân bố không gian các vùng ô nhiễm được thể hiện trên bản đồ Nguy cơ ô nhiễm dầu trên vùng biển Việt Nam và biển Đông với tỷ lệ 1/1000000. Các số liệu về nguy cơ ô nhiễm dầu và bản đồ phân vùng nguy cơ ô nhiễm là những tài liệu có giá trị trong công tác theo dõi giám sát và cảnh báo sớm ô nhiễm dầu trên biển.
Phân vùng nguy cơ ô nhiễm dầu trên vùng biển Việt Nam và biển Đông
Bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) hỗ trợ công tác dự báo, ứng phó sự cố tràn dầu và phân vùng nguy cơ ô nhiễm dầu
Trong quá trình thực hiện đề tài, các nhà khoa học đã thiết kế và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp nhằm hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu về tổng hợp, xác định và đánh giá các nguồn ô nhiễm dầu trên biển Việt Nam và biển Đông; phân vùng nguy cơ ô nhiễm dầu; giám sát và phát hiện sớm sự cố ô nhiễm dầu; dự báo và ứng phó sự cố ô nhiễm dầu; tính toán lan truyền và dự báo lan truyền dầu trên biển.
Bộ CSDL tổng hợp được thiết kế, tổ chức thành 2 dạng dữ liệu (không gian và phi không gian) và được chia ra thành các nhóm hợp phần với tiêu chí dễ dàng lưu trữ, cập nhật và truy vấn, tìm kiếm thông tin đồng thời có khả năng tích hợp với các phần mềm tính mô hình lan truyền dầu. Khi thực hiện, tùy vào từng mục đích cụ thể, các nhóm nghiên cứu có thể sử dụng tất cả các lớp thông tin thông qua việc truy cập vào máy chủ. Ngoài ra, trên CSDL đã được thành lập các nhóm nghiên cứu có thể biên tập ra các bản đồ chuyên đề với các lớp thông tin đã được thiết kế.
Nguồn tin: PGS. TS. Nguyễn Đình Dương, Viện Địa lý
Xử lý tin: Minh Tâm
Nghiên cứu ô nhiễm dầu trên biển Việt Nam và biển Đông (phần 2)