Nghiên cứu chiết xuất collagen từ sứa biển bằng công nghệ enzyme

17/08/2020
Tại các vùng biển Việt Nam, nguồn lợi sứa biển là rất lớn với tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cao. Nhóm sứa biển Việt Nam đang khai thác là sứa dù với khoảng 26 loài, trong đó khai thác chính 4 loài đem lại hiệu quả kinh tế; sản lượng khai thác chủ yếu tập trung tại vùng ven biển phía Bắc. Tuy nhiên, cho tới nay sứa biển Việt Nam vẫn chủ yếu được khai thác, chế biến thủ công theo phương pháp truyền thống, tạo ra một số sản phẩm với giá trị kinh tế thấp; sứa đa phần được chế biển làm thực phẩm, phục vụ tiêu dùng nội địa. Việc tìm ra công nghệ nhằm nâng cao giá trị sử dụng và giá trị kinh tế của nguồn lợi sứa biển là rất cần thiết.

Sứa biển là loài động vật biển cấp thấp, có cấu tạo hóa học đơn giản từ nước và protein, trong đó 60% protein trong cơ thể sứa là collagen. Nhận thấy tiềm năng trong việc khai thác, chiết xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển, Viện Tài nguyên và môi trường biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã bắt tay thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam”.

TS. Trần Mạnh Hà, chủ nhiệm đề tài cho biết, collagen từ sứa biển có rất nhiều ưu việt so với các loài động vật khác. Với sản lượng khai thác hàng năm lớn, đề tài thành công sẽ có tiềm năng lớn không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.

Nghiên cứu của đề tài hướng tới xây dựng quy trình công nghệ tách chiết collagen từ sứa biển ứng dụng enzyme, có thể ứng dụng ở quy mô công nghiệp hướng tới cung cấp nguồn nguyên liệu collagen an toàn cho ngành chế biến thực phẩm, y dược và mỹ phẩm.

Các công trình nghiên cứu chiết xuất collagen trước đó chủ yếu dùng phương pháp hóa học truyền thống, dùng NaOH và HCL nồng độ cao để thủy phân, khử protein và khử khoáng. Công nghệ này có nhiều hạn chế trong đó gây ô nhiễm môi trường. Ứng dụng công nghệ enzyme hứa hẹn nhiều ưu việt: hiệu suất cao, tăng chất lượng collagen, giảm thời gian, giảm ô nhiễm môi trường.

Từ những nghiên cứu bước đầu, nhóm nghiên cứu Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã thực hiện và xây dựng quy trình tách chiết collagen ở quy mô phòng thí nhiệm. Từ đó, lựa chọn các thành phần để xây dựng công thức sản phẩm thực phẩm chức năng dạng viên nang. Sản phẩm COLLAJELL được phối hợp bởi Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Công ty CP dược phẩm NOVACO và Công ty TNHH dược – mỹ phẩm Đắc Tín đã hoàn thiện xây dựng bao bì và đăng ký sản phẩm lưu hành.

TS. Phạm Thế Thư – Thư ký đề tài trình bày về quá trình lựa chọn nguyên liệu và tách chiết collagen từ sứa biển

Sản phẩm Thực phẩm chức năng COLLAJELL

PGS.TS. Nguyễn Văn Quân, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho biết, trong thời gian tới Viện sẽ tiếp tục tối ưu hóa quy trình công nghệ, xây dựng mô hình tách chiết với quy mô 1-2000 kg/mẻ. Đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm dạng viên nang. “Nghiên cứu công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị sử dụng và giá trị kinh tế từ nguồn lợi sứa biển là hết sức cần thiết. Việc lựa chọn hướng nghiên cứu xây dựng công nghệ để tách chiết các chất có giá trị cao ứng dụng trong đời sống con người là hướng tiếp cận rất có tiềm năng phát triển. Viện Tài nguyên và Môi trường biển luôn đặt mục tiêu hướng nghiên cứu gắn với thực tiễn” - PGS Nguyễn Văn Quân nhấn mạnh.

Nguồn tin: VIỆN TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG BIỂN
Xử lý tin: Thanh Hà


Tags:
Tin liên quan