Nghiệm thu đề tài cấp nhà nước thuộc Chương trình Tây Nguyên 3: “Điều tra, đánh giá hiện trạng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn các tỉnh Tây Nguyên và đề xuất phương án quy hoạch, xử lý và quản lý chất thải rắn phù hợp đến năm 2020”
HĐKHCNCNN gồm: GS.TS. Đặng Thị Kim Chi – Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch hội đồng; Hai ủy viên phản biện là PGS.TS. Nguyễn Ngọc Lân – Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS. Cao Thế Hà – Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững, Đại học Quốc gia Hà Nội; Các thành viên hội đồng là PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - Trung tâm Công nghệ môi trường, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ - Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, PGS.TS. Trịnh Thị Thanh –chuyên gia độc lập, PGS.TS. Đỗ Quang Trung – Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS. Nguyễn Thị Kim Thái – Đại học Xây dựng, TS. Nguyễn Hùng Minh – Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, tham dự buổi nghiệm thu còn có đại diện Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ nhiệm đề tài và tập thể thành viên thực hiện đề tài.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Việc quản lý chất thải rắn tại khu vực Tây Nguyên còn nhiều vấn đề tồn tại. Tỷ lệ và hiệu quả thu gom chất thải rắn đô thị còn thấp, công nghệ thu gom, vận chuyển chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghệ xử lý chất thải rắn của tất cả các tỉnh mới chỉ là thải bỏ tại các bãi chôn lấp không đạt quy chuẩn vệ sinh. Xuất phát từ tình hình đó, đề tài TN3/T21 được đề xuất thực hiện nhằm những mục tiêu sau:
- Đánh giá toàn diện hiện trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và nguy hại ở Tây Nguyên;
- Đánh giá khả năng phân loại tại nguồn, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn (CTR) trên địa bàn Tây Nguyên;
- Đề xuất phương án quy hoạch và quản lý CTR phù hợp với đặc thù các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2020.
Dựa trên các nhiệm vụ cụ thể của đề tài, tại buổi họp nghiệm thu, Hội đồng đã thảo luận, xem xét đối với từng nội dung nghiên cứu của đề tài và thống nhất đánh giá kết quả nghiên cứu đạt được, bao gồm:
- Đề tài đã đánh giá tình hình phát triển kinh tế, dân số và quá trình đô thị hóa của các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2001-2011.
- Xác định được hiện trạng quản lý chất thải rắn tại Tây Nguyên bao gồm hiện trạng quản lý hành chính và hiện trạng quản lý kỹ thuật, từ khâu phân loại tại nguồn, thu gom, lưu trữ, vận chuyển và các cách thức xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, và chất thải rắn nguy hại (gồm chất thải rắn y tế).
- Kết quả điều tra, tính toán của đề tài chỉ ra khối lượng chất thải rắn phát sinh năm 2012 của các loại chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và nguy hại lần lượt là 981.624 tấn, 551.848 tấn, 12.710.701 tấn và 22.323 tấn. Đến năm 2020, Dự báo phát sinh các loại chất thải rắn theo thứ tự lần lượt như trên là 1.771.358 tấn, 1.622.957 tấn, 11.870.832 tấn và 28.439 tấn.
- Từ kết quả xác định, đánh giá hiện trạng quản lý, khả năng phân loại tại nguồn, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế các loại chất thải rắn, kết hợp ý kiến tham vấn các bên liên quan, các cơ quan quản lý chất thải rắn của các tỉnh Tây Nguyên, đề tài đã đề xuất định hướng quy hoạch và quản lý chất thải rắn giai đoạn 2015 – 2020. Bao gồm các quan điểm, định hướng, mục tiêu quan lý chất thải rắn, các nhiệm vụ và giải pháp chiến lược, quy hoạch các cơ sở xử lý cho 5 tỉnh Tây Nguyên.
- Đề tài đã tiến hành xây dựng phần mềm GIS về hiện trạng và quy hoạch chất thải rắn vùng Tây Nguyên. Đây là hệ thống dữ liệu mở có thể cài đặt cho tất cả các cơ quan quản lý, các cơ quan nghiên cứu, trường đại học và dễ dàng cập nhật thông tin khi có các thay đổi. Đồng thời dữ liệu phần mềm đã được liên kết với Google earth, giúp người dùng khai thác và sử dụng dễ dàng. Các thông tin vị trí có thể chuyển vào thiết bị thông tin di động thông minh, phục vụ công tác quản lý, kiểm soát nghiên cứu quản lý CTR nói riêng và quản lý môi trường chung.
Đề tài đã công bố 03 bài đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ trường Đại học Tây Nguyên (ISSN1859-4611), 01 bài đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Viện Hàn lâm KHCNVN (ISSN0866708X), 01 bài đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ (ISSN18594794), 01 báo cáo tại Hội thảo khoa học tại Viện Hàn lâm, 01 bài báo cáo tại Hội thảo Quốc tế và 01 giáo trình. Bên cạnh đó, đề tài đã hỗ trợ các thành viên đề tài hướng dẫn tốt nghiệp 14 sinh viên đại học, 01 thạc sĩ, 02 nghiên cứu sinh.
Nhóm các nhà nghiên cứu tham gia thực hiện đề tài
Hội đồng khoa học thống nhất đánh giá: về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, đề tài có ý nghĩa thiết thực cho các tỉnh Tây Nguyên. Về mặt số lượng và sản phẩm: đề tài đã thực hiện đầy đủ theo đúng yêu cầu của Hợp đồng nghiên cứu KH&CN đã ký. Đề tài đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp với nội dung nghiên cứu để giải quyết các mục tiêu đặt ra.
Hội đồng khoa học cũng yêu cầu đề tài cần làm rõ một số điểm như: phạm vi của đề tài là không bao gồm chất thải khai thác khoáng sản; cần bổ sung phụ lục báo cáo tổng hợp và chỉnh sửa một số bảng biểu; làm rõ tiêu chí đưa ra quy hoạch các khu xử lý và lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp cho Tây Nguyên; làm rõ tính khả thi của các giải pháp đề xuất nhằm đạt được mục tiêu tổng quát và cụ thể; bổ sung giải pháp cho chất thải rắn y tế; cập nhật giải pháp phù hợp với chính sách mới về quản lý chất thải.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu và đánh giá loại Khá.
Một số hình ảnh về hoạt động của đề tài:
Sử dụng chất thải rắn nông nghiệp làm phân vi sinh tại Gia Lai.
Hoạt động chôn lấp chất thải rắn tại Tây Nguyên
Bản đồ vị trí, diện tích các bãi rác thải các tỉnh Tây Nguyên
Bản đồ quy hoạch lò đốt chất thải nguy hại công nghiệp - nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên năm 2020
Bản đồ quy hoạch vị trí, diện tích các bãi rác thải các tỉnh Tây Nguyên năm 2020
Tin: Minh Tâm