Một số nghiên cứu, ứng dụng nổi bật của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng trong nông nghiệp những năm gần đây
Kể từ khi thành lập đến nay, Viện đã tích cực tham gia thực hiện rất nhiều đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ ngành, cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam và đạt được nhiều thành tựu trong công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Có thể kể đến một số kết quả nghiên cứu ứng dụng tiêu biểu của Viện như: nghiên cứu và thương mại hóa thành công công nghệ RO lọc nước biển thành nước tinh khiết; công nghệ Aluwat xử lý nước nhiễm phèn; công nghệ chế biến hạt trẩu không bã thải; công nghệ và thiết bị xử lý khói thải động cơ và công nghiệp; công nghệ và thiết bị xử lý nước nhiễm Flora, Canxi, Mangan; hương liệu cho mỹ phẩm và nước giải khát; Nghiên cứu thành công các vật liệu hút dầu thải; vật liệu blend nhựa – gỗ (PE,PP,PVC-cellulose); vật liệu polymer hình sao kích thước nano...
Bên cạnh các thành tựu trong nghiên cứu ứng dụng trong công nghiệp, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng cũng có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ tính riêng trong những năm gần đây, Viện đã nghiên cứu và thương mại hóa thành công nhiều chế phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên phục vụ hiệu quả trong nông nghiệp giúp tăng năng suất cây trồng, phòng trừ các loại sâu bệnh, thân thiện với môi trường. Có thể kể đến như:
Thuốc diệt ốc TOB 1,25H và TOB 1,88H, là thuốc sinh học có tác dụng diệt trừ ốc sên và ốc bươu vàng gây hại thực vật, không có độc đối với cá. Thuốc này đã được Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp giấy phép lưu hành năm 2012.
Thuốc bảo vệ thực vật Mifum 0,6DD, là thuốc có sử dụng công nghệ nano kết hợp với hoạt chất có nguồn gốc tự nhiên giúp trừ nấm bệnh trên cây lúa (như bệnh đạo ôn, lem lép hạt, cháy bìa lá lúa), cây cao su (như nấm hồng, rụng lá, loét sọc mặt cạo), cây cà phê (như rỉ sắt, khô cành, khô quả), cây hồ tiêu (chết nhanh, chết chậm, rụng lóng chết dây)… Thuốc Mifum 0,6DD được Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp giấy phép lưu hành năm 2012.
Các hóa chất kháng khuẩn Đồng Nano và hóa chất kháng khuẩn ZnO Nano, là những dung dịch keo có tính năng diệt vi khuẩn, nấm bệnh và một số vi rút gây bệnh trên cây trồng bằng cơ chế bất hoạt enzyme của vi khuẩn, nấm bệnh và vi rút. Các hóa chất kháng khuẩn này có tác dụng trị các bệnh trên cây lúa (như cháy lá, khô cổ gié, lem lép hạt, cháy bìa lá, đốm nâu, vàng lá), cây rau màu (thối nhũn, nấm rễ), cây ăn trái (nấm hồng, gỉ sắt, đốm bồ hóng, tuyến trùng rễ, rụng trái và các nấm bệnh khác).
Bên cạnh đó, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng cũng đã tổng hợp thành công mồi nhử pheromon và thiết kế các loại bẫy côn trùng hại rau màu, cây ăn quả như: Pheromon và bẫy bắt sâu tơ; bẫy bắt sâu khoang; bẫy bắt ruồi hạ dưa leo, bầu, bí, mướp; pheromon côn trùng hại dừa (kiến vương, đuông dừa), sâu đục vỏ trái, sâu đen khoang trắng hại cây thuốc Trinh nữ hoàng cung. Đến nay các thử nghiệm pheromon trên đồng ruộng đều cho thấy hiệu quả phòng trừ sâu hại rất cao. Các sản phẩm này được sử dụng ở nhiều nơi trên cả nước, nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Vật liệu hút nước giữ ẩm CHO3, CHO6, CH24 cho cây trồng, là loại vật liệu mới được nghiên cứu chế tạo từ các nguồn phế thải trong nông nghiệp (như rơm, bột gỗ, mùn cưa,…) có khả năng giữ nước, dễ phân hủy, giá thành rẻ, góp phần giảm chi phí cho người nông dân trong quá trình trồng trọt, giảm lượng nước tưới và tăng năng suất cây trồng.
Chất hút nước giữ ẩm (CH) được bón vào trong đất có tác dụng hút giữ nước với khối lượng từ 200 – 600 lần so với vật liệu nền, giúp cung cấp nước từ từ cho cây trồng. Khi lượng nước trong chất giữ ẩm đã được tiêu hao hết chất giữ ẩm trở lại trạng thái gần giống như ban đầu sau đó hút nước trở lại khi gặp mưa hoặc nguồn nước tưới mới.
Thử nghiệm cho thấy, chất hút nước giữ ẩm (CH) cho kết quả tốt với các loại cây trồng tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh… Lượng nước tưới cây trồng có sử dụng chất hút nước giữ ẩm (CH) giảm được từ 30% đến 50%. Trong đó, chất hút nước giữ ẩm CH03 và CH06 được ứng dụng chủ yếu cho cây trồng ngắn ngày như: rau, bắp, bông vải, ngô, mía. Chất hút nước giữ ẩm CH24 được ứng dụng cho cây trồng lâu năm và cây công nghiệp như mít, xoài, quýt, điều, cà phê, chè, tiêu, bông...
Cây gió bầu trồng trên vùng đất đồi khô hạn ở Bình Phước khi sử dụng chất giử ẩm CH24 đã góp phần tăng tỉ lệ cây sống sót trên 95 % so với đối chứng khoản 15 %.
Phân nhả chậm NPK, tương tự như vật liệu hút nước giữ ẩm (CH), phân nhả chậm NPK giúp giảm chi phí đầu tư cho phân bón, giảm ô nhiễm môi trường và tăng năng suất cây trồng. Thử nghiệm tại Lâm Đồng, Đăk Nông với phân nhả chậm NPK có sử dụng kết hợp với chất hút nước giữ ẩm (CH) cho thấy, lượng phân bón giảm đi từ 10 – 30% đối với cây chè, 20-30% đối với cây cà phê và cây ngô, so với lượng phân thông thường trên thị trường mà vẫn đảm bảo cây trồng cho năng suất cao. Hiện nay, phân nhả chậm NPK vẫn đang được các nhà khoa học của Viện theo dõi, đánh giá kết quả thử nghiệm trên cây tiêu, bông và cao su.
Vườn chè thử nghiệm phân NPK nhả chậm và năng suất thu hoạch
Trong những năm qua, Viện KHVLUD đã nỗ lực không ngừng nhằm tạo ra nhiều sản phẩm khoa học có ý nghĩa thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong đời sống sản xuất. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, Viện đã giúp cho người nông dân loại trừ được nhiều loại sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí canh tác, góp phần thiết thực nâng cao đời sống của người nông dân. Với những kết quả đạt được, Viện KHVLUD ngày càng khẳng định vị thế mình trong lĩnh vực khoa học vật liệu, đáp ứng được yêu cầu về khoa học và công nghệ của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Tin: Minh Tâm