Một số kết quả nghiên cứu bảo tồn và phát triển bền vững một số loài thông đang bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam

16/05/2011
Loài Thông không chỉ cung cấp gỗ mà còn là nguồn dược liệu quý giá để sản xuất thuốc, chẳng hạn thuốc chống ung thư (cây Thông đỏ), do đó thông mang lại nguồn lợi kinh tế cao, phục vụ đắc lực cho đời sống con người. Điều đáng lo ngại là hiện nay ở Việt Nam một số loài Thông đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Thực hiện dự án: “Bảo tồn và sử dụng bền vững một số loài thông đang bị đe dọa tuyệt chủng và khu hệ nấm nội ký sinh có ích trong các loài nghiên cứu” do TS. Nguyễn Minh Tâm – Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam – làm chủ nhiệm, từ năm 2009 đến 2011 các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực địa tại nhiều địa điểm trong cả nước đối với loài Thông đỏ Bắc (Taxus chinensis), loài Thông đỏ Nam (Taxus wallichiana) và loài Thuỷ Tùng (Glyptostrobus pensilis). Tổng số 334 cá thể thuộc 12 quần thể của 3 loài Thông đỏ Bắc, Thông đỏ Nam và Thuỷ tùng đã được thu thập để đánh giá cấu trúc quần thể và nghiên cứu đa dạng di truyền ở cả 2 mức độ quần thể và loài.


Cây Thuỷ tùng (Gyptostrobus pensilis) ở Earal

Kết quả đã chỉ ra rằng số lượng cá thể và số lượng quần thể cho mỗi loài nghiên cứu là rất thấp. Chỉ có 2 quần thể Thuỷ tùng, 4 quần thể Thông đỏ Nam, và 6 quần thể Thông đỏ Bắc. Để xác định cấu trúc tuổi quần thể, các nhà nghiên cứu đã phân thành 5 nhóm tuổi theo đường kính thân cây (đo ở vị trí cách mặt đất 1,3 m).

Để đánh giá mức độ suy giảm tính đa dạng di truyền quần thể và loài liên quan đến tác động của con người, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử SSR (microsatellite). Trong tổng số 21 cặp mồi SSR đã được kiểm tra, 10 cặp mồi có kết quả rõ ràng và được sử dụng để phân tích mức độ suy giảm tính đa dạng di truyền quần thể và loài của 3 loài thông nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu đã xác định một số thông số đa dạng di truyền trong quần thể và giữa các quần thể cho mỗi loài thông nghiên cứu.

Nghiên cứu vị trí phân loại của một số loài thông trên cơ sở giải mã vùng gen rpoc1 với kích thước 500-650bp, các nhà khoa học đã giải mã 15 loài thông ở Việt Nam: Thông đỏ Bắc (Taxus chinensis), Thông đỏ Nam (T. wallichiana), Bách xanh núi đất (Calocedrus macrolepis), Bách xanh núi đá (C. rupestris), Thông Pà cò (Pinus kwangtungensis), Thông nàng (Dacrycarpus imbricatus), Kim giao Bắc (Nageia fleuryi), Kim giao Nam (N. wallichiana), và một số loài thông khác. Kết quả về trình tự nucleotide gen rpoc1 cũng chỉ ra 2 loài thông đỏ Bắc và thông đỏ Nam có hệ số tương đồng rất cao và chúng có thể chỉ gộp lại một loài ở Việt Nam và sử dụng tên Thông đỏ (T. chinensis).

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng đối với Thuỷ tùng (Glyptostrobus pensilis), mặc dù tính đa dạng di truyền quần thể và loài có cao hơn so với 2 loài Pơ mu và Sa mu dầu, song chúng cũng đang bị đe doạ bởi một số yếu tố như nơi sống của chúng bị phá huỷ và suy giảm. Những mảnh rừng, nơi sống của Thuỷ tùng còn sót lại đều bị thu nhỏ và bị phân cắt. Loài Thuỷ tùng còn bị đe doạ bởi một yếu tố quan trong khác là nơi sống của chúng luôn bị ngập nước, do những nguyên nhân liên quan đến đập giữ nước phục vụ công việc tưới tiêu cây công nghiệp (cà phê). Điều này này ảnh hưởng đến khả năng tái sinh của loài.

Rõ ràng, việc bảo tồn các loài thông cần phải được thực hiện ở cả hai hình thức nguyên vị và chuyển vị. Trước tiên, cần bảo vệ nơi sống và cấm khai thác cây rừng, đặc biệt các loài đang được bảo vệ. Phục hồi một số nơi sống của chúng và đưa cây con vào trồng., nhằm mục đích tạo một quần thể lớn hơn, đảm bảo duy trì tính đa dạng di truyền cao và tiềm năng tiến hoá của loài. Trước khi mở rộng kích thước quần thể, chúng ta phải thiết lập vườn giống với chất lượng cao về di truyền (cá thể có tính đa hình cao).

Đặc biệt, đối với loài Thuỷ tùng, cần thay đổi chế độ nước bề mặt trong rừng để dần dần phục hồi nơi sống của chúng và cho cây con tái sinh. Thực hiện các nghiên cứu tiếp theo để đánh giá lại mức độ đa dạng di truyền ở cả 2 mức độ quần thể và loài. Nâng cấp khu bảo tồn nguyên vị và chuyển vị để bảo vệ và quản lý các loài đang bị đe doạ một cách hiệu quả hơn. Một giải pháp quan trọng khác cũng cần được quan tâm là nâng cao hiểu biết của cộng đồng và sự tham gia của họ trong việc quản lý và phục hồi các loài thông cần được bảo vệ ở địa phương.

Một số hình ảnh khác trong quá trình khảo sát:



Cây Thủy tùng và ói bị phá hủy, nơi sống của nó bị phá hủy ở EaRal (Đắk Lắk)


Quả Thông đỏ Nam (T. wallichiana) ở Núi Voi (Đức Trọng, Lâm Đồng)

Để biết rõ hơn về kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát triển bền vững một số loài thông đang bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam, xin ấn vào đây.


Nguồn tin: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Xử lý tin: Minh Tâm




Tags:
Tin liên quan