Lớp Tập huấn: Bảo hộ và Tra cứu thông tin sáng chế

15/05/2024
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 49 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và chào mừng ngày KHCN (18/5), sáng ngày 14/5/2024, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) và Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp tổ chức sự kiện thường niên “Lớp Tập huấn: Bảo hộ và Tra cứu thông tin sáng chế” với sự tham dự đông đảo của các nhà khoa học, nhà quản lý từ các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; các thầy cô đến từ một số Viện, Trường trong cả nước.

Khai thác sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu giữ vai trò là mục tiêu then chốt đối với sự phát triển của các Viện nghiên cứu, là mũi nhọn phát triển đối với doanh nghiệp và là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế bền vững của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Việc khai thác hiệu quả các sáng chế có tác động tích cực tới hoạt động thương mại hóa, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần với cuộc sống, qua đó, nâng cao vị trí cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia, dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

TS. Nguyễn Trần Điện - Phó Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ phát biểu khai mạc buổi Tập huấn

Với thành tích công bố quốc tế duy trì ở mức cao và tiếp tục là đơn vị đứng đầu trong cả nước. Hiện tại, Viện Hàn lâm hướng tới việc nâng cao chất lượng các công bố quốc tế, thúc đẩy công tác sở hữu trí tuệ trong toàn Viện nhằm đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Trong những năm vừa qua, Viện Hàn lâm đã là ngọn cờ đầu trong đăng ký sáng chế và trở thành chủ bằng của hàng loạt các văn bằng độc quyền SHCN có giá trị.

Chỉ tính riêng năm 2023, Viện Hàn lâm có số lượng bằng độc quyền tăng trưởng mạnh (tăng 41% so với năm 2022), với 76 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích. Đặc biệt, Viện đã có 3 sáng chế được cấp bằng độc quyền ở nước ngoài, nâng tổng số văn bằng độc quyền của Viện Hàn lâm chiếm khoảng 40% số bằng độc quyền cấp cho khối viện nghiên cứu, trường đại học của cả nước.

Lớp Tập huấn: Bảo hộ và Tra cứu thông tin sáng chế của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2024 là tiền đề, động lực để các nhà nghiên cứu, nhà sáng chế phát triển nghiên cứu của mình, ứng dụng một cách chất lượng, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.  

Bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục SHTT  phát biểu tại Lớp Tập huấn

Đây là Tập huấn thường niên được tổ chức giữa Viện Hàn lâm và Cục Sở hữu trí tuệ, mỗi một kỳ tổ chức đều phát huy hiệu quả sâu rộng, mang lại những giá trị thiết thực và tạo mối liên hệ công tác giữa các chủ đơn và thẩm định viên, giúp cho việc thẩm định đơn đăng ký sáng chế của Viện Hàn lâm được rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi rất lớn cho các chủ đơn hoàn thành bản mô tả sáng chế đúng với quy định. Lớp Tập huấn được tổ chức bằng cả 02 hình thức, trực tiếp và trực tuyến, đón nhận không chỉ đại biểu đến từ Viện Hàn lâm mà còn từ nhiều Viện, trưởng và doanh nghiệp trên cả nước quan tâm, đăng ký tham dự.

 

Các giảng viên: ông Nguyễn Khoa Nguyên - Phó trưởng phòng Cơ khí, Trung tâm Thẩm định Sáng chế, Cục SHTT (trái), ông Bùi Duy Nghĩa - Cục SHTT trình bày kiến thức nội dung 1 tại Lớp Tập huấn

Tiếp tục phát huy và đẩy mạnh vai trò nòng cốt của nghiên cứu cơ bản, khuyến khích và tăng cường vai trò đổi mới, sáng tạo của nghiên cứu ứng dụng, Lớp Tập huấn lần này tập trung vào 2 nội dung chính diễn ra trong hai ngày: 
  • Nội dung 1 diễn ra tại Viện Hàn lâm (ngày 14/5/2024) với các kiến thức chung về bảo hộ và tra cứu thông tin sáng chế; đánh giá tính mới và tính sáng tạo của sáng chế; viết bản mô tả.
  • Nội dung 2 diễn ra tại Cục Sở hữu trí tuệ (ngày 15/5/2024) với phần tư vấn chuyên sâu  về các vấn đề sáng chế theo nhóm 5 lĩnh vực sau: hóa – dược, sinh học – nông nghiệp, cơ khí, điện tử - viễn thông, xây dựng. Nội dung này góp phần hiệu quả giải quyết các đơn đăng ký SHTT hiện còn tồn đọng của đơn vị, dành cho các nhà khoa học đang theo đuổi đơn hoặc trong quá trình chuẩn bị nộp đơn muốn được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp thêm các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Hình ảnh tham gia học tập tại lớp Tập huấn

Thông qua tập huấn, các đơn vị có thể nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ khoa học, không chỉ công bố bài báo mà còn định hướng viết đăng ký sáng chế như một phần của công việc nghiên cứu, góp phần tăng cường và đẩy mạnh công tác sở hữu trí tuệ tại từng đơn vị.

Chụp hình lưu niệm

Mai Lan



Tags:
Tin liên quan