Loài tò vò mới được phát hiện ở Na Uy

20/04/2021
Tò vò biếc – hay còn được gọi là tò vò ngọc lục bảo – là một trong số những loài côn trùng đẹp nhất mà chúng ta có hiện nay với vẻ bề ngoài đầy màu sắc tỏa sáng như những viên ngọc.

Frode Ødegaard, nhà nghiên cứu côn trùng tại Bảo tàng Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy và thuộc nhóm nghiên cứu Châu Âu hiện đã mô tả những đóng góp gần đây đối với sự đa dạng của loài. Loài mới này rất hiếm và chỉ có một mẫu vật duy nhất được tìm thấy trên bán đảo Lista thuộc hạt Agder ở Na Uy. Frode Ødegaard cho biết: “Thông thường chúng ta phân biệt các loài côn trùng với nhau bằng hình dáng bên ngoài, nhưng tò vò lại rất giống nhau nên để phân biệt là một việc khó”.

Loài Tò vò biếc mới

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu côn trùng đã vật lộn để phân loại tò vò vào đúng đơn vị loài và xác định đặc điểm nào là các biến thể trong một loài và đâu là sự khác biệt cụ thể giữa các loài. Và trong 10 năm qua, mã vạch DNA đã mang lại một bước đột phá lớn bằng cách giúp chúng ta có thể phân biệt được các loài tò vò khác nhau bằng cách xem xét sự khác biệt trong vật liệu di truyền của chúng. Nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng như vậy. Theo Ødegaard: “Trong trường hợp này, chúng tôi đã có hai con tò vò với sự khác biệt về ngoại hình và sự khác biệt rất nhỏ về DNA. Bước tiếp theo là xem xét ngôn ngữ của từng con tò vò để tìm xem chúng có thuộc các loài khác nhau hay không.”

Côn trùng giao tiếp với nhau thông qua pheromone – nói cách khác, chúng có một ngôn ngữ hóa học. Các loài có quan hệ họ hàng rất gần thường có ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau để ngăn chúng giao phối với nhau.

Tò vò biếc là loài có khả năng ngôn ngữ trên mức trung bình. Chúng là loài ký sinh, có nghĩa là chúng cư xử giống và đẻ trứng vào tổ của những con ong và tò vò khác. Ấu trùng phát triển nhanh chóng và nở trước trứng của vật chủ. Sau đó, chúng ăn trứng, ấu trùng và nguồn cung cấp thức ăn mà vật chủ đã sắp xếp trong tổ. Ødegaard nói: “Khi sống ký sinh, điều quan trọng là không bị phát hiện, và do đó tò vò biếc cũng đã học được ngôn ngữ của vật chủ”.

Bằng cách thực hiện một nghiên cứu ngôn ngữ rất nhỏ, các nhà nghiên cứu có thể phát hiện ra rằng hai con tò vò gần như giống hệt nhau thực sự thuộc về các loài khác nhau. Chúng sử dụng những vật chủ khác nhau – và điều đó có nghĩa là chúng sử dụng các ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau.  Ødegaard cũng cho biết thêm: “Sự phát triển tiến hóa liên quan đến việc phân tách loài diễn ra rất nhanh. Đó là lý do tại sao bạn có thể có hai loài thực sự giống nhau về mặt di truyền nhưng vẫn thuộc các loài khác nhau”.

Khi một loài mới được mô tả, nó phải được đặt tên và Frode Ødegaard đã có may mắn nhận được vinh dự được đặt tên cho loài mới đó. Như đã đề cập, loài tò vò mới rất giống với một loài khác có tên Chrysis brevitarsis, vì vậy loài mới được đặt tên là Chrysis parabrevitarsis, có nghĩa là “kẻ đứng bên cạnh Chrysis brevitarsis”. Ødegaard cũng đặt cho loài này cái tên đơn giản hơn một chút trong tiếng Na Uy là sporegullveps.

Ông cũng nói thêm rằng các loài côn trùng được thu thập là hoàn toàn quan trọng đối với các nhà nghiên cứu để có thể lập bản đồ và mô tả sự đa dạng của chúng và do đó chăm sóc các quần thể sống sót cho hậu thế.

Nguồn tin: ScienceDaily
Xử lý tin: Phương Hà



Tags:
Tin liên quan