Lễ Bàn giao công nghệ và thiết bị sản xuất dầu sinh học (biodiesel) và các sản phẩm phụ từ hạt Trẩu giữa Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng và Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu gỗ Teak - Luang Prabang - Lào

11/09/2012
Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng Luang Prabang và kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam – Lào, theo Quyết định số 870/QĐ-KHCNVN ngày 2/7/2012 của Chủ tịch Viện KHCNVN về việc chuyển giao công nghệ không bã thải sản xuất nhiên liệu sinh học từ hạt trẩu của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng cho Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu gỗ Teak. Ngày 18/8/2012, tại Luang Prabang - Lào đã diễn ra Lễ Bàn giao công nghệ và thiết bị sản xuất dầu sinh học (biodiesel) và các sản phẩm phụ từ hạt trẩu giữa Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu gỗ Teak - Luang Prabang - Lào. Lễ bàn giao bao gồm bàn giao xưởng sản xuất thử nghiệm nhiên liệu sinh học từ dầu trẩu, thiết bị và qui trình công nghệ sản xuất các sản phẩm phụ từ hạt trẩu, hóa chất và thiết bị phân tích chất lượng các sản phẩm.

Đến dự buổi lễ về phía Lào, có đại diện lãnh đạo chính quyền tỉnh Luang Prabang, lãnh đạo các Viện nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ Lào và các huyện có trồng trẩu. Về phía Việt Nam, có Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Khoa học vật liệu - Viện KHCNVN, đại diện lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học vật liệu ứng dụng.


Lễ ký bàn giao dây chuyền công nghệ và thiết bị chế biến hạt trẩu

Tại buổi lễ bàn giao, các đại biểu được xem các sản phẩm sản xuất thử nghiệm ngay tại xưởng như thức ăn gia súc, tinh bột, tấm lợp từ vỏ hạt trẩu. Đặc biệt, các đại biểu đã được chứng kiến việc sản xuất thử nghiệm nhiên liệu sinh học (biodiesel) từ dầu trẩu và sử dụng biodiesel B-100 (100% metyl ester của dầu trẩu) để chạy máy phát điện, biodiesel B-20 (20% metyl ester của dầu trẩu và 80% dầu diesel từ dầu mỏ) dùng cho xe ô tô. Năm 2015, Lào dự kiến nhập khẩu 440 triệu lít dầu diesel dầu mỏ. Nếu sử dụng 20% biodiesel từ dầu trẩu của mình, Lào có thể tiết kiệm được 88 triệu lít. Tổng diện tích trồng trẩu của Lào đến năm 2015 có thể lên đến 200.000 ha, mỗi ha cho 3-4 tấn hạt, tương đương 1-1,2 tấn dầu tính theo công nghệ này.

Dây chuyền công nghệ không bả thải này có khả năng chế biến 300kg hạt trẩu/ngày với các sản phẩm: 100kg dầu trẩu, 120kg tinh bột làm thức ăn gia súc, 30 lít các chất có hoạt tính sinh học làm thuốc trừ sâu, 40 tấm ngói composite từ vỏ hạt (42x36x3 cm), và có thể sản xuất đến 0,5 tấn biodiesel/ngày. Vì hạt trẩu có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nên dự kiến giá thu mua hạt trẩu sẽ được nâng từ 1000 kip/kg lên 1200 kip/kg (1kip = 2,8 Việt Nam đồng).

Một số hình ảnh khác tại buổi lễ bàn giao:


Tổng giám đốc Công ty Gỗ Teak - Luang Prabang Vông Phết XAYKERYACHONGTUA và sản phẩm tấm lợp composite

 
Tổng giám đốc Công ty Gỗ Teak - Luang Prabang Vông Phết XAYKERYACHONGTUA và sản phẩm dầu trẩu và Biodiesel từ dầu trẩu (B-100)


Các sản phẩm từ hạt trẩu


Toàn bộ dây chuyền thiết bị.


KS. Trương Thanh Ngọc- Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng kiểm tra các chi tiết máy của dây truyền


Th.S Huỳnh Thành Công- Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng lắp hệ thống điện cho dây chuyền


Các đại biểu tham dự buổi lễ



Nguồn tin: Th.S. Nguyễn Thị Thu Thảo -
Trưởng phòng QLTH – Viện Khoa học vật liệu ứng dụng
Xử lý tin: Minh Tâm



Tags:
Tin liên quan