Hợp tác nghiên cứu khoa học biển, góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

04/12/2023
Phối hợp thực hiện những nghiên cứu chung về khoa học biển, cung cấp cơ sở khoa học cho việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển của Liên Hợp quốc là những nội dung hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD) đã được GS. VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST và Ông Olivier Brouchet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh trong Hội thảo “Khoa học và Kinh tế biển” được tổ chức tại Hải Phòng từ ngày 02 - 04/12/2023. Hội thảo cũng nằm trong chuỗi hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai đất nước Việt Nam và Pháp.

GS. VS. Châu Văn Minh  - Chủ tịch VAST phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông Olivier Brouchet - Đại sứ Pháp tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của Lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu liên quan của Viện Hàn lâm, các chuyên gia IRD, đại diện IRD tại Việt Nam, Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, các nhà khoa học trẻ của VAST cũng như đại biểu đến từ các đơn vị nghiên cứu và Trường Đại học tại địa phương. Hội thảo đã cập nhật, chia sẻ những nghiên cứu mới trên thế giới cũng như tại IRD và Viện Hàn lâm liên quan đến các vấn đề hải dương học, hệ sinh thái và nền kinh tế biển; các mô hình tính toán trong nghiên cứu biển và đại dương; vấn đề ô nhiễm vi nhựa trong môi trường và phát triển năng lượng tái tạo từ biển, và đưa ra những thảo luận về đề xuất khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế xanh trên cơ sở chia sẻ từ kinh nghiệm của địa phương là Thành phố Hải Phòng.

Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km, nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ trên thế giới và có tiềm năng kinh tế biển hết sức to lớn, gắn bó mật thiết đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt mục tiêu đến năm 2030 các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP; kinh tế của 28 tỉnh ven biển đóng góp từ 65-70% GDP cả nước; trong đó các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu biển; đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển đã được chỉ ra là những giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu chiến lược này.

Các nhà khoa học hai bên báo cáo, trao đổi và thảo luận tại Hội thảo

VAST và IRD chính thức hợp tác từ năm 1999, đã cùng xây dựng và triển khai các Chương trình, Dự án nghiên cứu chung về biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong lĩnh vực sinh thái và môi trường biển, mối quan hệ giữa con người và môi trường sống tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, phục vụ cho những mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2014, VAST và IRD đã thực hiện chuyến khảo sát chung, tiến hành các hoạt động đo đạc về quang học biển, trầm tích, thủy văn, thủy hóa và vật lý biển ở vùng biển ven bờ sông Mê Kông (19-27/6/2014), vùng biển Hải Phòng - Hạ Long và ven bờ châu thổ sông Hồng (05-12/7/2014) bằng tàu nghiên cứu khoa học ALIS quốc tịch Pháp. Góp phần hoàn thành mục tiêu đặt ra về phát triển bền vững kinh tế biển tại Nghị quyết 36-NQ/TW, Viện Hàn lâm tiếp tục tăng cường hợp tác với IRD; phối hợp triển khai chuyến khảo sát sinh thái và môi trường biển chung lần thứ hai vào năm 2024; phối hợp tổ chức các khóa học chuyên đề; tiếp tục triển khai hiệu quả Phòng thí nghiệm nghiên cứu về Địa chất và Hải dương học LEGOS và Phòng thí nghiệm hỗn hợp quốc tế LOTUS nghiên cứu hệ thống kết hợp đất liền - đại dương - khí quyển tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt - Pháp).

Trong bối cảnh Việt Nam vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án triển khai chuyển đổi năng lượng công bằng JETP - một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực cần thiết để triển khai hiệu quả lộ trình phát triển các-bon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong nỗ lực chung chuyển đổi năng lượng toàn cầu; cũng như Việt Nam đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP tại COP28 cùng với Nhóm các đối tác quốc tế vừa qua, hợp tác giữa VAST và IRD trong thời gian tới sẽ góp phần cung cấp cơ sở khoa học đề xuất giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu đặc biệt tại khu vực ven biển Việt Nam, hỗ trợ bảo tồn và khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển, tạo đà thúc đẩy kinh tế biển xanh ở Việt Nam.

Hội nghị bàn tròn “Kinh tế biển xanh – Động lực của sự phát triển bền vững”

Tin: TS. Lê Quỳnh Liên - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế
Ảnh: Thanh Hà



Tags:
Tin liên quan